(Baonghean) - Chính vì sự cách trở đường sá, nên với giáo viên vùng đồng bằng, thành phố, những ngày cuối tuần là thời gian nghỉ ngơi, còn với thầy cô cắm bản gieo chữ thì ngày cuối tuần phải lo để cải thiện cho từng bữa ăn.
Cách đây ít tháng, chúng tôi có dịp vào xã Hữu Khuông, một xã thuộc diện khó khăn nhất của huyện Tương Dương. Đi theo đường thủy từ bến đò thượng lưu tại bản Vẽ (Yên Na) lên mất khoảng 2 tiếng đồng hồ. Thầy giáo Bùi Văn Hảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Khuông niềm nở đón chúng tôi như người thân lâu ngày gặp lại. Thầy bảo rằng: “Lâu lắm mới có khách xa vào thăm Hữu Khuông đấy. Thật đáng quý!”.
Đêm ấy, chúng tôi được sắp xếp nghỉ ngơi trong ký túc xá nhà trường. Vừa ăn bữa cơm tối xong, các thầy cô giáo trong khu nội trú thắp nến làm việc hoặc đi ngủ sớm vì không có điện. Mọi công việc đều được tranh thủ làm lúc trời còn sáng, vất vả vô cùng. Sáng hôm sau, chúng tôi xuống bến Con Phen để vào bản Pủng Bón theo chân cô giáo Lô Thị Mùi cùng chờ thuyền để kịp vào bản dạy học.
Điểm Trường Pủng Bón còn đơn sơ tạm bợ. Nơi ở của giáo viên hàng năm đều được bà con dân bản tu sửa lại, cứ 2 người một phòng chỉ đủ để kê cái giường nhỏ và đặt đồ đạc. Mùa lạnh, việc soạn bài chủ yếu diễn ra trên giường, ngày nóng thì ra ngoài sân. Ấy thế mà 32 học sinh ở đây ngày ngày vẫn miệt mài đến lớp nắn nót viết từng con chữ dưới sự hướng dẫn của 3 thầy, cô giáo.
Cô Lô Thị Mùi từ huyện Con Cuông lên đây dạy học đã hơn 3 năm, tâm sự: “Cả thầy cô và học trò đều khó khăn như nhau. Tuy nhiên, học sinh nơi đây rất chăm chỉ và ngoan ngoãn. Đó là động lực lớn để giáo viên cắm bản dốc hết tâm huyết dạy dỗ các em”.
Thầy Bùi Văn Hảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Khuông cho hay: “Khó khăn lớn nhất của giáo viên Hữu Khuông là đường đi. Mùa nắng thì còn đỡ, mùa mưa phải ở lại bản cả tháng trời vì nước sông dâng cao, sạt lở đất... Giáo viên ở Pủng Bón đã khổ, ở những bản như Chà Lâng, Tủng Hốc, Huồi Pủng càng khổ hơn. Như Huồi Pủng, đi thuyền mất 20 phút, đi bộ thêm gần 5 km đường rừng nữa mới tới nơi. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 20/11, nhân dân trong bản đều tổ chức bữa cơm để cảm ơn thầy cô đã bám bản dạy học”.
Lại nhớ, lần vào điểm Trường Tiểu học Na Ngoi 2 tại bản Huồi Thum (Kỳ Sơn) gần 1 năm về trước. Điểm trường có 28 học sinh người Khơ mú do 2 thầy phụ trách là thầy Phan Thanh Hòa và thầy Vừ Bá Và. Để vào được điểm Trường Huồi Thum, các thầy phải đi bộ mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Vào những ngày trời mưa thì có khi đi gần 2 tiếng mới tới nơi. Con đường dốc đứng, luồn qua vách đá, rừng rậm, gian nan vô cùng, nhưng vì tình yêu đối với học sinh nên không ai một lời kêu khó. Toàn trường có 4 lớp học 2, 3, 4, 5 không có lớp 1. Thầy Phan Thanh Hòa cho biết, năm nay lớp 1 chỉ có 4 em nên không thành lập lớp được đành phải để các em học lớp ở trường mầm non. Ngôi trường này được dựng lên bằng tranh, tre, nứa, lá, một bên là phòng ở của 2 thầy cũng lụp xụp như một túp lều.
Ngồi nhấp chén nước, thầy Phan Thanh Hòa tâm sự: “Tôi từ huyện Con Cuông lên đây công tác đã 14 năm và gắn bó điểm trường này đã 2 năm. Khó khăn nhất vẫn là đường đi đến trường, kinh tế nghèo nàn nên đời sống giáo viên cũng khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt. Như điểm trường chúng tôi, năm nào cũng phải huy động dân bản đến thưng lợp lại mới có thể yên tâm dạy học. Thời điểm tháng 4, tháng 5 vừa rồi lốc xoáy cuốn bay tất cả mái nhà”.
Quan sát trong túp lều ở của thầy, chúng tôi thấy 1 chiếc giường được kê tạm bợ để nằm và 1 chiếc bàn làm việc chung. Đơn sơ vậy thôi, cứ xong buổi dạy là chạy đi kiếm mớ rau nấu ăn. “Cứ cuối tuần chúng tôi lại cử người cuốc bộ lên bản Phù Khả mua thêm trứng, thịt để đủ ăn cho cả tuần” - thầy Hòa cho biết thêm. Rồi thầy kể cho chúng tôi nghe chuyện mấy hôm trước thầy từ Phù Khả đi xuống bị ngã đến giờ còn đau. Con đường nhỏ chỉ bằng 2 gang tay người lớn nên thầy bị trượt bánh xe ngã xuống, cũng may chưa bị rơi xuống vực.
