(Baonghean.vn) Cách đây tròn 50 năm, ngày 23/10/1961, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân (với tên gọi "Đoàn tàu không số") để vận chuyển vũ khí, trang bị cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Từ đây đã mở ra Đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, con đường thể hiện của ý chí, khát vọng độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc của toàn dân tộc ta.

Với phương châm hoạt động bí mật, bất ngờ, sử dụng các loại tàu nhỏ, ngụy trang giống tàu đánh cá, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã mở ra một hướng chi viện mới hết sức quan trọng, đưa hàng chi viện của miền Bắc đến với các chiến trường xa mà tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ chưa có điều kiện vươn tới được.

769513_small_67390.jpg

                         Niềm vui gặp mặt của các CCB tàu không số.

Mặc dù số lượng vũ khí và hàng hóa Đoàn 125 vận chuyển bằng đường Hồ Chí Minh trên biển còn khiêm tốn so với lượng hàng hóa, vũ khí vận chuyển qua đường Hồ Chí Minh trên bộ, nhưng có ý nghĩa rất lớn. Vận tải biển rất gian nan, nguy hiểm, nhưng lại có ưu thế về tốc độ, thời gian và hiệu quả. Cùng với nhiệm vụ vận tải hàng quân sự, đường Hồ Chí Minh trên biển còn đảm đương sứ mệnh rất quan trọng là đưa đón hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội và chuyên gia quân sự vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc báo cáo Trung ương và nhận chỉ thị mới, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam.

Trong suốt 14 năm liên tục (1961-1975), trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, đã có 1.789 chuyến tàu không số vận chuyển 150 ngàn tấn vũ khí trang bị và 80 ngàn lượt cán bộ, vượt qua hàng vạn hải lý, khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi, chống chọi hơn 20 cơn bão, chiến đấu hơn 30 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 chiếc và bắn cháy nhiều tàu xuồng của địch.

Tuy vậy, những đoàn tàu không số cũng gánh chịu không ít những tổn thất, hy sinh. Đó là việc bắt buộc phải cho nổ tàu C143 ở Vũng Rô (tháng 2/1965), có hàng chục chuyến tàu xuất bến phải quay về. Trong số 168 con tàu đã ra đi từ năm 1966 đến năm 1972, có 8 con tàu đã phải phá hủy để xóa dấu vết nhằm bảo đảm bí mật tuyệt đối của tuyến đường huyết mạch.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, đã có 117 cán bộ, chiến sĩ hải quân hy sinh. Những người con anh dũng như Phan Vinh, Huỳnh Ngọc Trạch, Nguyễn Chánh Tâm... và bao đồng chí khác đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển bao la, sâu thẳm. Các anh mãi mãi là những người lính Hải quân trên những con tàu đi về phía vầng dương, nhắn nhủ thế hệ trẻ hôm nay tự soi mình và ngẫm về nghĩa vụ, trách nhiệm, tình yêu đối với quê hương, đất nước và biển đảo của Tổ quốc.

Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông là tuyến chi viện chiến lược đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một trang sử vẻ vang mới cho dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, những bến tàu trên tuyến đường này như bến tàu không số K15 Đồ Sơn (Hải Phòng), bến tàu không số Lộc An (Bà Rịa - Vũng Tàu), bến tàu không số Vũng Rô (Phú Yên), bến Vàm Lũng (Cà Mau), Thạnh Phong (Bến Tre), Đức Phổ, Sa Kỳ, Ba Làng An (Quảng Ngãi) đã trở thành những khu di tích lịch sử thu hút nhiều du khách và một số nơi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia.

50 năm qua, đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành con đường huyền thoại, một sáng tạo độc đáo trong lịch sử chiến tranh nhân loại. Những chiến công của tuyến đường huyền thoại trên biển chính là những kỳ tích lịch sử, được làm nên bởi trí tuệ, lòng yêu nước, sức mạnh của ý chí "Không có gì quý hơn độc lập tự do" và khát vọng hòa bình và đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao và tài thao lược của Đảng. Sự ra đời của đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với những chiến công của lực lượng Hải quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng khẳng định tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.


P.V