Đó là kết quả của đường lối xây dựng lực lượng cách mạng toàn diện bao gồm đội quân chính trị và lực lượng vũ trang nhân dân, đã luôn kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, đánh địch trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị), bằng ba mũi giáp công (quân sự - chính trị và binh vận)… Với sức mạnh tổng lực đó, quân ta đã lần lượt đánh thắng các chiến lược của địch trong suốt hai thập kỷ.
Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, là kết quả tất yếu của sức mạnh tổng hợp trên. Trong đó, mũi tiến công quân sự với quả đấm của 5 cánh quân chủ lực là mũi quyết định trực tiếp, mũi tấn công chính trị, sự nổi dậy của quần chúng là nền tảng sức mạnh tổng hợp, tạo nên cục diện kết thúc cuộc chiến tranh khốc liệt 30 năm giải phóng Sài Gòn gần như nguyên vẹn. Có thể nói, đó là sự kiện có một không hai trong lịch sử chiến tranh trên thế giới, có ý nghĩa to lớn, vừa thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa phản ánh trung thực bản chất của dân tộc ta, vừa tác động to lớn đến sự phát triển đất nước sau chiến tranh.
Nhân dân Sài Gòn - Gia Định tự hào đã đóng góp công sức to lớn, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần quan trọng vào chiến công hiển hách mang tính thời đại - Đại thắng mùa Xuân 1975. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, “quần chúng đã vào trận đúng lúc… Hành động yêu nước của nhân dân tạo ra khí thế cách mạng là sức mạnh to lớn. Đây là cái quý nhất của quần chúng Sài Gòn - Gia Định và đây cũng là kết quả của công tác tuyên truyền giáo dục, tổ chức và rèn luyện trong đấu tranh qua nhiều năm của Đảng bộ Thành phố”.
Truyền thống - hành trang xung trận
Dù sống trong môi trường là “tổng hành dinh” của quân xâm lược với bộ máy cai trị khổng lồ, nhân dân Sài Gòn có nhiều cuộc đấu tranh chính trị đông đảo nhất. Trong 30 năm cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, lịch sử đã nghi nhận những sự kiện trọng đại của nhân dân Sài Gòn: Tháng 8/1945, khi có lệnh khởi nghĩa, lập tức lực lượng cách mạng nằm trong các tổ chức công khai, bán công khai như Thanh niên Tiền phong, Công đoàn đồng loạt xung phong tiến công các cơ sở của địch. Rồi hàng triệu quần chúng gồm các tầng lớp nhân dân tràn ngập đường phố trung tâm với rừng cờ đỏ sao vàng hô vang khẩu hiệu “chính quyền về tay nhân dân”. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, sự kiện “Đám tang Trò Ơn” (9/1/1950) là một cuộc biểu tình chính trị với biển người cuồn cuộn kéo dài cả chục cây số trong 8 giờ, “quan tài đến nghĩa trang Chợ Lớn mà người cuối cùng chưa ra khỏi trường Pétrus Ký”; rồi “ngày chống Mỹ” (19/3/1950) của học sinh Sài Gòn tràn ra đường phố với cờ đỏ sao vàng, hát vang những bài ca yêu nước, hạ cờ tam sắc, đốt cờ ba que, chặn xe lửa, lập chiến lũy, rượt lính Mỹ …
Trong thời kỳ chống Mỹ, phòng trào đấu tranh chính trị tiếp tục phát triển mạnh, đa dạng, độc đáo mang đặc trưng của cư dân đô thị dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ Thành phố. Đó là “Phong trào dân tộc tự quyết”, hoạt động của “Ủy ban vận động hòa bình” (1965) đã lôi cuốn hàng ngàn nhân sỹ, tổ chức tham gia ra tuyên ngôn đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh; là “lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc”, “Hội bảo vệ nhân quyền và quyền lợi phụ nữ”, “Hội bảo vệ tinh thần thanh niên” cùng hàng loạt tờ báo như Tin Văn, Hồn Trẻ, Tiếng nói Trí thức … đã đấu tranh quyết liệt sự du nhập của văn hóa ngoại lai của Mỹ xâm lược. Đặc biệt phong trào “Sử ca”, “Kháng chiến ca”, “Hát cho đồng bào tôi nghe” của hàng vạn, hàng vạn Thanh niên vang rền đường phố, thúc giục, lay động lòng người, lôi cuốn người dân hướng về cách mạng. Nhân dân Sài Gòn – Gia Định, nhân dân cả nước và có lẽ cả thế giới không bao giờ quên sự kiện có một không khai ở bất kỳ một đô thị lớn nào trên thế giới thuộc địa là cuộc biểu tình đặc sắc Sài Gòn “Ký giả đi ăn mày” mang đậm đặc trưng của phong trào cách mạng đô thị.
