Công tác cán bộ hiện đang là mảnh đất màu mỡ để một số cá nhân nắm giữ quyền sinh sát về nhân sự ở một số cơ quan, đơn vị trục lợi, kiếm chác, tham nhũng, tiêu cực.
Thời gian gần đây dư luận bàn tán xôn xao về trường hợp bổ nhiệm thần tốc và bất thường đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa.
Bà này chỉ sau gần 5 năm bước chân vào cơ quan nhà nước, từ một nhân viên tạp vụ lên chức trưởng phòng ở một sở khá quan trọng, đòi hỏi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu.
Trước vụ việc ở Thanh Hóa, có không ít trường hợp bổ nhiệm tương tự đã bị phát hiện. Ngay cả cơ quan có chức năng cao nhất của nước ta trong lĩnh vực thanh tra như Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến bổ nhiệm cán bộ trong thời gian dài.
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng công tác cán bộ hiện đang là mảnh đất màu mỡ để một số cá nhân nắm giữ quyền sinh sát về nhân sự ở một số cơ quan, đơn vị trục lợi, kiếm chác, tham nhũng, tiêu cực.
Lý do là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ mang lại nhiều lợi ích vật chất nhưng ít để lại dấu vết, dễ che giấu và rất khó phát hiện. Trong khi đó, hiếm có trường hợp nào bị xử lý kỷ luật do bổ nhiệm trái quy định, sai nguyên tắc, cùng lắm chỉ bị nhắc nhở, rút kinh nghiệm.
Trở lại câu chuyện bổ nhiệm đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng có sự nâng đỡ, chống lưng của ai đó? Bởi vì, việc một người quá trẻ, chưa thể hiện được năng lực gì rõ ràng mà thăng tiến như vậy rất bất thường.
Vậy bài thuốc nào để chữa căn bệnh bổ nhiệm thần tốc, bất thường đang lây lan như hiện nay?
Trước hết, các cơ quan có thẩm quyền cần hạn chế quyền lực của người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Theo đó, cần tách vai trò quyết định của người đứng đầu thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành ra khỏi công tác cán bộ mà giao cho cấp ủy quyết định (người đứng đầu không đồng thời là bí thư cấp ủy, bí thư ban cán sự, không trực tiếp, chủ trì làm công tác cán bộ).
Đây là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết căn cơ tình trạng tùy tiện trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ của người đứng đầu, nhất là các cơ quan ngành dọc, sở, ban, ngành, đoàn thể.
Tiếp đó, cần công khai việc bổ nhiệm cán bộ, công chức trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị để người dân và cán bộ, công chức giám sát.
Những trường hợp chưa đủ điều kiện, có sự ưu ái, cất nhắc sẽ nhanh chóng bị phát hiện, xác minh để xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ để phát hiện, xử lý các trường hợp bổ nhiệm không đúng quy định, kiên quyết thu hồi ngay quyết định bổ nhiệm sai, dù việc bổ nhiệm có thể diễn ra trước đó rất lâu.
Đồng thời, cần chú trọng đến việc xác minh thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí, dư luận xã hội để điều tra, làm rõ đối với các vụ việc có dấu hiệu sai phạm, tuyệt đối không bao che, dung túng cho hành vi vi phạm.
Luân chuyển, điều động cán bộ, không để một người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở một vị trí quá lâu. Song song đó, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực của người đứng đầu trong việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Bởi vì đây là nguyên nhân có thể dẫn đến phe cánh, tiêu cực, cục bộ ngành, địa phương trong công tác cán bộ. |
Theo Tuổi trẻ