(Baonghean) - Chẳng biết ai và tự bao giờ về lập nên bản Hốc? Người già nhất còn biết đọc được chữ Lai Tay cũng chỉ biết từ xưa bản mình thuộc mường Chon, ở cạnh đó là mường Quàng. Từ khi Đảng và Nhà nước có chủ trương đổi mới, nếp sống người bản dần thay đổi. 

Trai gái tân thời ăn mặc theo người miền xuôi, thậm chí là học cách cư xử như những nhân vật trong phim ảnh. Dưới nếp nhà sàn, người ta mang về thêm nào là cái xe gắn máy, sau đến là ti vi, tủ lạnh, cái két đựng tiền... Bây giờ là cái điện thoại di động để khi cần gặp khỏi phải đi tìm nhau. Nhưng không vì cuộc sống đổi thay như vậy mà người bản quên đi tiếng trống chiêng, tiếng hát nhuôn, xuối. Con gái vẫn thích mặc váy Thái, vẫn đi diễn văn nghệ trong Lễ hội Hang Bua. Vì thế mà từ 10 năm trở lại đây, bản Hốc luôn giữ danh hiệu Làng Văn hóa.

Thế nhưng, bản Hốc cũng như 11 bản khác trong xã, vẫn chưa thoát khỏi cái nghèo. Đi họp bản, nghe cán bộ nói cả xã còn gần bảy chục phần trăm hộ nghèo, là một trong ba xã khó khăn nhất huyện. Sau mùa gặt, người dân bản Hốc vẫn phải vào rừng kiếm măng, hái lá thuốc trong rừng về bán kiếm tiền mua sách vở cho con. Hết mùa măng, cuộc sống lại khó khăn hơn, thế nên vẫn còn người lén lút vào rừng đốn gỗ...

Nghiệm lại, nguyên nhân của cái nghèo thì nhiều, một phần chính là đường điện lưới quốc gia chưa vươn đến bản Hốc cũng như những bản khác trong xã. Mong muốn lớn nhất của người dân trong và ngoài bản Hốc là đường điện quốc gia mau kéo về. Từ nhiều năm nay, dân bản vẫn dùng nguồn điện tự tạo, không ổn định, lại mất an toàn. Có nguồn điện quốc gia, cuộc sống sẽ càng thêm khởi sắc và bà con sẽ càng thêm yêu nếp bản.

H.V

------------------

(Ghi theo lời dân bản Hốc - Diên Lãm - Quỳ Châu)