Sự đa dạng, phong phú, độc đáo của phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi, liên tục của nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã trở thành truyền thống quý báu, hành trang vững vàng, nền tảng chắc chắn cho một cuộc xung trận mới, trận quyết chiến chiến lược, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam.
Xung trận đúng lúc
Ngày 1/4/1975, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp, quyết định tập trung lực lượng để giải phóng Sài Gòn, với quyết tâm là bắt đầu và kết thúc vào tháng 4/1975. Theo đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được thành lập, xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến của chiến dịch, trong đó phân công đồng chí Nguyễn Văn Linh – Phó Bí thư Trung ương Cục phụ trách công tác nổi dậy của quần chúng; đồng chí Võ Văn Kiệt, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục phụ trách công tác tiếp quản Thành phố sau giải phóng. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đảng bộ Sài Gòn – Gia Định được phân công “chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt để khi thời cơ đến, phát động quần chúng nổi dậy và tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ cơ sở đến Trung ương”. Đồng thời có nhiệm vụ chiếm giữ các cầu trọng yếu, khống chế trận địa pháo, sân bay của địch, chiếm các bàn đạp, mở đường và dẫn đường cho bộ đội chủ lực tiến công vào đánh chiếm các mục tiêu được phân công; tạo điều kiện cần thiết cho các binh đoàn chủ lực có chỗ tập kết; bảo đảm hậu cần tại chỗ cho chiến dịch …
Ngày 12/4/1975, Ban Thường vụ Thành ủy đã ra Chỉ thị “Những việc cần làm ngay trong các giai đoạn trước, trong và sau khi Thành phố được giải phóng” với nhận thức và quán triệt sâu sắc tinh thần “thời cơ 20 năm mới có một lần”. Chỉ thị nêu rõ: “Thời cơ khởi nghĩa là lúc mà các cuộc công kích và khởi nghĩa của ta xung quanh Thành phố thành công lớn, lực lượng quân địch bảo vệ thành phố bị đánh sụp, bọn địch đảo chính lẫn nhau hoặc thay đổi cấp lãnh đạo chóp bu, hàng ngũ địch rối loạn, không kiểm soát được tình hình hoặc rút chạy khỏi thành phố. Lúc này, dù quân chủ lực chưa vào vẫn phải phát động quần chúng nổi dậy tấn công và khởi nghĩa”. Thành phố đã xây dựng các đội quân của các ngành, các cấp sẵn sàng nhập cuộc, với những tài liệu cẩm nang quan trọng như Lời kêu gọi của Ủy ban Nhân dân Cách mạng Sài Gòn – Gia Định; Bảy điều về Chính sách binh vận của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Tài liệu hướng dẫn quần chúng hành động (trước, trong và sau khi tổng công kích – tổng khởi nghĩa)…
Với truyền thống được vun bồi xây đắp, với hành trang được tích lũy xây dựng hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, với tinh thần sẵn sàng “chớp thời cơ” được chuẩn bị sẵn, khi Chiến dịch Hồ Chí Minh khai màn vào ngày 26/4/1975, đội quân chính trị đông đảo của quần chúng nhân dân đồng loạt xung trận.
Lực lượng công nhân với khí thế “dũng cảm tiến lên, đoàn kết lại, phất cao ngọn cờ tiên phong, đánh đổ ngụy quyền, giành chính quyền về tay nhân dân” đã tham gia khởi nghĩa ở khu phố, ở các xí nghiệp, nhà máy, nhất là nhà máy điện, nước, bưu điện, đài phát thanh, đài truyền hình, các kho tàng lớn, không để cho địch phá hoại trước khi chúng rút chạy. Nhờ vậy, mà khi các cánh quân vào đến Thành phố, kẻ địch tháo chạy tán loạn, nhà máy điện vẫn phát sáng, nước vẫn chảy, các cửa hàng, cửa hiệu … vẫn nguyên vẹn.
