Sáng cuối tuần, ngồi quán cà phê quen, ngước nhìn ra con đường trước mặt, thấy có chiếc xe màu xanh chạy qua. Hông xe in dòng chữ to tướng: Bạn có hạnh phúc không? À, hoá ra là content của chiến dịch quảng cáo cho một khu đô thị sinh thái ven đô. Nhưng có hề gì, điều đó chẳng làm cho ấn tượng về dòng chữ kia phai đi, thậm chí, càng nhớ về nó, càng thôi thúc tôi tìm kiếm câu trả lời bằng mọi giá. Tôi nghĩ, đi gần nửa đời người, hẳn đã đến lúc phải dũng cảm đánh giá sự thành bại của mình bằng thước đo hạnh phúc.

Tôi có hạnh phúc không?

Tôi nhìn lại thời thơ bé, vô số hình ảnh như lát cắt thời gian ập vào tâm trí. Năm 4 tuổi, bố công kênh tôi lên vai đi trên con đường bụi mù lên nhà ngoại, vừa đi, bố vừa than vãn: Con không xuống đi bộ một tí được à, bố mỏi cổ quá!, nhưng người đàn ông mỏi cổ ấy vẫn nhẫn nại cõng tôi đi đến nơi.

Năm học lớp 3, tôi xấu hổ với bạn bè về đôi dép đứt quai mà mẹ nhỏ keo 502 vào mấy lượt để đính tạm đi tiếp, vết keo lem nhem và màu dép phai mờ luôn khiến tôi cảm giác rằng cả trường đang chăm chú nhìn xuống chân mình giễu cợt. Tối đó, tôi vùng vằng bỏ ăn, tuyên bố không đi học nếu không có dép mới. Mẹ gắt lên, bảo đi học hay không thì tuỳ con, còn dép mới thì không có! Vậy mà sáng hôm sau, dưới đĩa bánh chưng rán ăn sáng là tờ giấy viết vội: Chiều con đi học về, mẹ chở đi mua dép! Đôi dép 35.000 đồng lúc đó, sau này lớn lên tôi mới biết, mẹ mượn tạm của bà Chinh hàng xóm chờ đến ngày nhận lương mới có trả.

Năm tôi 10 tuổi được tuyển thẳng lên cấp 2, bố chở cả nhà đi ăn bún chả nướng liên hoan, chiếc xe cub cà tàng có phần yên ngắn cũn, anh trai ngồi sau mấy lần chực rớt xuống đường, vậy mà cả nhà vừa đi vừa cười nói vui khôn kể.

Năm tôi học lớp 9, thi tốt nghiệp tưởng trượt vì sự cố hy hữu trong quá trình nhập liệu vào điểm của bộ phận chấm thi, bố chở tôi đến phòng giáo dục, trời mưa to, bố mặc chiếc áo mưa đôi, tôi lom khom rúc dưới cánh tay bố, đứng chờ đến giờ hẹn. Bố kiệm lời, thi thoảng quay lại vỗ vào đầu tôi, bảo: Cứ yên tâm, để bố nói với họ!

Năm thi đại học, tôi tự tiện làm trái với định hướng của bố mẹ, lì lợm đăng ký thi vào một trường xa xôi chẳng có lấy một ai thân thích. Mẹ khóc hết nước mắt, bố cáu ầm nhà, anh trai đi vào đi ra lườm nguýt. Tôi đã xác định cắp ba lô đi thi một mình, nhưng sáng đó, bố mang về 3 chiếc vé tàu, bố mẹ đưa tôi đi vào miền đất hứa…

Càng về sau, ký ức của tôi càng rõ ràng hơn. Thật lạ là hồi bé tôi luôn cảm thấy mình nghèo khổ, nhưng sao giờ đây nhìn lại, tôi thấy mình thật giàu có! Nhìn lại tháng ngày đã qua, tôi cảm thấy mình đã sống bằng toàn bộ sức lực mình có; mà sức lực ấy được vun vén, đắp bồi phần nhiều bằng tình yêu thương lặng thầm của gia đình. Bố mẹ tôi ít học, hiếm khi nói được lời dễ nghe, nhưng bằng hành động, họ luôn cho tôi tin rằng họ mãi mãi ở đó: ở phía trước chở che khi tôi thơ dại, ở cạnh bên khi tôi trưởng thành và bướng bỉnh với những quyết định của mình, ở phía sau khi họ đã già đi và tôi lớn lên liều lĩnh bước vào trường đời giông bão. Cuộc đời tôi dẫu buồn dẫu vui, dẫu trầm dẫu thăng, dẫu hân hoan dẫu đau chết lặng, thì tôi chưa bao giờ hoài nghi những giá trị nền tảng mà gia đình tạo dựng nên, để từ đó đủ dũng khí đứng dậy hết lần này đến lần khác.

Tôi có hạnh phúc không?

Bấy lâu nay, tôi chưa từng tự hỏi mình câu đó, bởi thấy mọi sự trong đời cứ đều đặn diễn ra vậy thôi, hết đường này mình tìm đường khác, thua keo này ta bày keo khác, bận mải mưu sinh ai rảnh đâu mà dừng lại tự vấn về hạnh phúc. Nhưng hoá ra, khi ta chợt nhớ đến nó, thì thứ cảm xúc tên hạnh phúc kia đã thật sự ở trong ta từ lúc nào không hay.

Ai cũng ôm chứa mầm hạnh phúc trong lòng, có người nhận thấy, có người không, có người nhận thấy rồi nhưng lại chối bỏ vì cho rằng hạnh phúc phải là điều gì lớn lao lắm chứ chẳng phải thứ giản dị bé mọn thế kia. Nhưng những điều lớn lao thì đâu có nhiều và có sẵn, còn điều bé mọn thì lại luôn quanh ta, chẳng phải kiếm tìm xa xôi, chẳng phải níu với ở đâu vời vợi. Mỗi sớm mai, khi ra đường, hoà mình vào dòng xe tấp nập, ngắm nhìn những gương mặt phố, nghe tiếng còi xe lẫn với âm thanh rao bánh sáng, tiếng loa truyền thanh phát nhạc thể dục lẫn với thông báo lịch tiêm phòng… tôi thấy may mắn biết bao khi mình còn sống khoẻ mạnh, ở đây, ngay bây giờ. Những ồn ào đời thường ấy nhắc tôi nhớ rằng bản thân cuộc sống đã là điều diệu kỳ, là món quà quý nhất, là hạnh phúc chân thực. Tôi chẳng cần tìm kiếm hạnh phúc ở đâu xa.

Còn bạn, bạn có hạnh phúc không?