Tiếp bước người tiền nhiệm
Kể từ khi lên nắm quyền cách đây 1 tháng, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Sugađã tiến hành rất nhiều cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới, gặp mặt trực tiếp nhiều quan chức cấp cao của chính phủ nước ngoài nhằm gạt bỏ những nghi ngại về việc liệu ông có thể tiếp nối di sản của người tiền nhiệm Abe Shinzo, bởi ông bị đánh giá là có rất ít kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại. Nhưng xét về mặt ý nghĩa, các hoạt động này không thể so sánh với chuyến công du nước ngoài đầu tiên - sự kiện luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của bất kỳ vị nguyên thủ quốc gia nào.
Khi Thủ tướng Yoshihide Suga lên kế hoạch cho chuyến đi này, dư luận đã đưa ra khá nhiều đồn đoán về sự lựa chọn của ông: Đó có thể là Mỹ - điểm đến ưu tiên của mọi tân Thủ tướng Nhật Bản kể từ năm 1945, đó có thể là Trung Quốc - đối tác kinh tế lớn nhất của Nhật Bản, hoặc có thể Hàn Quốc - quốc gia cùng là đồng minh với Mỹ và chia sẻ nhiều tầm nhìn an ninh khu vực với Nhật Bản. Nhưng tất cả các điểm đến tiềm năng này cuối cùng đều không được lựa chọn với những lý do cả khách quan và chủ quan: Nước Mỹ không phù hợp về mặt thời điểm khi đang bùng phát dịch Covid-19 và chuẩn bị bước vào kỳ bầu cử quan trọng; Trung Quốc cũng không phải lựa chọn thích hợp về mặt chính trị xét trong bối cảnh quan hệ song phương đang có nhiều khúc mắc như hiện nay, khi mà kế hoạch thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bị hoãn; Còn điểm đến Hàn Quốc lúc này cũng không được đánh giá cao, thậm chí còn bị xem là “sự tự sát chính trị” sau khi Thủ tướng Suga mới đây đã có tuyên bố khá cứng rắn với Hàn Quốc về vấn đề bồi thường cho lao động thời chiến.
Dù vậy, việc lựa chọn Việt Nam và Indonesia cho chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng Yoshihide Suga không đơn giản là một sự thay thế, mà đằng sau là thông điệp rõ ràng về trọng tâm chính sách đối ngoại của chính quyền mới tại Nhật Bản. Cần nhắc lại rằng, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo năm 2013 cũng đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên ngay sau khi nhậm chức. Đó cũng là thời điểm tình hình khu vực có rất nhiều biến động, và châu Á - Thái Bình Dương nổi lên thành khu vực có ý nghĩa chiến lược trong chính sách của nhiều quốc gia, trong đó có chính sách xoay trục của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Với Nhật Bản, cựu Thủ tướng Abe Shinzo cũng đã đưa ra Tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do, tập trung vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, thực thi pháp luật nhằm đảo bảo an ninh hàng hải, hướng tới một khu vực ổn định và thịnh vượng.
Tầm nhìn này tiếp tục được kế thừa và thúc đẩy dưới thời của Thủ tướng Suga, vì thế việc lựa chọn Việt Nam và Indonesia làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên cũng chính là một sự khẳng định của ông Suga về việc tiếp nối chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm. Trước thềm chuyến thăm, ông Suga cũng tuyên bố trong cuộc họp của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền rằng, ASEAN nằm ở trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, có vị trí quan trọng trong Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do. Trong ASEAN, Việt Nam là quốc gia đang giữ vị trí Chủ tịch luân phiên năm 2020, còn Indonesia là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trong khối với hơn 260 triệu dân và hiện là thành viên duy nhất của khối lọt vào nhóm 20 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G20). Bên cạnh đó, Việt Nam và Indonesia được cho là chia sẻ nhiều mối quan tâm với Nhật Bản về vấn đề an ninh khu vực.
Nỗ lực “thoát Trung”
Dù phía Nhật Bản chưa từng nhắc đến yếu tố Trung Quốc trong chuyến công du của tân Thủ tướng Yoshihide Suga, song giới phân tích đều cho rằng việc chọn hai quốc gia có vai trò nổi bật trong ASEAN là một thông điệp ngầm, thể hiện quyết tâm của Nhật Bản trong việc đối diện với đất nước Trung Quốc đang trỗi dậy ở khu vực. Trong chuyến công du, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Một trong những nội dung trọng tâm được đề cập trong các cuộc thảo luận là thúc đẩy hợp tác kinh tế. Cụ thể, tại chặng dừng chân Việt Nam, ông Suga tập trung vào những thỏa thuận thúc đẩy thương mại tự do, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tăng cường hợp tác an ninh. Còn tại chặng dừng chân Indonesia, ông Suga sẽ nối lại các thỏa thuận về trao đổi lao động giữa hai nước - vốn bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, xúc tiến các cuộc đối thoại “2+2” về các vấn đề quốc phòng và ngoại giao.
Việc tập trung vào hợp tác kinh tế với Việt Nam và Indonesia vừa là cách để ông Suga thúc đẩy một trong những trụ cột quan trọng nhất trong Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do, vừa là cách để hiện thực hóa chiến lược mới của Nhật Bản kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đó là chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế Nhật Bản với Trung Quốc, xây dựng hệ thống nguồn cung ứng vật liệu y tế và linh kiện điện tử ổn định ngay cả trong trường hợp khẩn cấp. Mặc dù chiến lược này được đưa ra từ thời cựu Thủ tướng Abe Shinzo, nhưng ông Yoshihide Suga khi đó cũng đã nhiều lần nhấn mạnh tới yêu cầu phải khắc phục nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng của một quốc gia cụ thể.
Trong chiến lược “thoát Trung” này, Nhật Bản đã công bố hai chương trình trợ cấp: chương trình thứ nhất trợ cấp khoảng 2 tỷ USD cho những doanh nghiệp Nhật Bản chuyển các hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về nước; chương trình thứ hai trợ cấp hơn 200 triệu USD cho các doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước thành viên ASEAN (sau này, Nhật Bản bổ sung thêm hai địa điểm trong danh sách này là Ấn Độ và Bangladesh). Các doanh nghiệp lớn tham gia chương trình sẽ nhận được khoản hỗ trợ bằng một nửa chi phí đầu tư khi chuyển sản xuất sang các nước ASEAN, trong khi khoản hỗ trợ cho các doanh ngiệp nhỏ hơn lên tới 2/3 tổng chi phí đầu tư. Kế hoạch này một lần nữa được ông Yoshihide nhắc lại khi tới Việt Nam và Indonesia trong chuyến công du lần này, coi đây là cơ hội để Việt Nam và Indonesia đón nhận nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản đang thực hiện tái cơ cấu lại mạng lưới sản xuất.
Theo giới phân tích, chuyến đi 4 ngày tới Việt Nam và Indonesia là cơ hội đầu tiên để ông Yoshihide Suga thể hiện phong cách ngoại giao sau khi trở thành Thủ tướng Nhật Bản, là sự khởi đầu để hình thành triết lý ngoại giao ở quy mô tổng quát hơn sau khi nối lại các hoạt động ngoại giao với những khu vực khác thời “hậu Covid-19”. Ông Suga cho rằng, ông sẽ định hình phong cách ngoại giao của riêng mình, nhưng dù phong cách đó có như thế nào, thì mục tiêu lớn nhất vẫn là kế thừa tầm nhìn lớn từ thời ông Abe, đó là đưa Nhật Bản trở thành “lá cờ đầu” trong xây dựng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do.