Lực lượng nông dân dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cánh B Thành ủy (cánh phụ trách địa bàn nông thôn, có nhiệm vụ tham gia giải phóng các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức và thị xã Gia Định) đã vào cuộc từ những ngày đầu tháng 4, xây dựng hàng trăm cơ sở quần chúng, hàng chục lõm chính trị ở vùng ven. Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, lực lượng nông dân đã phối hợp nhịp nhàng với bộ đội địa phương theo tiến trình tiến quân của các cánh quân chủ lực nổi dậy, giành chính quyền từng địa phương, khu vực. Theo hướng tiến công của Quân đoàn II, Quân đoàn IV, hướng Đông và Đông Bắc trong 2 ngày 29 và 25/4 đã nổi dậy ở khu vực Giồng Ông Tố, Lò Lu (Thủ Đức); đến ngày 29/4 thì đã giành được chính quyền ở tất cả các xã thuộc quận Thủ Đức. Ở hướng Tây Bắc, ngày 28 và 29/4, quần chúng đã nổi dậy giành quyền làm chủ ở các xã của Hóc Môn như Xuân Thới Thượng, Tân Thới Nhì, Tân Thạnh Đông và thị trấn Hóc Môn. Toàn bộ các xã ở Củ Chi nằm trên hướng tiến quân Tây Bắc, trong ngày 29/4 hầu như được giải phóng hoàn toàn (các xã Tân An Hội, Tân Thông Hội, Tân Phú Trung, Phước Hiệp, Phước Thạnh nằm trên quốc lộ 22, hay xã Trung Lập, Phú Hòa Đông, Trung An sát nách căn cứ Đồng Dù đều được giải phóng). Trên hướng tiến quân của Quân đoàn 1, quần chúng đã nổi dậy làm chủ hoàn toàn các xã Tân Thới Hiệp, An Phú Đông, Nhị Bình, An Nhơn, Thông Tây Hội. Theo hướng tiến công của Quân đoàn 3, quần chúng phối hợp với bộ đội địa phương, bức rút đồn bốt, khống chế các mục tiêu, giành chủ quyền ở các xã Phú Thọ Hòa, Tân Sơn Nhì, Tân Sơn Hòa. Ở hướng Tây Nam theo đường tiến quân của Đoàn 232, quần chúng nổi dậy cùng bộ đội địa phương giành chính quyền ở địa bàn nông thôn rộng lớn của xã Tân Tạo, Tân Nhật, Bình Trị Đông, tiến lên giải phóng hoàn toàn huyện Bình Chánh.
Lực lượng trí thức ở Sài Gòn – Gia Định đông về số lượng, “có địa vị xã hội quan trọng trong các tầng lớp nhân dân, có ảnh hưởng đáng kể đối với ngụy quân, ngụy quyền …” , nên trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Thành ủy Sài Gòn – Gia Định có sự quan tâm đặc biệt đến công tác Trí vận. Ban Trí vận đã vận động, tổ chức phong trào đấu tranh chính trị của tầng lớp trí thức, công chức cao cấp, giáo chức, tu sỹ các tôn giáo, các nhà tư sản, văn nghệ sỹ… hòa cùng phong trào đấu tranh chính trị của các giới đồng bào đô thị như Thanh niên, Phụ nữ, Công nhân, … Đồng thời đã có những phong trào đặc trưng của giới trí thức trong Mặt trận nhân dân rộng lớn.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trí thức Sài Gòn – Gia Định theo sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Trí vận đã linh hoạt, nhạy bén tìm cách làm suy yếu hàng ngũ địch, nhất là đối với bộ phận “chop bu” của chính quyền Sài Gòn, tập trung lực lượng đánh đổ ngụy quyền từ bên trên và từ trong ruột đánh ra, góp phần tạo nên “cục diện mới” để kết thúc chiến tranh theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Lực lượng Thành đoàn luôn là “ngòi pháo” trong phong trào đấu tranh chính trị ở đô thành Sài Gòn suốt các thời kỳ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là từ 1965 trở đi. Từ cuối 1974 đầu 1975, Thành Đoàn được giao nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng để tham gia khởi nghĩa trong nội thành. Theo đó, một lực lượng lớn được đưa vào nội thành để khi có thời cơ thì các tổ chức như Tổng hội sinh viên Sài Gòn; Tổng Đoàn học sinh Sài Gòn; Đoàn Văn nghệ học sinh, sinh viên; Đoàn công tác xã hội… vận động hội viên và quần chúng tham gia nổi dậy giành quyền làm chủ ở các khu phố. Trong đó, Thành Đoàn trực tiếp phụ trách nổi dậy ở các khu Bàn Cờ, Vườn Chuối, Cầu Bông, Đa Cao – Tân Định, Phú Nhuận, Khánh Hội – Vĩnh Hội, Tân Phú, Bảy Hiền. Tất cả những điểm khởi nghĩa này đều có tác động hỗ trợ cho việc đánh chiếm các mục tiêu trung tâm như Dinh Độc Lập, Toàn Đại sứ quán Mỹ, Biệt Khu Thu Đô, Bộ Tổng tham mưu… Đồng thời, một số khá đông cán bộ Thành Đoàn được Thành Ủy điều động tăng cường cho các quận 6, 7, 8, 10, Phú Thọ Hòa, Tân Sơn Nhất, Tân Sơn Nhì, Gò Vấp để cùng quần chúng khởi nghĩa giành quyền làm chủ, ứng chiến với các mũi tiến công của quân chủ lực từ các hướng.
Phong trào phụ nữ Sài Gòn – Gia Định đã phát triển mạnh mẽ từ 1965, khi quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam. Nhiều tổ chức phụ nữ được hình thành như Hội Bảo vệ nhân phẩm và quyền sống, Giáo hội Khất sỹ nữ giới Việt Nam, Đoàn Nữ Phật tử Long Hoa, Hội Nữ Phật tử Việt Nam, Nghiệp đoàn Tiểu thương 36 chợ Đô Thành, Hội các bà mẹ có con ở tù… Phong trào đấu tranh của phụ nữ vừa có tính chất riêng của giới, ngành nghề, vừa phối hợp với các phong trào đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị của các tầng lớp quần chúng Thành phố. Bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Ban Phụ Vận được giao nhiệm vụ áp sát vùng địch, ấp chiến lược để xây dựng cơ sở; may cờ, chuẩn bị lực lượng giao liên, đưa bộ đội vào Thành phố; xây dựng cơ sở nội thành, chuẩn bị tiếp quản Thành phố. Khi chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ súng thì các “thê đội” phụ nữa ở các địa bàn đã vào cuộc nhịp nhàng và mưu trí, khôn khéo đưa lại hiệu quả cao. Các bà mẹ Củ Chi đất thép thành đồng đã giương cao ngọn cờ Mặt trận giải phóng dẫn dắt quần chúng nổi dậy “xóa sổ” các cơ quan chính quyền cơ sở địch. Ngày 29/4 ở Gò Vấp, Khu Dệt Bảy Hiền, Phụ nữ đã làm công tác binh vận, cắm cờ khắp khu phố, chợ; treo bảng Ủy ban nhân dân cách mạng khu Bảy Hiền … Sáng 30/4, Phụ nữ cắm cờ, chiếm lĩnh trụ sở Hội đồng xã Thạnh Mỹ Tây. Một bộ phận lớn lãnh đạo Ban Phụ Vận đã vào Thành phố từ trước, trong đó có đồng chí Đỗ Duy Liên, Trưởng Ban, đã lãnh đạo lực lượng nòng cốt kết hợp cùng các giới đồng bào nổi dậy, giành quyền làm chủ ở nhiều nơi, từ các quận của Gia Định đến nội đô Sài Gòn. Hình ảnh chiến sỹ biệt động Nguyễn Trung Kiên hướng dẫn xe tăng vào chiếm lĩnh mục tiêu là một điển hình về biểu tượng oai hùng của Phụ nữ Sài Gòn – Gia Định trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Và chúng ta cũng không bao giờ quên biết bao người nữ công nhân đã kiên trì, dũng cảm bảo vệ cơ sở vật chất của các nhà máy, xí nghiệp được vẹn toàn trong cơn bão táp chiến dịch, tô đậm thêm truyền thống anh hùng của Phụ nữ Sài Gòn – Gia Định …
