(Baonghean.vn) - Vấn đề xử lý vệ sinh môi trường, đặc biệt là xử lý rác thải tại nông thôn đang nhận được sự quan tâm từ cả chính quyền và nhân dân các huyện trên địa bàn tỉnh. Ở Diễn Châu, rác thải đang xử lý bằng 2 cách: đốt hoặc chôn lấp.  

"Sống chung" với rác

Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), trung bình một ngày Diễn Châu có 150.000 kg rác thải cần xử lý, tương đương 0,5 kg rác/người/ngày. Hiện nay, trừ Thị trấn Diễn Châu được UBND tỉnh cho phép vận chuyển rác vào Nhà máy xử lý rác thải Nghi Yên (Nghi Lộc), còn lại 36/38 xã đã xây dựng bãi rác thải tập trung, thậm chí có những xã có tới 3 bãi rác.

Từ trước đến nay, huyện có chính sách hỗ trợ các xã xây dựng bãi rác thải tập trung. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, trong quá trình vận hành các khu tập kết rác thải, trách nhiệm phần lớn đặt lên chính quyền cấp xã, nguồn kinh phí được huy động từ các hộ dân, xê dịch 20.000 - 50.000 đồng/hộ/năm.

Bãi rác Hoa Thành ở xã Diễn Hồng là một trong những "điểm nóng" về ô nhiễm rác thải ở Diễn Châu. Nằm trên bờ đê kênh tiêu Vách Bắc, lân cận các xã Diễn Phong, Diễn Vạn, Diễn Kỷ. Bãi rác này tồn tại từ năm 2001, nay đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng.

Khi mới xây dựng, bãi rác Hoa Thành có đầy đủ tường bao, rác thải được thu gom từ các xóm và tập kết về đúng vị trí. Song qua gần 15 năm, lượng rác “khổng lồ” từ 8 xóm trong xã đều đặn đổ về khiến cảnh tượng rác ngập ngụa gây mất mỹ quan, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của các hộ dân xung quanh.

Bãi rác Hoa Thành đã xâm lấn một khúc kênh Vác Bắc.
Người dân xã Diễn Hồng bức xúc vì tình trạng ô nhiễm ở bãi rác thải Hoa Thành.

Ông Vũ Văn Vinh, xóm Trung Thành, xã Diễn Hồng cho biết: “Nhà tôi nằm cách bãi rác chỉ chừng 300m, là một trong những hộ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Khi đốt, khói và mùi rác theo gió bay vào nhà, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người già và trẻ nhỏ, khiến hệ hô hấp bị suy giảm. Những thửa ruộng nằm sát bãi tập kết rác cũng bị khói táp, năng suất kém; chưa kể khi mưa xuống, nước thải theo mưa ngấm xuống, gây ô nhiễm mạch nước ngầm”.

Qua tìm hiểu thực tế ở hầu hết các xã, rác thải khi đưa về bãi tập kết chung chỉ có 2 cách xử lý: những loại rác có thể đốt sẽ được phơi khô, chờ lặng gió để đốt; còn với những loại rác đốt không cháy, “công nghệ xử lý” ở đây chỉ là chôn lấp. Như vậy, về lâu dài sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng tài nguyên đất và nước.  

Khói bụi mịt mù gây rất nhiều khó khăn cho người dân đi qua bãi rác Hoa Thành.
Phun thuốc diệt ruồi theo định kỳ cũng không thể diệt hết được loài động vật trung gian gây nhiều loại bệnh nguy hiểm này do bãi rác luôn trong tình trạng quá tải.

Trăn trở tìm cách tháo gỡ

Trước thực trạng bãi rác gây ô nhiễm, chính quyền xã Diễn Hồng đã nỗ lực tìm cách hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân. 

Ngoài việc thuê nhân công phân loại và đốt rác ở bãi rác Bắc Hồng và Hoa Thành, định kỳ mỗi quý xã mua thuốc và thiết bị về phun hóa chất diệt ruồi, nhặng,…hạn chế quá trình sinh sản. Mới đây, xã đầu tư kinh phí thuê máy móc san, nén tại bãi rác Hoa Thành, tránh tình trạng rác vương vãi khắp khu vực đường đi và bay xuống đồng ruộng, kênh nước; đền bù thiệt hại cho bà con có mùa màng bị ảnh hưởng…

Ông Nguyễn Văn Sơn - Trưởng phòng TN&MT huyện cho biết: “Theo chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện sẽ tiến hành xây dựng đề án nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý rác thải; Phòng TN&MT tham mưu cho huyện lập đề án trước quý I năm 2016. Về lâu dài, UBND tỉnh đã cho phép Diễn Châu trở thành 1 trong 5 huyện thí điểm mô hình lò đốt rác mini của Công ty CP Công nghệ T-Tech Việt Nam, và đang khảo sát lựa chọn địa điểm triển khai”.

Một giải pháp khác là đề án thu gom, xử lý rác thải của Công ty Môi trường đô thị Nghệ An, theo đó sẽ thu gom rác của một số xã gần Quốc lộ 1A để chở đi xử lý. Trong khi huyện chưa có nhà máy xử lý rác thải tập trung, đây có thể là một lựa chọn hợp lý giúp giảm tải gánh nặng ô nhiễm.

Tuy nhiên, chính quyền xã thừa nhận những biện pháp này chỉ mang tính tạm thời. Ông Nguyễn Hồng Trung - Chủ tịch UBND xã Diễn Hồng cho biết: “Chính quyền xã đã nỗ lực hết sức để giải quyết khiếu nại và bức xúc từ phía người dân. Nhưng hiện xã vẫn chưa tìm ra biện pháp hiệu quả và không đủ kinh phí để xử lý triệt để. UBND xã sẽ kiến nghị HĐND xã cho trích một phần kinh phí phí để giảm thiểu tình trạng quá tải, thu hẹp diện tích bãi rác”.

Bãi rác thải mới xây được tập của xã Diễn Thọ.

Bên cạnh đó, ông Trung cũng cho biết, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng như hiện nay là vẫn còn nhiều người dân thiếu ý thức, đổ rác sai quy định, thậm chí rác thải từ cụm công nghiệp nhỏ của xã Diễn Hồng như mảnh vỡ thủy tinh, nhựa cứng,… không được phân loại đổ lẫn, gây khó khăn cho công tác xử lý. 

Sắp tới, chính quyền xã sẽ có biện pháp nghiêm khắc với những trường hợp vi phạm này và tuyên truyền cho người dân thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, hạn chế rác thải khó phân huỷ ra môi trường.

Diễn Châu chỉ là một trong rất nhiều huyện đang loay hoay tìm cách tháo gỡ bài toán môi trường, nhất là khi nhiều xã thuần nông đã bắt đầu phát triển hướng công nghiệp hóa. Những giải pháp tạm thời cũng như dài hơi đang được triển khai nhưng giải pháp quan trọng hiện nay là nâng cao ý thức người dân, tạo tính bền vững. Mô hình phân loại rác thải tại mỗi gia đình đang thực hiện ở xã Diễn Thọ là một cách làm hay, có hiệu quả và cần nhân rộng.

Thu Giang - Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN