(Baonghean.vn) –  Tháng 5/1953, nhân kỷ niệm 63 năm sinh của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm bài thơ chữ Hán, lấy tên là "Thất cửu". Bài thơ của Bác đã được nhiều nhà Hán học, nhà thơ yêu thích và dịch thơ khá thành công.
 
Đầu mùa xuân năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn Đảng, toàn Quân và toàn Dân ta đã bước sang năm thứ 8, và thu được nhiều thắng lợi cơ bản, giòn giã. ở Bắc bộ và Trung bộ, vùng tự do mở rộng. Tại Nam bộ, các căn cứ địa kháng chiến, căn cứ du kích được củng cố, đứng vững. Tháng 3 năm 1953, Chính phủ có văn bản về chính sách ruộng đất, phát động quần chúng tích cực tham gia, nên bà con nông dân phấn khởi sản xuất, nộp đủ nộp nhanh thuế nông nghiệp, hăng hái đi dân công, tình nguyện tòng quân giết giặc... Niềm tin vào chế độ mới và quyết tâm bảo vệ chế độ do Cụ Hồ lãnh đạo càng thêm sâu sắc, mạnh mẽ hơn bao giờ, để Việt Nam đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 !
 
Bối cảnh ấy, những tin vui náo nức ấy làm cho Bác Hồ cảm thấy hạnh phúc, sức khỏe trở nên cường tráng, tâm hồn hồi sinh xuân sắc cho dù lúc bấy giờ Người đã ở vào tuổi 63. 

776858_small_75870.jpg

Tháng 5/1953, kỷ niệm 63 năm sinh của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm bài thơ chữ Hán, lấy tên là "Thất cửu". Ở đây tác giả mượn cách tính của người Trung Hoa: Thất cửu lục thập tam, tức 7 x 9 = 63. "Thất cửu" là "bảy nhân chín". Bản phiên âm chữ Hán như sau:
 
Nhân vị ngũ tuần thường thán lão,

Ngã kim thất cửu chính khang cường.

Tự cung thanh đạm, tinh thần sảng,

Tố sự thung dung nhật nguyệt trường!

 
Bản dịch nghĩa tiếng Việt:
 

Thường người ta chưa đến 50 đã tự than già,

Mình nay đã 63 tuổi vẫn đang khỏe mạnh.

Sống thanh đạm, tinh thần sáng suốt,

Việc làm thong dong ngày tháng dài!

 
Bài thơ "Thất cửu" của Bác đã được nhiều nhà Hán học, nhà thơ yêu thích và dịch thơ khá thành công. Xin nêu hai bản dịch thơ sau:
 
Chưa năm mươi đã kêu già,

Sáu ba mình nghĩ vẫn là đương trai.

Sống quen thanh đạm nhẹ người,

Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung!

                                                (Xuân Thủy dịch)
 
Người chưa năm chục than già cỗi,

Mình sáu mươi ba vẫn trẻ trung.

Thanh đạm thú quen lòng thoải mái,

Ngày dài tháng rộng việc ung dung!

                                                (Quách Tấn dịch)
 
Quy luật thời gian sinh - lão - bệnh - tử không trừ một ai. Đã ở tuổi 50 thì không còn trẻ nữa, chuyện cũng đương nhiên. Điều Bác không đồng tình là với những ai tuổi 50 mà đã hay "thán lão" (tự kêu già). "Thường thán lão" thì chắc chắn tâm sinh lý có vấn đề bất an, yếm thế, cũng có thể họ tự xếp mình đã có tuổi rồi, là lão làng, muốn làm gì cũng được? Ngẫm về bản thân, tuổi 63 rồi mà Bác vẫn thấy mình khang kiện, mạnh khỏe, chưa bao giờ coi mình là người già, than già! Sau này, khi tuổi đã cao Người vẫn giữ vững phong thái "Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi" (Thơ Tố Hữu).
 
Hai câu thơ cuối bài thơ tứ tuyệt, như sự lý giải ngắn gọn, giàu sức thuyết phục. Nhờ đâu Bác có được nội lực "chính khang cường "ấy? Thứ nhất, nhờ lối sống thanh đạm; thứ hai, nhờ tinh thần sáng suốt; và thứ ba, nhờ làm việc thong dong, miệt mài, không mệt mỏi cho một lý tưởng lớn.
 
Những câu chuyện cảm động về Bác thời chống Pháp, sau đó là chống Mỹ, minh chứng cho phương pháp sống và làm việc của Người có thể nói vô vàn... Câu thơ thứ tư "Tố sự thung dung nhật nguyệt trường", dịch nghĩa: Làm việc thong dong ngày tháng dài. Cụm từ "nhật nguyệt trường" trong tiếng Hán vừa có nghĩa "ngày tháng dài"; theo nhà thơ Lữ Huy Nguyên thì còn có thể hiểu là "dài lâu như mặt trăng mặt trời", chỉ sự ổn định, trường tồn.
 
Một con người nếu biết sống thanh đạm, tinh thần sáng suốt, làm việc thung dung thì có thể sống lâu dài! Nhiều tài liệu khoa học, tâm lý học, dưỡng sinh, thiền học... đã chứng minh những ý tưởng vừa nêu của Bác hoàn toàn có cơ sở, trở thành bài học không phải quá khó cho nhiều thế hệ người cao tuổi nước ta noi theo.
 
Vào dịp kỷ niệm 63 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, dẫu rất khiêm tốn, Người cũng không thể không vui mừng vì nhận được rất nhiều thư, điện từ khắp nơi trong và ngoài nước gửi về. Trong "Thư cảm ơn", Bác bày tỏ: "Tôi trân trọng cảm ơn tất cả! Tôi xin báo cáo rằng: Tôi quyết đưa tất cả tinh thần và sức lực để cùng đồng bào và bộ đội đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công và quyết thắng, đặng góp phần vào công cuộc bảo vệ Hòa Bình thế giới". Thư không nói một lời nào chuyện riêng tư, trái lại biểu lộ rất rõ tấm lòng son sắt với dân với nước, ý chí và nguyện vọng vì một nền thái bình thịnh trị toàn nhân loại... 


Kim Hùng