Nhiều thuận lợi cho người lao động

Hơn 1 năm sau ngày được bàn giao sổ BHXH, đông đảo người lao động Công ty TNHH MTV Dinh dưỡng Nông nghiệp (KCN Nam Cấm) đã dành cho hoạt động này nhiều lời khen bởi lợi ích thiết thực của nó. Việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động ở công ty được đánh giá là tốt, tuy nhiên, vì thời gian đóng BHXH của mỗi người mỗi khác, mốc thời gian chốt sổ khi chuyển từ công ty cũ sang công ty hiện tại khó mà nhớ hết được, nên mỗi lần làm chế độ, cán bộ nhân viên phải mất thời gian tra cứu, tìm hiểu thông tin chính sách mới để tính toán, so sánh mức thụ hưởng đúng quy định pháp luật. Từ khi được bàn giao sổ BHXH để tự lưu trữ, bảo quản, người lao động có được sự chủ động trong kiểm tra thông tin đóng - hưởng bất cứ lúc nào.

bna_image_8460550_18112018.jpgÔng Lê Trường Giang - Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An trao sổ BHXH cho người lao động công ty TNHH MTV Dinh dưỡng Nông nghiệp. Ảnh: Chu Thanh
Tương tự như vậy, 20 lao động của Công ty TNHH  Muối Việt Nam - chi nhánh đóng tại xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu cũng có chung cảm nhận phấn khởi sau hơn 1 năm “làm chủ” cuốn sổ BHXH của mình. Người lao động công ty này cho biết, lâu nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng, họ nghe rất nhiều về câu chuyện trốn đóng, chậm đóng BHXH cho người lao động. Không ít người lo âu trước nhiều “chiêu” lách luật của doanh nghiệp, vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của lao động, mà mãi đến khi có việc cần đến cuốn sổ BHXH, thẻ BHYT mới “ngã ngửa”. Vì vậy, khi được bàn giao sổ BHXH, phần lớn người lao động đều cảm thấy có thêm niềm tin để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Những băn khoăn, lo lắng của người lao động về việc doanh nghiệp chấp hành quy định pháp luật, thực hiện đúng - đủ chế độ và quyền lợi hợp pháp của họ không phải là không có cơ sở. Trước khi bắt tay thực hiện lộ trình bàn giao sổ BHXH, BHXH tỉnh nhận định thực tế, lâu nay, người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo quản sổ BHXH của người lao động trong thời gian làm việc tại đơn vị và trả sổ khi không còn làm việc. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện quy định này còn một số bất cập như người lao động không nắm được thông tin về quá trình đóng BHXH.

Một số đơn vị, doanh nghiệp, người làm công tác bảo quản sổ BHXH cho người lao động chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên luân chuyển, thay đổi, lại ít quan tâm đến việc lưu giữ sổ BHXH nên việc bảo đảm an toàn chưa tuyệt đối, có tình trạng một số nơi làm mất hoặc thất lạc sổ. Nhiều doanh nghiệp vẫn trừ tiền đóng BHXH hằng tháng của người lao động vào lương của họ nhưng không nộp cho cơ quan BHXH mà chiếm dụng để dùng vào việc khác… Vì vậy, việc để người lao động quản lý sổ BHXH của mình là một trong những chính sách bảo đảm lợi ích tối đa của người lao động cũng như giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. 

Ngay từ đầu năm 2017, sau khi có chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp, tập trung các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nguồn lực; xây dựng kế hoạch thực hiện; thành lập tổ chỉ đạo, tổ nghiệp vụ; phát động phong trào thi đua; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho công tác rà soát, bàn giao sổ BHXH...

Theo thống kê, tính đến ngày 30/09/2018, toàn tỉnh đã thực hiện in, rà soát được 203.033 sổ/203.088 sổ cần phải thực hiện in, rà soát, bàn giao, đạt 99,97% kế hoạch của BHXH Việt Nam giao.

3 huyện có tỷ lệ bàn giao đạt 100% là TP. Vinh, Kỳ Sơn và Nghi Lộc; có 12 huyện có tỷ lệ bàn giao đạt trên 99%. Có 3 huyện có tỷ lệ bàn giao sổ dưới 98% là Hưng Nguyên 98,33%, Yên Thành 98,48% và Diễn Châu 98,56%.

