Thời gian gần đây, ở Thái Bình và Hải Phòng - vùng có ổ dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ dân chăn nuôi có lợn đến kỳ xuất chuồng cho biết, quy định lấy mẫu xét nghiệm trước khi tiêu thụ lợn đang làm khó cho người chăn nuôi. Bởi, giá thịt lợn hơi xuất chuồng đang ở mức thấp, trong khi mỗi một mẫu xét nghiệm họ phải chịu phí lên tới 500 ngàn đồng.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2019 của Bộ NN&PTNT sáng 5/3, Phó Cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành giải thích, trong giai đoạn đầu tiên khi chống dịch tả lợn châu Phi, kinh phí lấy mẫu xét nghiệm để xác định bệnh dịch được một số doanh nghiệp trong ngành cũng như các tổ chức quốc tế hỗ trợ.
“Còn hiện giờ, đối với xét nghiệm phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và kể cả phục vụ cho việc tiêu thụ, vận chuyển lợn sống đi tiêu thụ thì có thu phí. Tuy nhiên, mức phí thu này hiện cũng chỉ đủ để trang trải thôi”, ông Đàm Xuân Thành khẳng định.
Ông cho biết, hiện cả nước có 3 địa phương công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Ở Hòa Bình cũng có địa phương sắp qua 30 ngày mà không phát sinh thêm ổ dịch nào mới. Theo đó, với những địa phương đã công bố hết dịch thì được phép tiêu thụ, mua bán lợn tự do.
Theo ông Thành, kinh phí hỗ trợ do UBND các tỉnh quyết định. Việc thực hiện hỗ trợ cũng tương đối nhanh. Như ở Hà Nội, lợn bị tiêu hủy sau 7 ngày người chăn nuôi đã được nhận tiền hỗ trợ.
Thông tin từ Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 28/3, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 23 tỉnh, thành phố từ miền Bắc đến miền Trung, buộc phải tiêu hủy hơn 85.000 con lợn. Điều này gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam.
Thế nhưng, khoảng một tuần nay, tình hình dịch bệnh dần được khống chế, mức độ lây lan đã chậm lại. Hiện có 3 địa phương đã dập được dịch. Giá lợn cũng bắt đầu tăng trở lại, nhiều tỉnh thành ở miền Bắc đã tăng lên mức 39.000 - 42.000 đồng/kg.