Sự tham gia của người Hoa vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 nói riêng là nét đặc sắc, phản ánh sự toàn diện về sức mạnh tổng hợp của quần chúng trong phong trào cách mạng đô thị Sài Gòn – Gia Định. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã tổ chức Ban Hoa Vận để vận động người Hoa tích cực tham gia đấu tranh cách mạng. Đặc biệt, ở Nam bộ mà trọng tâm là Sài Gòn – Chợ Lớn, từ thời kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, công tác vận động người Hoa diễn ra thường xuyên, toàn diện, đã dẫn dắt người Hoa vào quỹ đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Thành phố. Bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Ban Thường vụ Thành ủy Sài Gòn – Gia Định giao cho Ban Hoa Vận bố trí lực lượng phát động quần chúng nổi dậy tại 10 vùng trọng điểm thuộc các quận đông người Hoa như quận 5, 11, 6, 10…
Khi chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, các tổ vũ trang tuyên truyền của Ban Hoa Vận rải truyền đơn, giăng biểu ngữ, phát loa kêu gọi quần chúng nổi dậy giành chính quyền, treo cờ giải phóng ở nhiều cơ sở trường học, Hội quán người Hoa. Sáng 30/4, khi các cánh quân chủ lực tiến công vào nội thành, các tiểu ban khởi nghĩa của Ban Hoa Vận theo sự phân công đồng loạt hành động. Tại Quận 5, từ nổi dậy giành quyền làm chủ ở một số đường phố, phường đã tiến lên bao vây chiếm lĩnh Ty cảnh sát quận 5, Tòa Hành chính quận và Câu lạc bộ sỹ quan, bố trí lực lượng chốt giữ, bảo vệ hệ thống kho tàng dọc bến Hàm Tử, Lê Quang Liêm và tiếp quản Tổng Thương Hội Trung Hoa. Tại Quận 6, lực lượng khởi nghĩa chiếm lĩnh các khóm, tiến đến bao vây Tòa Hành Chính và Ty Cảnh sát Quận 6, phong tỏa các tuyến đường, treo cờ giải phóng trên Tòa nhà Hành chính quận. Đồng thời, bố trí lực lượng tiếp quản chính quyền khóm phường, ổn định trật tự, bảo vệ các kho hàng chợ Bình Tây … Tại Quận 10, Tiểu ban Khởi nghĩa cùng một sỹ quan quân đội Sài Gòn là người Hoa vốn là cơ sở cách mạng đã làm binh biến khống chế, tước vũ khí của lực lượng văn phòng cố vấn quân sự Đài Loan, đồng thời phân công lực lượng treo cờ Mặt trận Giải phóng khắp các chung cư khu vực Ngô Gia Tự; kêu gọi nhân dân nổi dậy chiếm các đồn cảnh sát, văn phòng khóm, tiến chiếm Tòa Hành chính Quận 10. Tại Quận 11, từ sáng 30/4, lực lượng khởi nghĩa đã bao vây, chiếm lĩnh các khóm, phường ở khu vực Cầu Tre, Bình Thới, Phú Thạnh, Phú Hòa, sau đó phối hợp với lực lượng của Thành Đoàn tiến chiếm, quản lý tư liệu, vật chất của Toàn Hành chính và Ty Cảnh sát các quận … Đông đảo đồng bào người Hoa khu vực Chợ Lớn đã hòa cùng nhân dân Thành phố biểu dương lực lượng cách mạng, tích cực tham gia giữ gìn trật tự, trị an, quản lý cuộc sống khu phố những ngày đầu mới được giải phóng.