Chính vì sự cách trở đường sá, nên với giáo viên vùng đồng bằng, thành phố, những ngày cuối tuần là thời gian nghỉ ngơi, còn với thầy cô cắm bản gieo chữ thì ngày cuối tuần phải lo để cải thiện cho từng bữa ăn. Bởi có khi cả tháng giáo viên dạy học những nơi này mới có thể về nhà một lần. Cuộc sống của người dân cũng vô cùng khó khăn, thực phẩm khan hiếm nên mọi thứ trở thành đắt đỏ gấp hai, thậm chí gấp ba so với vùng trung tâm huyện lỵ.
Trong lần công tác lên Trường Tiểu học Tri Lễ 4, xã Tri Lễ (Quế Phong), câu chuyện của thầy Lữ Minh Phòng khiến chúng tôi hiểu hơn cuộc sống của giáo viên vùng biên. Từ ngã ba Dốc Đỏ (xã Châu Thôn, huyện Quế Phong) vào đến Trường Tiểu học Tri Lễ 4 khoảng 17 km, nhưng chỉ cần một trận mưa là phải ở lại trường. Chỉ khi việc quá khẩn cấp các giáo viên mới đi ra, nhưng tai họa thì luôn rình rập. Cuối năm 2014, chỉ sau trận mưa phùn, vì việc gấp thầy Hiệu phó Trường Tiểu học Tri Lễ 4 trên đường đi, xe trượt dốc bị dứt dây chằng gối. Có những khi mưa kéo dài cả tháng không về nhà được, cuối tuần giáo viên phải tranh thủ đi bắt cá, lươn khe làm thực phẩm cho cả tháng. Không những vậy, mỗi mùa mưa hay mùa Đông lạnh giá, rau người dân trồng bị hỏng, rừng không đi được, nên rau xanh trở thành cực hiếm.
“Đói thì không có sức để dạy học, nhưng như tôi bị bệnh tiểu đường phải hạn chế đồ ăn nhiều tinh bột. Những lúc thiếu rau bắt buộc phải ăn cơm không để dạy học. Thực phẩm nơi đây về mùa mưa và mùa Đông thì khan hiếm vô cùng. Cả trường giờ có đến hơn chục giáo viên bị bệnh gút và tiểu đường cần chế độ ăn riêng. Nhưng ở đây nhiều lúc không thể theo hướng dẫn của bác sỹ. Gian nan nhất là thuốc điều trị bệnh, nhiều lúc đến ngày đi khám định kỳ để lấy thuốc nhưng đường không ra được, ăn uống thì không đúng chế độ nên bệnh ngày càng nặng” - thầy Phòng chia sẻ.
Cũng trong tình trạng cách trở giao thông nên giáo viên Trường Tiểu học Bắc Lý 2, xã Bắc Lý (Kỳ Sơn) cũng phải tranh thủ ngày cuối tuần để lao động tăng cường tự sản xuất thực phẩm. Trường phát động giáo viên cả trường làm vườn rau tăng gia bữa ăn tại tất cả các điểm lẻ. Riêng những điểm trường lẻ thuận lợi hơn giáo viên tranh thủ ngày cuối tuần đào ao thả cá. Những điểm trưởng lẻ nằm cách xa không có ao khi khan hiếm thực phẩm sẽ được các điểm lẻ khác mang cá lên “tiếp phẩm”.
“Trước đây, cứ chuẩn bị đến mùa mưa giáo viên người nào cũng phải thủ sẵn mấy cân cá khô và măng khô để làm thực phẩm. Nhưng có khi ăn cả tháng một loại thực phẩm cũng chán nên không đảm bảo sức khỏe để dạy học. Giờ cứ cuối tuần các giáo viên thay phiên nhau về thăm nhà, còn nữa ở lại sửa ao cá, vườn rau để luôn đảm bảo có thực phẩm tươi, sống cho lúc khan thực phẩm”, thầy Quang Văn Khương - Hiệu phó Trường Tiểu học Bắc Lý 2 cho biết.
Không chỉ lo đảm bảo thực phẩm cho mình mà những nơi này cuộc sống người dân còn nghèo nên bữa ăn bán trú của học sinh đến trường cũng hết sức thiếu thốn. Số được chu cấp từ các chương trình của Bộ GD&ĐT cho học sinh bán trú vẫn không đủ nên giáo viên nơi đây nhiều lúc phải tăng cường “đi săn” thực phẩm để tăng thêm thức ăn bán trú cho các em học sinh.
“Từ các năm trước có chương trình bữa ăn bán trú SEQAP của Bộ GD&ĐT, nhưng số tiền ít nên không đảm bảo bữa ăn cho học sinh bán trú. Ở những nơi như thế này có khi cơm các em còn chẳng có đủ mà ăn nói gì đến thức ăn. Nên có khi đi đánh được con cá, con lươn về giáo viên lại phải san sẻ một phần cho các em học sinh để bữa ăn bán trú của các em đảm bảo hơn. Từ năm 2016, khi chương trình SEQAP đã hết mà chưa có chương trình gì mới nên chúng tôi đang lo lắng không còn bữa ăn bán trú nữa, nhiều em học sinh ăn không đủ lại bỏ học. Nên giáo viên cũng rà soát những em gia đình khó khăn vẫn phải giúp đỡ các em có cơm ăn no và đảm bảo để các em đến trường đều đặn” - thầy Lang Văn Nhàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4 cho biết thêm…
Đào Thọ - Nguyễn Hòa