(Baonghean) - Mỗi khi mùa mưa đến, nước lũ dâng cao thì điểm dân cư bản Nóng 2, xã Tri Lễ (Quế Phong) gần như bị cô lập, học sinh phải nghỉ học do không có cầu qua suối…

Con đường “độc đạo” từ trung tâm xã Tri Lễ vào tới bản Nóng 2 phải đi qua chiếc cầu tạm do bà con trong bản dựng bằng mét cùng gỗ tạp bắc qua con suối Nậm Nghiêu, chỉ cần một chiếc xe máy đi qua cũng đủ chống chếnh. 

Bản Nóng 2 có 27 hộ dân với 125 khẩu, nằm tách biệt với trung tâm xã bởi con suối Nậm Nghiêu. Vì chưa được đầu tư xây cầu nên bà con trong bản đã tự góp tre gỗ lại để làm, hết sức thô sơ, dài khoảng 3m, rộng chừng trên 1m. Phía dưới là những cây tre, thanh gỗ nhỏ buộc giằng với nhau để chống đỡ, phía trên là những thanh gỗ tận dụng trải trên mặt cầu làm tấm lát. Việc đi lại đã khó, giao thương buôn bán lại càng khó khăn, trong bản một số gia đình trồng keo nhưng khi thu hoạch thường phải bán với giá thấp hơn giá thị trường bởi thương lái phải tính thêm tiền vận chuyển. Hàng ngày, 29 học sinh của bản đến trường đều phải có người lớn dắt qua cầu, còn mùa mưa, khi nước lũ về thì buộc phải nghỉ học. “Phải đưa đón cháu đi học ngày hai buổi nên không làm được việc chi cả. Mà để nó tự đi học thì không yên tâm. Còn khi nước lũ về làm ngập mấy ruộng lúa trên cao, cuốn phăng cả chiếc cầu tạm, con em trong bản chỉ còn cách nghỉ học bởi lúc này bản Nóng 2 chúng tôi bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài”, chị Quang Thị Hoa, một người dân, cho biết. Còn anh Hà Văn Nhật, một người dân trong bản cũng cho hay: Những đợt mưa lớn, lũ về, bà con phải mua lương thực, thực phẩm về trữ, vì có thể bị cô lập mấy ngày liền.

Con đường duy nhất từ trung tâm xã Tri Lễ vào tới bản Nóng 2.

Nhiều năm qua, cứ sau mùa mưa lũ người dân Nóng 2 lại phải chung tay góp sức để tu sửa cây cầu. Tuy nhiên, chính vì nguồn kinh phí đóng góp của bà con không đáng là bao, trong khi cầu lại liên tục phải gia cố, chính vì vậy cũng không cải thiện được là mấy. Tâm sự với chúng tôi, trưởng bản Nóng 2, ông Lô Văn Bình cho biết: Có rất nhiều vụ tai nạn xẩy ra, cả người và xe rơi xuống sông, gây thương tích. Thế nhưng, biết làm sao được, người dân ở đây không có con đường nào khác. Còn đến mùa mưa lũ thì chiếc cầu tạm bợ này cũng đi theo sông nước, vì không đủ sức chịu sự tàn phá của nước sông dâng cao. Vì vậy, chúng tôi rất mong các cấp ngành quan tâm tạo điều kiện để bản Nóng 2 sớm có một cây cầu để bà con và các cháu học sinh đi lại đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ. 

 Quảng An