Sáng 9/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tổ chức Hội nghị lần thứ 17 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
bna__mai_hoa_37509489_9122019.jpgĐồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Ảnh: Mai Hoa


Hạn chế trong thu ngân sách

Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Lê Hồng Vinh  - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo trước Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và thu ngân sách năm 2020.

Bước vào phần thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu các đồng chí Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thẳng thắn nhìn nhận khách quan hạn chế trong công tác thu ngân sách. Theo đó, dù hàng năm tỉnh đạt mức tăng trưởng khá và vượt dự toán, nhưng soi vào chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 thì chưa đạt.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Hải thông tin thêm, hiện tỷ trọng thu tiền sử dụng đất chiếm 25% thu nội địa và chiếm hơn 22% tổng thu ngân sách. Ảnh: Mai Hoa

Phân tích vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Hải nêu một số yếu tố ảnh hưởng đến thu ngân sách không đạt chỉ tiêu đại hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa thật sự đạt và nhiều dự án động lực không triển khai, cộng với một số cơ chế, chính sách mới ban hành cũng tác động đến nguồn thu.

Giám đốc Sở Tài chính cũng thông tin, hiện tỷ trọng thu tiền sử dụng đất chiếm 25% thu nội địa và chiếm hơn 22% tổng thu ngân sách; đây là khoản thu không ổn định. Vì vậy, muốn có tốc độ thu ngân sách tăng và ổn định thì phải thúc đẩy thu ở ngành công thương nghiệp - dịch vụ, tuy nhiên thực tế cho thấy liên tiếp 2 năm 2017 và 2018 khoản thu này đều bị hụt. 

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cũng khẳng định, UBND tỉnh sẽ xây dựng dự toán thu ngân sách ở con số thực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ở mức cao nhất trong năm 2020. Ảnh: Mai Hoa

Chưa thỏa mãn với sự phân tích của Giám đốc Sở Tài chính về nguyên nhân thu ngân sách khó đạt chỉ tiêu, nhất là cho rằng tỉnh chưa có nhiều dự án động lực, đồng chí Nguyễn Hữu Cầu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, thất thu thuế còn nhiều, nếu quyết tâm, quyết liệt thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý minh bạch thì chắc chắn đảm bảo yêu cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cũng khẳng định, UBND tỉnh sẽ xây dựng dự toán thu ngân sách ở con số thực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ở mức cao nhất trong năm 2020, tạo tiền đề để xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch thu ngân sách cho nhiệm kỳ tới.

Một góc KCN VSIP. Ảnh tư liệu

Điều chỉnh hợp lý bảng giá đất

Một vấn đề cũng được Bí thư Tỉnh ủy trăn trở tại hội nghị là việc điều chỉnh bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 theo dự kiến xây dựng của UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 12 sắp tới (10-12/12) đang gây phản ứng dữ dội trong cộng đồng doanh nghiệp.

Vì vậy, đề nghị các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thảo luận kỹ trên cơ sở nghiên cứu sự ảnh hưởng, tác động của việc điều chỉnh bảng giá đất đến các đối tượng, nhất là doanh nghiệp như thế nào, đảm bảo tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư của tỉnh.

Trên cơ sở gợi mở của Bí thư Tỉnh ủy, tại cuộc họp, nhiều ý kiến đã thảo luận làm rõ nhiều vấn đề. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn khẳng định, bảng giá đất do UBND tỉnh xây dựng, qua nắm bắt dư luận thì giá sàn đất chung tạo được sự đồng thuận và nằm trong khung cho phép của Chính phủ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, việc điều chỉnh bảng giá đất cần tính toán lại để đảm bảo hài hòa, tạo thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh. Ảnh: Mai Hoa

Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều doanh nghiệp quan tâm, đó là cùng một lúc phải chịu 2 khoản tăng và mang tính đột biến, bởi vừa chịu tăng mức sàn của giá đất chung, vừa tăng tỷ lệ phần trăm đối với giá đất thương mại, dịch vụ, từ 50% lên 60% so với mức giá đất ở và đất sản xuất, kinh doanh phục vụ mục đích khai thác khoáng sản; từ 100% lên 150% so với mức giá đất ở liền kề hoặc vị trí tương đương (theo dự thảo).

Việc tăng giá đất là cần thiết, đây là sự điều chỉnh khi bảng giá đất giai đoạn 2015 - 2019 sắp hết hiệu lực; mặt khác việc tăng giá đất cũng đặt ra vấn đề là cần sử dụng hiệu quả, tránh "ôm" đất, giữ đất và đầu cơ. Tuy nhiên, cũng cần tính toán lại để đảm bảo hài hòa, tạo thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cho rằng, sau khi tiếp thu chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, UBND tỉnh đã có 4 cuộc họp để tính toán lại và bảng giá đất chung, dự kiến tăng so với bảng giá hiện hành từ 1,1 đến 1,34 lần; đồng thời điều chỉnh tỷ lệ phần trăm tăng giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, giá đất thương mại, dịch vụ, đất sản xuất, kinh doanh phục vụ mục đích khai thác khoáng sản.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cũng thông tin thêm, hiện bảng giá đất chung ở 2 tỉnh liền kề là Thanh Hóa và Hà Tĩnh đều cao hoặc tương đương với mức của Nghệ An. Và tỷ lệ phần trăm tăng giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, giá đất thương mại, dịch vụ, đất sản xuất, kinh doanh phục vụ mục đích khai thác khoáng sản cũng đều cao hơn Nghệ An.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần chủ động triển khai các công trình, phần việc cụ thể, thiết thực chào mừng 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 2020. Ảnh: Mai Hoa

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh mức giá đất phù hợp, nhất là giá đất ở các dự án công nghiệp, gắn với đó là chủ động thông tin, tuyên truyền về lộ trình tăng giá đất để doanh nghiệp biết và tính toán mức chi phí đầu tư. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Nếu giá đất không phù hợp sẽ là một bất lợi trong thu hút đầu tư của tỉnh”.

Kết luận tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách năm 2020, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, tạo tiền đề cho xây dựng nghị quyết nhiệm kỳ mới, bởi vậy, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2020 đề nghị UBND tỉnh tính toán, điều chỉnh hợp lý và triển khai tập trung.

Liên quan đến cải cách hành chính, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh có phương pháp để nắm chắc tình hình cải cách hành chính và có giải pháp thực sự mang lại hiệu quả; tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, nhất là tội phạm ma túy, bởi Nghệ An được xem là địa bàn trọng điểm của loại tội phạm này.

Nhấn mạnh, năm 2020 là năm kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần chủ động triển khai các công trình, phần việc cụ thể. Riêng đối với huyện Nam Đàn phấn đấu hoàn thành một số công trình, dự án hướng tới đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu.