Bản làng vắng người, thiếu hụt lao động

Đến các bản vùng biên giới xã Tam Hợp, huyện Tương Dương những ngày cuối tháng 4/2023, dù là buổi sáng sớm hay chiều muộn thì quang cảnh phổ biến vẫn là những ngôi nhà cửa đóng then cài. Ở những nhà có người ở, hầu hết đều là người già đã qua tuổi lao động ngồi tựa cửa, hoặc trẻ em chơi tha thẩn quanh vườn.

Bà Vi Thị Tím ở bản Văng Môn xã Tam Hợp (Tương Dương) trông cháu cho vợ chồng con trai vào Nam tìm việc làm. Ảnh: HT

Đã hơn 11 giờ trưa, tại ngôi nhà nằm ngay cạnh con dốc của con đường chính đi vào bản Văng Môn, bà Vi Thị Tím ngồi ở mép cửa, ở bên cạnh là cháu bé mới hơn 1 tuổi chưa biết nói. Bà Tím cho biết, hiện nhà chỉ có hai vợ chồng già cùng đứa cháu nội còn chưa biết đi. Cách đây hơn 1 tháng, bố mẹ của cháu đã vào miền Nam tìm kiếm việc làm, gửi cháu ở nhà cho ông bà trông.

Bản Văng Môn có 79 hộ với 328 nhân khẩu, theo phó bản Lương Văn Thuận, tính đến thời điểm 15/4/2023 bản có 68 người đi làm ăn xa, trong đó có 3 người đi xuất khẩu lao động. Người dân rời quê đi nhiều nên bản làng vắng vẻ. “Những người vào miền Nam tìm việc hầu hết là lao động chính trong gia đình. Ở Văng Môn người đi làm xa nhiều, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Chủ yếu họ đi xin làm công nhân trong các đồn điền cao su, hoặc làm thuê công nhật nên thu nhập hàng tháng không nhiều” - anh Lương Văn Thuận cho biết.

Cũng tình trạng vắng vẻ, thiếu lao động sản xuất, chăn nuôi, ở bản Phá Lỏm, Bí thư Chi bộ Phá Lỏm - anh Xồng Bá Giày cho biết, cả bản có 128 hộ thì hiện nay có 156 trụ cột lao động của các gia đình đã rời quê đi tìm việc làm, chưa tính trẻ con đi theo. Lao động chính, thanh niên rời quê, chủ yếu vào miền Nam xin việc nhiều. Vì vậy ở Phá Lỏm dù có tiềm năng phát triển chăn nuôi, trồng nghệ, gừng và một số loại lâm sản phụ như bo bo nhưng thiếu người làm nên hiệu quả sản xuất không cao.

Một góc bản Văng Môn, xã Tam Hợp. Ảnh: HT

Trưởng bản Phá Lỏm, anh Xồng Bá Chớ cũng bộc bạch, các phong trào tập thể ở bản, ở xã cũng kém hơn vì ít người tham gia.

Còn ở bản Huồi Sơn, nói về sự vắng vẻ của bản làng, phó bản Vừ Bá Mà cho biết, lao động chính của các gia đình đi tìm việc ở xa gần hết, khoảng 70%. Có nhà di cư cả gia đình, vợ chồng, con dâu, con rể mang theo cả cháu, con đi cùng. Muốn tìm người tham gia các phong trào cũng khó.

Cán bộ thôn, bản xin nghỉ việc

Cuối tháng 3/2023, chia sẻ trên mạng xã hội về sự bấp bênh khi rời quê đi tìm việc làm ở các tỉnh phía Nam, anh Già Tông Bì ở bản Phà Chiếng, xã Mỹ Lý, Kỳ Sơn cho biết, anh và một số người dân ở Phà Chiếng rủ nhau vào Nam tìm việc làm. Nhóm của anh xin được công việc cạo mủ cao su ở một đồn điền thuộc huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Già Tông Bì trước lúc đi làm ăn xa là trưởng bản Phà Chiếng.

