Sáng 29/9, tại TP. Vinh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị lần thứ 6. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TOÀN DIỆN CHƯA ĐỒNG ĐỀU
Tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nghe và cho ý kiến vào nội dung dự thảo Nghị quyết về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Những năm qua, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng đã phát huy hiệu quả, tạo động lực để phát triển giáo dục các địa phương, đặc biệt tạo điều kiện hỗ trợ học tập cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Tuy nhiên, theo đánh giá, chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh chưa cao, không đồng đều giữa các vùng miền, còn có sự chênh lệch khá lớn giữa vùng thuận lợi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi;…
Góp ý vào mục tiêu, các giải pháp của dự thảo Nghị quyết, các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã dẫn chứng, nêu lên những thách thức cơ bản mà hiện nay lĩnh vực giáo dục, nhất là ở vùng dân tộc, miền núi đang đối mặt.
Đồng chí Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các huyện vùng trung du, miền núi của tỉnh đều đề nghị cần có giải pháp để giải quyết thực trạng hiện nay các địa phương đang gặp phải là khó khăn khi tuyển dụng giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học; đồng thời đào tạo lại giáo viên.
Mặt khác, cần giải quyết tình trạng giáo viên thừa thiếu cục bộ giữa các cấp học, công tác tinh giản biên chế cũng cần có lộ trình phù hợp với đặc thù của ngành;…
Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần tập trung xây dựng mô hình giáo dục bền vững hơn cho học sinh cả về “đức - trí - thể - mỹ”. Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh bày tỏ, bên cạnh giáo dục về kiến thức, cần quan tâm giáo dục về văn hóa, kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt là cho các học sinh thuộc mô hình bán trú.
Đồng chí Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế đề nghị thống nhất số liệu về tỷ lệ suy dinh dưỡng và thấp còi; mặt khác cần quan tâm đến công tác xã hội hóa giáo dục, đây cũng là vấn đề mà nhiều ý kiến góp ý. Cùng với đó, một số ý kiến cũng đề nghị Nghị quyết làm rõ nguồn lực để các huyện có cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai; nghiên cứu tách Nghị quyết làm hai nội dung gồm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…
BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY SẼ BAN HÀNH ĐỀ ÁN VỀ GIÁO DỤC VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, cũng như trao đổi làm rõ thêm nội dung dự thảo Nghị quyết của Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đã kết luận nội dung này.
Theo đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thống nhất Nghị quyết này chỉ đề cập đến nội dung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh; đồng thời trong Nghị quyết cần có thêm nội dung giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành một Đề án về giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để có cơ sở tập trung nguồn lực thực hiện.
Người đứng đầu Tỉnh ủy cũng lưu ý, phần giải pháp thực hiện Nghị quyết cần thể hiện sâu sắc chủ trương giáo dục toàn diện cho học sinh. Đó không chỉ là trang bị kiến thức, mà còn giáo dục kỹ năng sống, phẩm chất, tư tưởng… cho học sinh với sự vào cuộc của “tam giác” nhà trường, gia đình và xã hội.
Mặt khác, ban soạn thảo cũng cần rà soát, bàn bạc, thống nhất các nội dung về số liệu, chỉ tiêu giảm tỷ lệ dinh dưỡng, thấp còi, phân luồng hướng nghiệp dạy nghề để đảm bảo chặt chẽ cho nội dung Nghị quyết.
Nghị quyết cũng cần nhấn mạnh công tác xã hội hóa giáo dục với nội hàm xã hội hóa ở phạm vi rộng, cho tất cả các cấp từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông; khuyến khích xã hội hóa ở những nơi có điều kiện, tập trung đông dân cư.
Tuy nhiên, cách tiếp cận trong quá trình thực hiện công tác xã hội hóa đối với lĩnh vực giáo dục không chỉ gói gọn ở việc kêu gọi đầu tư các trường dân lập, tư thục; mà còn phải huy động được sự ủng hộ, đồng hành của các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp nhằm góp phần xây dựng cơ sở vật chất, cũng như các hoạt động khác cho hoạt động giáo dục nói chung. Nội dung Nghị quyết cũng cần nghiên cứu, đề cập rõ hơn nguồn lực để triển khai để UBND tỉnh có cơ sở cụ thể hóa.
Đối với nội dung Đề án về giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành, đây là việc làm cần thiết để thúc đẩy giáo dục ở 11 huyện, thị miền Tây Nghệ An.
Hiện nay, tổng chi cho sự nghiệp giáo dục hàng năm chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi thường xuyên của tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2020, tổng chi cho sự nghiệp giáo dục toàn tỉnh là 8.560 tỷ đồng, chiếm 43% tổng chi thường xuyên của cả tỉnh; trong đó chi cho giáo dục của 11 huyện, thị miền Tây là khoảng 3.700 tỷ đồng, chiếm 42,8% trong tổng chi cho sự nghiệp giáo dục nhưng vẫn chưa đáp ứng mong muốn, nhu cầu học tập của người dân.
Đối với nội dung Đề án này, Bí thư Tỉnh ủy định hướng: Trong cuộc làm việc giữa lãnh đạo tỉnh và Bộ GD&ĐT vào tháng 10/2020, Bộ GD&ĐT đã thống nhất chọn Nghệ An xây dựng thí điểm mô hình trường trung học cơ sở bán trú của cả nước. Đây là giải pháp phù hợp nhất, tốt nhất cho giáo dục ở miền Tây Nghệ An.
Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của Bộ GD&ĐT, tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, 11 huyện, thị miền Tây Nghệ An cần chuẩn bị tâm thế, quy hoạch vị trí xây dựng trường đảm bảo không gian học tập, rèn luyện, trau dồi toàn diện các kỹ năng cho học sinh; đồng thời chủ động kêu gọi, huy động thêm nguồn lực để thực hiện.
Người đứng đầu Tỉnh ủy cũng đề nghị, đối với việc giải quyết thiếu, thừa giáo viên cục bộ ở các huyện miền núi, cùng với chính sách của tỉnh, các huyện cần phải chủ động xây dựng hệ thống tiêu chí, lộ trình để giải quyết dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ các huyện, thị ủy.
Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy cũng gợi mở, các địa phương này cần mạnh dạn rà soát các học sinh THPT là người trên địa bàn học tốt ngoại ngữ, tin học để xây dựng lộ trình định hướng và cam kết chính sách ưu tiên nhận về làm việc trên địa bàn sau tốt nghiệp, như vậy mới giải quyết được căn cơ việc thiếu giáo viên các môn này như hiện nay.
Cũng trong chương trình làm việc, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nghe và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2025; điều chỉnh Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.