(Baonghean.vn)- Hôm nay (29/11), Sở lao động TB&XH phối hợp với UBND huyện Quỳnh Lưu tổ chức hội nghị đánh giá kết quả đưa người lao động Nghệ An đi làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian qua và bàn biện pháp giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc không về nước. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Cục quản lý lao động nước ngoài, Trung tâm lao động ngoài nước, lãnh đạo một số sở, ban, ngành, cấp tỉnh và lãnh đạo UBND, phòng Lao động-TB&XH các huyện.

Tính từ năm 2005 đến nay, Nghệ An đã đưa được hơn 4.500 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, tuy nhiên, số người lao động sau khi hết hạn hợp đồng lao động vẫn ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp ngày càng gia tăng. Năm 2011, Nghệ An có 91 trên tổng số 144 lao động hết hạn hợp đồng không về nước, chiếm tỷ lệ 63%; năm 2012 có 787 lao động hết hạn hợp đồng phải về nước, trong đó những địa phương có tỷ lệ cao như: Nam Đàn, TP Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu.. Riêng Quỳnh Lưu hiện có 41 lao động hết hạn hợp đồng lao động. Nếu như số lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, thì 2.027 lao động của tỉnh Nghệ An có hồ sơ còn hiệu lực trên mạng sẽ không còn cơ hội để sang Hàn Quốc làm việc.

 

Trước thực trạng đó, hội nghị đã đề xuất các giải pháp: tăng cường thực hiện tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng để các gia đình có con em lao động làm việc tại Hàn Quốc vận động con em về nước đúng thời hạn hợp đồng; tổ chức thông báo cho các gia đình người lao động về thời gian người lao động phải về nước; thông báo danh sách lao động hết hạn hợp đồng lao động, đồng thời thông tin về chính sách ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam đối với người lao động hết hạn hợp đồng lao động về nước đúng hạn; đề nghị các gia đình ký bản cam kết, nghiêm túc thực hiện bản cam kể để vận động, khuyên nhủ con em về nước đúng thời hạn sau khi hết hạn hợp đồng lao động, người lao động đang cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước… với mục đích giảm tỷ lệ chung lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, qua đó để Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc xem xét, ký lại bản ghi nhớ, tiếp tục nhận mới lao động Việt Nam và tổ chức kiểm tra tiếng Hàn cho lao động Việt Nam có nguyện vọng dăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn theo chương trình cấp phép việc làm (EPS).

Đào Bình