Công tác binh vận nhằm vận động binh lính địch, lôi kéo họ về phía cách mạng là một mũi tiến công chiến lược nhằm lật đổ ách thống trị của thực dân đế quốc, đánh bại kẻ thù xâm lược, đã được Đảng ta xác định và chỉ đạo thực thi trên mọi chiến trường, đặc biệt là chiến trường đô thị Sài Gòn – Gia Định, trung tâm đầu não của địch. Tùy theo tình hình diễn biến của chiến trường, động thái cục diện chiến tranh mà công tác binh vận được tiến hành một cách linh hoạt về phạm vi đối tượng, nội dung và hình thức. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, công tác binh vận, địch vận được tiến hành một cách đa dạng với nhiều mũi đột kích vào những đối tượng có vai trò trực tiếp trong quá trình kết thúc cuộc chiến. Để chuẩn bị bước vào chiến dịch, Ban Binh Vận Trung ương và Ban Binh Vận Sài Gòn – Gia Định khẩn trương chuẩn bị hành động vừa ở các đơn vị, các trường huấn luyện của ngụy quân, vừa tính toán đến lá bài chiến lược vốn đã được chuẩn bị từ rất lâu – đối tượng “chóp bu” chính quyền Sài Gòn.
Ở nông thôn, sự nổi dậy của quần chúng các giới nêu ra trên đây, nhiều nơi có sự góp sức của mũi binh vận. Còn ở đô thị, ở các đơn vị chủ lực, trại huấn luyện, nổi bật là sự kiện sáng 28/4/1975, Thiếu tá Lê Quang Ninh đã phát động binh lính nổi dậy, đưa tiểu đoàn bảo vệ căn cứ Đồng Dù – Sư đoàn 25 về với cách mạng, đã gây hoang mang, làm náo loạn hàng ngũ ngụy quân khu 31 chiến thuật, tạo điều kiện thuận lợi để quân chủ lực của ta tấn công căn cứ Đồng Dù. Chiều 29/4/1975, Đại tá, Chỉ huy Phó Trung tâm huấn luyện Quang Trung ra lệnh tập trung quân vào trại, cất hết vũ khí, vô hiệu hóa các bãi mìn bảo vệ toàn trung tâm, đã “dọn sạch đường” cho quân chủ lực hành tiến qua trung tâm, đánh trại lữ đoàn quân dù Hoàng Hoa Thám. Sáng sớm ngày 30/4/1975, lực lượng nội tuyến của ta ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung tiến hành treo 400 cờ, phát hành Tài liệu về Chính sách 10 điểm cho lính Sài Gòn ở 4 trại Võ Tánh, Chu Văn Tiếp, Lê Lợi, Dương Mộng Hùng, kêu gọi lính rã ngũ, trở về với gia đình. Trung úy Trần Huệ Nhật cơ sở nội tuyến, đảng viên, chỉ huy đại đội bảo vệ Bộ Chỉ huy cảnh sát Gia Định đã cùng cơ sở chiếm giữ Bộ Chỉ huy, làm tan rã bộ máy cảnh sát bên dưới, tạo thuận lợi cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền, khu vực trung tâm tỉnh Gia Định.
Những hành động của Tổng Thống trong ba ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn Dương Văn Minh chịu sự tác động mạnh của các mũi binh vận.
Những sự kiện được nêu ra trên đây dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong bức tranh toàn cục cuộc nổi dậy của các tầng lớp, các giới đồng bào Sài Gòn – Gia Định, song đã nói lên sự vào cuộc đúng lúc, sự đóng góp quan trọng, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên chiến công vang dội của nhân dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Chỉ trong 2 ngày 29/4 và 30/4 toàn Thành phố Sài Gòn – Gia Định đã có 107 điểm nổi dậy trước khi Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Hầu hết các huyện lị, Ty Cảnh sát các quận và Tòa Hành chính tỉnh Gia Định đã được nhân dân nổi dậy giải phóng, “cờ sao tung bay khắp xóm ấp, phố phường”, đồng bào các giới tràn ngập đường phố hòa cùng các cánh quân chủ lực tiến công vào trung tâm Thành phố, hát vang bài ca “Đại thắng mùa Xuân 1975”.