Hình ảnh quen thuộc ở các bản làng miền Tây: Con cái đi làm ăn xa, ông bà vừa trông cháu vừa trồng trọt, chăn nuôi. Ảnh: HT

Nói về quyết định rời quê đi xa của mình, anh Già Tông Bì cho biết, trước đây ở Mỹ Lý chỉ cần chăm chỉ chăn nuôi trâu bò, trồng trọt thêm một số cây trồng cũng đủ sống vì giá trâu bò khá cao. Thế những hơn 1 năm nay giá trâu bò không ngừng xuống dốc, gia đình anh nuôi khoảng chục con bò nhưng bán chẳng được bao nhiêu, đời sống ngày càng khó khăn. Vì vậy, vợ chồng quyết định vào miền Nam tìm việc làm, còn nhà thì khoá của nhờ hàng xóm thi thoảng trông coi.

Những ngày đầu vào Nam, chưa xin được việc ở đồn điền cao su, vợ chồng anh đi làm thuê công nhật, ai thuê gì làm nấy với mức giá 35 ngàn đồng/ngày; chủ yếu là lắp đặt đường ống nước, dọn cỏ vườn… Hiện nay vợ chồng anh và một số người đi cùng đã xin được việc cạo mủ cao su, tiền công 300 ngàn đồng/ngày. Song anh Già Tông Bì cũng tâm sự, hết mùa cạo mủ cao su thì vợ chồng cũng chưa biết được sẽ tìm việc gì, nên cuộc sống cũng bấp bênh, thu nhập không ổn định, trong khi tiền thuê nhà, tiền ăn uống thì vẫn phải chi thường xuyên.

Người dân Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn xin việc làm ở tỉnh Bình Phước. Ảnh nhân vật cung cấp

Ở nhiều xã khác của Kỳ Sơn, việc cán bộ thôn bản, cán bộ các hội, đoàn thể xin nghỉ việc để vào Nam tìm việc làm cũng diễn ra khá nhiều. Ở xã Bảo Thắng, Bí thư Đảng uỷ xã Vi Thị Đắm cho hay, cứ vào đầu các năm, xã lại nhận được đơn xin nghỉ việc của một số cán bộ bản, hoặc cán bộ hội đoàn thể với lý do đi tìm việc làm.
Lý giải về nguyên nhân này, bà Vi Thị Đắm cho biết, ngoài sự khó khăn về sản xuất, chăn nuôi thì phụ cấp cho cán bộ thôn bản, các hội, đoàn thể quá thấp, buộc họ phải xoay xở tìm việc khác để có thể nuôi gia đình, con cái.

Theo lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn, năm 2022, trên địa bàn huyện có gần 12 nghìn lao động rời quê đi tìm việc làm, chủ yếu là thị trường các tỉnh phía Nam. Người đi làm ăn xa chủ yếu là lao động chính, thanh niên. Vì vậy, các bản làng hiện nay khá vắng người, chủ yếu người già và trẻ em. Ở quê nhà lại thiếu lao động sản xuất, chăn nuôi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ ở Kỳ Sơn, nhiều huyện, thị khác, việc người dân rời quê hương đi tìm việc làm có xu hướng ngày càng tăng. Trong số đó, có không ít người là cán bộ thôn bản, cán bộ xã, phường.

Theo số liệu của Cục Thống kê, số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý I năm 2023 ở Nghệ An khoảng 885,5 nghìn người, giảm 12,4 nghìn người so với quý trước và giảm 443,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này là 1,94%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,31%; khu vực nông thôn là 2,34%.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2023 là khoảng 1,05 triệu người, giảm 34,6 nghìn người so với quý trước và giảm 65,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2023 là 2,25%. Thị trường lao động quý I năm 2023 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại thực trạng nhiều doanh nghiệp ở một số ngành thâm dụng lao động (tuyển lao động số lượng lớn, quá mức quy mô sản xuất) như các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, điện - điện tử,… Khi thiếu đơn hàng các ngành này buộc phải cắt giảm lao động, dẫn tới ảnh hưởng đến tình hình lao động việc làm trong nước, gây mất cân đối lao động giữa các vùng miền, địa phương và tăng tỷ lệ thất nghiệp.