Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được công bố ngày 16/5/2021, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chính đảng, chính khách, các nhà khoa học, nghiên cứu lý luận và dư luận quốc tế. “Giải mã” sức hút đặc biệt này, GS.TS Phùng Hữu Phú - Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng, Trung ương cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là bài viết đã trả lời trúng và đúng những vấn đề học giả, chính khách nước ngoài quan tâm.
Tham chiếu lý luận cho các quốc gia khác đi lên CNXH
TS Ruvislei Gonzalez Saez - Trưởng ban Nghiên cứu châu Á-châu Đại Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị quốc tế (CIPI) của Cuba, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam, cho rằng, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập tới những quan điểm của nhiều nhà phân tích, học giả và chính trị gia trên thế giới, là sự đánh giá về phương thức của Việt Nam xây dựng CNXH trong bối cảnh phức tạp hiện nay.
“Đây không phải là sự dẫn dắt, mà là một tham chiếu lý luận trong việc hoạch định phương hướng, đóng góp các bài học cho các tiến trình khác đi lên CNXH với những kết quả và đặc thù riêng; đồng thời, chứng minh rằng CNXH có chức năng và tạo dựng cách thức sản xuất dẫn đến việc cải thiện điều kiện của con người. Điều này không chỉ phản bác, mà còn tước bỏ căn cứ của các luận điểm xuyên tạc của phương Tây chống CNXH”, TS Ruvislei Gonzalez Saez nêu quan điểm.
Theo trưởng Ban Nghiên cứu Châu Á - Châu Đại Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị quốc tế (CIPI) Cuba, bài viết có thể được coi là một tài liệu nổi bật nhất từ quan điểm lý luận về CNXH ở Việt Nam trong những năm gần đây, là một tham chiếu giá trị cho các nhà lãnh đạo tương lai của Việt Nam tiếp nối hành trình đã đề ra hướng tới năm 2045.
TS Ruvislei Gonzalez Saez còn cho rằng, cùng với việc chỉ ra hiện thực của hệ thống tư bản chủ nghĩa hiện nay và những mặt trái mà nó gây ra, bằng logic mạch lạc, Tổng Bí thư đã vạch trần các hệ thống dân chủ giả tạo.
“Những tập đoàn truyền thông lớn được tư bản tài trợ cố gắng thuyết phục rằng dân chủ chỉ có thể có ở chủ nghĩa tư bản. Nhưng với những ví dụ rõ ràng đã chứng minh rằng, những thứ được gọi là tấm gương dân chủ trên thế giới dưới hình thức đa dảng chỉ là vẻ bề ngoài, bởi vì các xã hội được cho là tự do bầu chọn chỉ là hình thức, trong khi về bản chất là không tồn tại sự tự do hoàn toàn, không có các quyền, đặc biệt là quyền được sống tốt hơn, bao gồm quyền tiếp cận y tế, giáo dục…”.
Phân tích như trên, TS Ruvislei Gonzalez Saez kết luận “Những nhận định của Tổng Bí thư có tầm quan trọng sống còn đối với tương lai của đất nước cũng như đối với các xu thế tự do vốn đang nhen nhóm tại Việt Nam và một số nước khác đang quá độ đi lên CNXH.
Đằng sau hệ thống đa đảng là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản
Cùng quan điểm, PGS Phuvong Unkhamxen - Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào nhận định, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một giáo trình có giá trị khoa học cao, định hướng cho hoạt động của nhà tư tưởng, lý luận, chiến sĩ cách mạng, cán bộ, đảng viên của các nước đi theo con đường CNXH nói chung.
Theo PGS Phuvong Unkhamxen, bằng cách phân tích và so sánh, làm rõ bản chất của chế độ XHCN và TBCN, đồng thời khẳng định “thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, “tự do”, “dân chủ” dù có thể thay đổi chính phủ nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản”, Tổng Bí thư đã phản ánh bản chất thật của CNTB, cơ sở khoa học trên cơ sở của Chủ nghĩa Mác-Lênin; để từ đó khẳng định sự ưu việt của chế độ XHCN.
“Chúng ta cần một xã hội, trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội” - PGS Phuvong Unkhamxen trích dẫn.
Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào cũng đánh giá cao việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tới nhiều vấn đề quan trọng trong phương pháp xây dựng CNXH, xây dựng các tiền đề để đi lên CNXH, đó là “thành công hay thất bại phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”.
“Điều này khẳng định vai trò hạt nhân trong hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam”, PGS Phuvong Unkhamxen nhấn mạnh.
Kiên trì con đường đi lên CNXH là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam
Khẳng định “kiên trì con đường đi lên CNXH là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam”, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang cho rằng, trong chặng đường hơn 90 năm lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn trăn trở, suy nghĩ và nỗ lực tìm mọi cách để hoàn thiện đường lối, chính sách và xây dựng nền tảng đi lên CNXH làm sao vừa phù hợp với quy luật chung và vừa phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể ở Việt Nam.
“Cho đến nay có thể khẳng định, việc Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam quyết tâm lựa chọn và kiên trì con đường đi lên CNXH và xây dựng, phát triển đất nước như ngày hôm nay là yếu tố khách quan, là sự tồn tại và phát triển vững chắc của sự nghiệp cách mạng Việt Nam”.
“Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu hết sức to lớn và có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Thực tế đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng XHCN, thì việc đổi mới nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam liên tục được củng cố, hoàn thiện và từng bước hiện đại hóa, phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam trong từng thời kỳ, làm cho đất nước Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ và toàn diện”, Đại sứ Lào tại Việt Nam nhấn mạnh./.