Dân là gốc
Đánh giá về sự nổi dậy kịp thời, hợp đồng chặt chẽ của nhân dân Thành phố với các cánh quân chủ lực, vị Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã nói: “Đây là cái quý nhất của quần chúng Sài Gòn – Gia Định”. Đúng vậy! Nhân dân Sài Gòn – Gia Định đã hơn một thế kỷ (1859 – 1975) sống vẫy vùng dưới ách thực dân đế quốc với biết bao lao lung, thiên trùng áp bức, khủng bố, chém giết, lừa bịp …, tưởng chừng lòng người mềm nát như tương. Nhưng không! Khí phách của người dân Sài Gòn – Gia Định đã luôn kiên cường, dũng cảm trước mọi phong ba, bão táp, trước nanh vuốt của kẻ thù hung ác. Thời kỳ chủ nghĩa thực dân mới, biết bao tệ nạn tràn ngập xã hội miền Nam, nhất là vùng đô thị bị tạm chiếm, không ít người bị tiêm nhiễm lối sống của chủ nghĩa thực dân. Điều đó ít nhiều tác động đến sự nhìn nhận, đánh giá người Sài Gòn theo nhiều góc độ khác nhau. Truyền thống kiên cường bất khuất, son sắt với cách mạng, đường lối quần chúng, công tác tuyên truyền vận động giáo dục, tổ chức và rèn luyện quần chúng trong đấu tranh cách mạng của Đảng bộ Thành phố, sự “vào trận đúng lúc”, tạo ra khí thế cách mạng tràn ngập đường phố của quần chúng, cho phép đúc rút bài học quý báu về công tác vận động nhân dân tham gia các phong trào cách mạng. Trước hết phải hiểu, phải khơi dậy được và trọng dụng sức dân. Chắc ai cũng biết, Bác Hồ là tấm gương tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, thương yêu dân, kính trọng dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Người luôn thẩm thấu triết lý phát triển của Việt Nam được các bậc minh quân, triết gia tổng kết “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, “dân là gốc” và Bác đã khẳng định một cách vừa bao quát vừa cụ thể “bao nhiêu lực lượng đều ở nơi dân…, bao nhiêu lợi ích thuộc về dân, bao nhiêu quyền hành đều là của dân”. Đối với nhân dân, tấm lòng của Bác luôn chan chứa tình thương yêu, thân ái. Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ cách đây hơn 70 năm, Bác chỉ rõ: “Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”.
Trước lúc đi xa, Bác đã “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng, cho tất cả giới đồng bào” và không quên sự quan tâm đến cả những nạn nhân của xã hội thực dân như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, phải giáo dục họ hoàn lương, trở thành người có ích cho xã hội …. Ấy là sự chỉ giáo sâu sắc mà công tác vận động quần chúng nhân dân, kể cả công tác địch vận, binh vận trong thời kỳ kháng chiến của Đảng bộ Sài Gòn – Gia Định luôn luôn được quán triệt sâu sắc, từ đó khơi dậy lòng yêu nước, nhân nghĩa, trách nhiệm của mỗi một người dân đối với Tổ quốc, quê hương, tạo nên sức mạnh tổng hợp của quần chúng trong trận quyết chiến, chiến lược – Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau ngày giải phóng, bài học về đánh giá, vận động, tổ chức, hướng dẫn quần chúng phát huy vai trò và sức mạnh của mình được Thành phố Hồ Chí Minh vận dụng hết sức sáng suốt.
Chúng ta, nhất là những người còn trẻ tuổi vào những năm đầu sau giải phóng hẳn còn nhớ lời phát biểu đầy tâm huyết và sự tin tưởng ở Tuổi trẻ Thành phố sau ngày giải phóng của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt, đã thôi thúc, lôi cuốn hàng vạn Thanh niên với vô vàn hoàn cảnh khác nhau gia nhập Thanh niên xung phong Thành phố tỏa về mọi miền xây dựng cuộc sống mới. Rồi Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố qua các nhiệm kỳ đều chủ trương giữ gìn và phát huy cao độ những giá trị văn hóa, con người mang tính đặc trưng của nhân dân Thành phố để tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng Thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Đó là bài học về sức dân: “Không có nhân dân Sài Gòn – Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh anh hùng thì Đảng bộ Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh không thể tồn tại và phát triển, không có những thắng lợi to lớn vừa qua và hôm nay”./.