Lời thú nhận của Zuckerberg khiến nhiều người dùng Facebook ngã ngửa vì bấy lâu nay, nhiều hoạt động của họ trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã vô tình "cho không thông tin cá nhân" và buộc mình bị theo dõi.
Facebook theo bạn như hình với bóng
Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, khi được Thượng nghị sĩ Deb Fischer hỏi: "Facebook lưu trữ bao nhiêu dữ liệu? Lưu tất cả những gì chúng tôi nhấp vào phải không? Nó có bị lưu trữ ở đâu khác không?", Mark đã trả lời: "Đúng, chúng tôi lưu trữ thông tin người dùng, từ từng cú click chuột".
Như vậy, tất cả những thao tác "thích", "bình luận", "chia sẻ" hay những nội dung "tự khai" (khoe với bạn bè) rằng bạn đang ở đâu, đang làm gì..., kể cả các nội dung trả lời bạn bè trên Facebook cũng lưu lại chi tiết.
Sau scandal Cambridge Analytica, người dùng Facebook mới ngã ngửa khi đến cả cuộc gọi, tin nhắn SMS, các cuộc trò chuyện trên ứng dụng Messenger cũng không sót lọt khỏi 'tấm lưới' của mạng xã hội này. Thậm chí, nhiều người còn phát hiện cả những video riêng tư chưa từng được đăng lên trang cá nhân nhưng cũng nằm trong dữ liệu mà Facebook lưu trữ.
Sáng sớm nay, trong phiên điều trần thứ hai trước Quốc hội Mỹ, CEO Mark Zuckerberg trả lời chất vấn của Hạ nghị sỹ Engel rằng: “Ngay cả khi người dùng không đăng nhập mạng xã hội, chúng tôi vẫn theo dõi một số thông tin nhất định như việc truy cập vào bao nhiêu website. Đây là một phần trong số các biện pháp bảo mật".
Người dùng Việt Nam đang "cho không" thông tin cá nhân
Hãy tưởng tượng Facebook giống như một thành phố hiện đại, giao thông và thông tin liên lạc thông suốt và cho phép mọi người ở trong các căn hộ tiện nghi miễn phí. Mọi sinh hoạt đều miễn phí. Tuy nhiên, họ phải chấp nhận việc tất cả các căn phòng đều bị Facebook đặt camera ghi hình 24/7.
Facebook dùng tất cả các hình ảnh đó để nắm được nhu cầu của mỗi căn hộ, xem họ đang thích gì, đang cần gì,... từ đó cho phép các hãng quảng cáo đến tiếp thị tận nhà một cách chính xác nhất.
Với người dùng Việt, ý thức về quyền riêng tư chưa cao, nên thường dễ dàng chia sẻ mọi thứ trên mạng xã hội. Nhiều người cũng thường không có thói quen kiểm tra lại các thông tin trước khi quyết định đăng lên trang cá nhân. Hay việc dễ dàng chia sẻ số điện thoại, địa chỉ sinh sống hoặc liên tục check in,...
Việc cân nhắc trước khi đăng gì, click vào cái gì, chơi gì lên Facebook là điều cần thiết để hạn chế rò rỉ thông tin cá nhân nếu bạn vẫn muốn tiếp tục sử dụng mạng xã hội có tầm ảnh hưởng lớn nhất hành tinh này.