Đánh giá chung, chất lượng sổ BHXH bàn giao được thực hiện đúng quy định, thực hiện kiểm tra, rà soát trên hồ sơ, dữ liệu để khớp đúng, đồng bộ.

Nỗ lực tháo gỡ vướng mắc

Quá trình bàn giao sổ, BHXH các địa phương cũng báo cáo một số vướng mắc, tồn tại trong thực tế. Theo đó, nhiều sổ BHXH đã được cấp khi rà soát thấy quá trình chuyển xếp lương, hưởng phụ cấp chức vụ trước đây không đúng với các văn bản quy định về mức lương. Nhiều sổ BHXH chưa chốt đến tháng 12/2008, nhất là ngoại tỉnh chuyển đến, nên phải đối chiếu với dữ liệu chốt sổ bảo lưu trên trang tra cứu để xác định (nhiều trường hợp không có dữ liệu phải gửi hồ sơ xác minh) làm chậm tiến độ rà soát; việc nhập dữ liệu quá trình đóng BHXH trước năm 2008 trên sổ BHXH vào phần mềm còn sai sót, chưa chính xác so với thông tin của người lao động như: chức danh, thời gian đóng, địa chỉ nơi làm việc…

Đáng chú ý, công tác rà soát xác định thời gian, mức đóng của đối tượng cán bộ xã cũng gặp không ít khó khăn do việc điều động bổ nhiệm vào các chức danh chuyên trách cấp xã trước đây thiếu chặt chẽ, đơn vị lập danh sách tham gia BHXH chưa sát với quy định của UBND tỉnh.

Các vướng mắc khác như sổ BHXH thuộc đối tượng giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 nhưng không có Quyết định tuyển dụng; Chức danh nghề nặng nhọc độc hại ghi trên sổ BHXH chưa đúng theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH; Người lao động làm việc tại huyện có phụ cấp khu vực, nhưng trên sổ BHXH không thu phụ cấp khu vực…

Cán bộ BHXH tỉnh tra cứu, rà soát thông tin để bàn giao sổ BHXH cho người lao động. Ảnh: P.A
Theo nhận định, số lượng sổ còn lại hiện nay là những sổ có nhiều vướng mắc như sai chức danh, mức lương, thời gian công tác nhưng không còn hồ sơ gốc nên rất khó khăn trong việc rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động. Ngoài ra, một số đơn vị chưa thật phối hợp để thực hiện rà soát, mặc dù cơ quan BHXH đã cử cán bộ chuyên quản phối hợp cùng bưu điện để đôn đốc.
Thực tế, khi bưu điện trả sổ BHXH trực tiếp cho người lao động cũng gặp không ít khó khăn, nhất là đối với người lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, do những đơn vị này chưa có sự tin tưởng, sợ ảnh hưởng tới an ninh an toàn công ty khi cán bộ bưu điện tiếp cận với người lao động trong công ty để trả sổ BHXH.
Một số đơn vị đặc thù thường có công nhân đi làm việc ở nơi xa như ngành giao thông, thủy lợi, vì thế việc phối hợp với đơn vị và người lao động trong công tác rà soát sổ gặp không ít khó khăn, làm chậm tiến độ bàn giao.

Ông Lê Viết Thức - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, để vượt khó, tháo gỡ vướng mắc, BHXH tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, rốt ráo. Theo đó, đối với sổ có nhiều vướng mắc như sai chức danh, mức lương, thời gian công tác nhưng không còn hồ sơ gốc… thì yêu cầu BHXH các huyện tập trung hồ sơ, báo cáo về BHXH tỉnh để kiểm tra, từ đó có phương án tham mưu.

Đối với các đơn vị doanh nghiệp không hợp tác với cơ quan BHXH để thực hiện rà soát, ngành BHXH sẽ phối hợp với Liên đoàn lao động, Bưu điện và các chuyên quản trực tiếp đến làm việc với người đứng đầu doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Cùng với đó, ngành BHXH tỉnh sẽ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích nội dung công việc rà soát trả sổ, phối hợp trực tiếp với đơn vị, người lao động thực hiện rà soát tại chỗ; thành lập các tổ công tác xuống trực tiếp đơn vị để tháo gỡ vướng mắc...