(Baonghean) - Sau thu hút khách sẽ là bài toán giữ chân khách, câu hỏi này vẫn còn chờ những người làm du lịch Nghệ An tìm ra câu trả lời.

Hôm qua bé Bim nhà mình được bố mẹ đưa đi chơi Tết thiếu nhi. Tối về, tôi hỏi con bé: 

- Bim đi chơi có vui không?

- Cũng vui ạ, nhưng chỉ chơi có chốc lát lại phải về mất rồi.

- Cậu thấy ba bố mẹ con đưa nhau đi từ sáng sớm đến tận tối mịt cơ mà, đi chơi cả ngày mà còn chê ít à?

- Đâu có ạ, đường đông ơi là đông nên mãi đến trưa mới vào được công viên. Chiều bố Bim bảo về sớm không lại phải chờ lâu như buổi sáng…

Mình ngạc nhiên hỏi bố con bé thì đúng là có tắc đường thật. Điều này làm mình hơi bất ngờ vì Nghệ An trước nay có bao giờ tắc đường ở bên ngoài thành phố đâu (trừ khi có vụ tai nạn nghiêm trọng). Tuy nhiên càng bất ngờ hơn khi bố bé Bim phát biểu: “Từ trước đến nay chưa bao giờ đi chơi trong tỉnh mà bị tắc đường như thế này, kể cũng mừng!”. Bất ngờ chút thôi nhưng mình cũng không lấy làm khó hiểu.

Nghệ An là một tỉnh có diện tích lớn, đa dạng về địa hình cũng như văn hoá. Được đánh giá từ lâu là có tiềm năng lớn về du lịch với nhiều tài nguyên thiên nhiên và nhân tạo, tuy nhiên Nghệ An vẫn chưa “bật” lên được để trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Khi nói đến Nghệ An, khách ngoại tỉnh thường nghĩ ngay đến Cửa Lò và quê Bác, thời gian gần đây mới có thêm loạt lựa chọn khác như đền Hoàng Mười, du lịch bản người Thái ở các huyện miền Tây Nghệ An, cánh đồng hoa hướng dương,… Còn khách nội tỉnh thì hay có thói quen tìm đến các tỉnh lân cận như Hà Tĩnh, Quảng Bình - một điều khá đáng tiếc trong khi có những địa danh nội tỉnh họ chưa một lần đặt chân đến. 

images1917483_1496360488.jpgDu khách đến với đồng hoa hướng dương. Ảnh: Internet

Tắc đường vì đông khách du lịch ở Nghệ An vì lẽ đó có thể khiến những người quan tâm đến du lịch tỉnh nhà cảm thấy mừng, vì đó là dấu hiệu tích cực cho thấy đã có những chuyển biến nhất định trong một ngành kinh tế có tiềm năng nhưng lâu nay chưa được khai thác hiệu quả. Ở một khía cạnh khác, điều này cho thấy rất sớm thôi, du lịch Nghệ An sẽ gặp phải bài toán về giao thông. Đây sẽ là vấn đề đặt ra trên nhiều phương diện: hạ tầng cứng, dịch vụ và thậm chí là văn hoá ứng xử của người dân. Trên thực tế, những bất cập về dịch vụ và văn hoá giao thông đã xuất hiện rồi chứ không phải là chuyện dự đoán tương lai nữa. 

Mình lấy luôn chuyến đi chơi của gia đình bé Bim làm ví dụ. Ở những nước có ngành du lịch phát triển mạnh trong khu vực như Thái Lan hay Singapore, người ta ít khi di chuyển đển các điểm du lịch xa trung tâm thành phố bằng xe riêng mà thường sử dụng các phương tiện công cộng như tàu điện, xe bus. Chất lượng dịch vụ giao thông công cộng rất tốt, xe sạch và mới, ghế ngồi được bố trí thông thoáng, hành khách ngồi ngay ngắn và nói chuyện nhỏ nhẹ, không có tình trạng chen lấn, ồn ào. Nếu so sánh với các tuyến xe bus của chúng ta thì quả là một trời một vực, đến nỗi mỗi khi nhìn thấy xe bus trên đường, phản xạ đầu tiên của chúng ta là… tránh ngay cho xa kẻo “tai bay vạ gió”. 

Văn hóa giao thông của chúng ta cũng còn khá hạn chế. Người đi xe máy thì ngang nhiên đi vào làn dành cho xe ô tô, người đi ô tô thì sẵn sàng phóng nhanh tạt nước vào người đi xe máy mỗi khi trời mưa. Thỉnh thoảng những người đi cạnh xe bus còn được “khuyến mại” một túi rác rơi ngay vào người… Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều ví dụ cho ứng xử chưa mấy văn minh của người tham gia giao thông ở Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung. 

Du lịch là một ngành kinh tế đặc biệt. Trước hết nó được xem là một ngành công nghiệp không khói, nhưng suy cho cùng đây là một dạng dịch vụ. Mà đã là dịch vụ thì cảm giác của con người là quan trọng. Nếu ấn tượng của du khách về một điểm đến bị phân tán bởi sự bực bội, mệt mỏi và cảm giác chờ đợi thời gian di chuyển quá dài thì lần tới họ có muốn quay lại nữa không? Sau thu hút khách sẽ là bài toán giữ chân khách, câu hỏi này vẫn còn chờ những người làm du lịch Nghệ An tìm ra câu trả lời. 

Hải Triều

TIN LIÊN QUAN