(Baonghean) - Ông Sầm Ngọc Dự, Bí thư Đảng bộ xã Châu Quang (Quỳ Hợp), cho biết: “Bản Còn rất “đặc biệt”, là bản văn hóa với trình độ dân trí khá cao, nơi sinh ra nhiều cán bộ, giáo viên nhất của xã. Và đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bản Còn có đến 3 người đạt danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”.

Từ năm 1963 trở về trước, bản Còn chỉ là một bản nhỏ với 23 hộ dân, nép mình dưới chân núi Phá Bang, 100% là người dân tộc Thái (thuộc nhóm Tày Mường), đời sống gặp rất khó khăn, hàng năm thiếu ăn từ 3 đến 5 tháng. Từ tháng 2/1964, bản Còn đón nhận 15 hộ dân của xã Hưng Thông (huyện Hưng Nguyên) lên dắm dân, khai hoang vùng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng lúc bấy giờ. Có người Kinh miền xuôi lên ở cùng, dân bản học tập được nhiều cái mới từ nhận thức, quan hệ xã hội cho đến cách làm ăn… Từ đó, dân bản không ngừng vươn lên, trở thành một bản khá của huyện, không còn tình trạng thiếu ăn nữa. Bản được mở rộng, là bản duy nhất của xã Châu Quang có bộ đội đến đóng quân và xây dựng khu căn cứ hậu cần phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở ngay dưới chân núi Phá Bang.

Ông Hoàng Văn Nam (bên trái) người đạt danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” còn sống ở bản Còn.
Ông Hoàng Văn Nam (bên trái) người đạt danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” còn sống ở bản Còn.

Theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, những lớp thanh niên trai tráng khỏe mạnh của bản Còn đã hăng hái xung phong lên đường cầm súng. Tháng 2/1966, cùng với 4 thanh niên của bản, anh Quán Vi Dung (SN 1945, dân tộc Thái) và Quán Vi Xuân (SN 1946, dân tộc Thái) đã lên đường vào Nam chiến đấu. Chỉ một năm sau đó (1967), tin vui từ chiến trường “bay” về bản Còn: Đồng chí Quán Vi Dung đạt danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”, cấp ưu tú, tại chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng. Cũng ở chiến trường này, 6 tháng sau người con mến yêu của bản lại báo tin vui về: Đồng chí Quán Vi Xuân đạt danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” cấp ưu tú.

Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn, bản Còn đã có hai người con ưu tú đạt danh hiệu  Dũng sỹ diệt Mỹ, thành tích ấy đã làm nức lòng không chỉ một bản nhỏ, mà trở thành niềm vui chung của toàn huyện Quỳ Hợp lúc bấy giờ. Cũng vào thời gian này, nhạc sỹ Xuân Đàm (Ty Văn hóa Nghệ An lúc bấy giờ) đã sáng tác bài hát: “Quỳ Hợp vững bước đi lên”, trong đó có những lời ca đầy xúc động: “Hỡi chim bay về bốn phương/ Nhắn rằng miền Tây quê hương ta…/ Ơ… đảm đang cô gái Nghĩa Xuân, Tam, Thọ/ Việc nhà lo tròn, việc nước chung tay/ Cùng đồng đội Quán Vi Dung nơi tiền phương/ Góp sức diệt thù…”.

Bài hát đó, ngày nay vẫn được cất lên hào sảng trong các buổi sinh hoạt của tuổi trẻ Quỳ Hợp. Tiếp bước anh Quán Vi Dung và Quán Vi Xuân, tháng 10/1969, trai tráng bản Còn lại lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Trong số 7 thanh niên của bản Còn nhập ngũ năm ấy, có anh Hoàng Văn Nam (SN 1947) ở xã Hưng Thông (Hưng Nguyên) lên dắm dân và trở thành người con thân yêu của bản Còn. Năm 1970, từ chiến trường Quảng Trị ác liệt, anh đạt danh hiệu  “Dũng sỹ diệt Mỹ cấp I”. Bản Còn mở hội đón tin vui, cồng chiêng vang rộn suốt một ngày.

Nay, bản Còn đã trở thành một bản tiêu biểu nhất của xã Châu Quang trên mọi lĩnh vực. Năm 1999, bản được UBND tỉnh công nhận là “Làng Văn hóa”. Đời sống của dân bản ngày càng khởi sắc và truyền thống anh hùng của bản luôn được tiếp nối…

 Thái Tâm