(Baonghean) - Báo Nghệ An trò chuyện với Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo Ưu tú (PGS.TS.NGƯT) Nguyễn Công Khanh, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Trường Đại học Vinh về bài học lịch sử và ý nghĩa thực tiễn của Cao trào Xô viết 1930 - 1931.
Phóng viên: Thưa PGS Nguyễn Công Khanh, Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh để lại rất nhiều bài học lịch sử quý giá. Theo ông, ở thời điểm hiện nay những bài học lịch sử nào gắn với thực tiễn rõ nhất?
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Công Khanh: Theo tôi, bài học lớn nhất là sự khẳng định quyền và năng lực lãnh đạo của Đảng ta.
Khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị đàn áp và thất bại vào ngày 9/2/1930, giai cấp tư sản buông bỏ ngọn cờ lãnh đạo phong trào yêu nước. Cũng vào thời điểm này, Đảng ta vừa ra đời đã cầm lấy ngọn cờ đó và lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ta. Khi quần chúng đang mê ngủ thì bằng Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, các lời kêu gọi, các tài liệu tuyên truyền cổ động... Đảng đã thức dậy quần chúng, lãnh đạo quần chúng lên đài chính trị lịch sử để đấu tranh thì đảng viên là người đi đầu. Khi bị kẻ thù ném bom, xả súng liên thanh đàn áp thì đảng viên cũng là người hy sinh đầu tiên. Đảng khẳng định rất rõ không chỉ quyền mà là năng lực lãnh đạo trong thực tế để quần chúng tin vào Đảng. Do đó, bài học về năng lực lãnh đạo thể hiện qua thực tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Bài học thứ hai là về vấn đề chính quyền. Bây giờ, người Việt Nam ta đã rất quen với từ "Xô viết", từ này trong tiếng Nga có nghĩa là "Hội đồng". Trong Cao trào cách mạng 1905 - 1907 của công nhân Nga hồi đầu thế kỷ XX, những người công nhân trên chiến lũy Mát-xcơ-va thành lập các "Xô viết", một hình thức như hội đồng tự quản, sau đó sống lại trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới Tháng Hai năm 1917. Luận cương Tháng Tư năm 1917 của V.I. Lênin khẳng định đó là hình thức chính quyền mà giai cấp công nông cần phải có sau khi lật đổ ách áp bức của tư sản, địa chủ phú nông.
Vào giữa năm 1930, khi nổi dậy lật đổ chính quyền thực dân phong kiến, ở Nghệ An và Hà Tĩnh, hình thức quản lý theo kiểu “xã bộ nông”, “thôn bộ nông”. Theo tư tưởng và cách gọi của Cách mạng Tháng Mười thì đó là Xô viết nên những người cộng sản lãnh đạo phong trào gọi đó là Xô viết. Mặc dù hình thức chính quyền sơ khai đó chỉ tồn tại khoảng 5 tháng, nhưng mô hình đó đã làm được những việc mà thể hiện trong tương lai chuyên chính công nông cần phải thực hiện. Do đó, Xô viết Nghệ Tĩnh là bài học có ý nghĩa về thành lập mô hình chính quyền, quản lý chính quyền mà sau này cuộc Cách mạng Tháng Tám cần phải có.
Một vấn đề nữa, đó là bài học về liên minh công nông. Những ai đi qua “Địa chỉ đỏ” Ngã ba Bến Thủy đều thấy một cụm tượng đài rất đẹp, dựng tại nơi diễn ra sự kiện ngày 1/5/1930 hàng trăm công nhân Nhà máy Diêm Cưa cùng với hàng ngàn nông dân tập hợp đấu tranh. Cụm tượng đài này, cùng với bài học thứ hai nói trên cũng có ý nghĩa nhắc nhở chúng ta về bài học liên minh công nông, phải biết đưa ra các chính sách có lợi cho nhân dân mà trước hết là nông dân.
Tại Nghệ An đang diễn ra tốc độ đô thị hóa mạnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh về phía công nghiệp, dịch vụ. Thời gian qua, Nghệ An là địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khá mạnh. Đời sống và thu nhập của công nhân tương đối ổn. Đó cũng chính là phát huy được bài học về sự quan tâm, coi trọng quần chúng, coi trọng khối liên minh các lực lượng cách mạng.
Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư, theo ông, nguyên nhân nào mà Phong trào 1930 - 1931 đạt đến đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, trong đó chủ yếu là ở Nghệ An, mà không phải là nơi nào khác?
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Công Khanh: Đã có nhiều công trình nghiên cứu tìm hiểu về nguyên nhân khách quan và chủ quan của phong trào này. Đây là thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 diễn ra và thực dân Pháp trút gánh nặng lên đầu người dân thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Ách áp bức bóc lột của thực dân và phong kiến đè nặng, cùng với đó là cuộc khủng bố trắng sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái, nhân dân Việt Nam bị đè nén đến tận cùng. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng ta chính là người cầm lái con thuyền cách mạng mà Phong trào 1930 - 1931, đỉnh cao là Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh là ghềnh thác đầu tiên.
Phong trào 1930 - 1931 phát triển ở cả nước nhưng bùng lên mạnh mẽ và thành đỉnh cao ở Nghệ An và Hà Tĩnh, bởi người dân xứ Nghệ giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Xứ Nghệ là quê hương của nhiều người con ưu tú của dân tộc từ xưa tới nay, đặc biệt là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Tại Nghệ An, nhiều tổ chức cách mạng, đặc biệt là có cơ quan lãnh đạo Xứ ủy và các chi bộ cộng sản đầu tiên của Đảng. Cùng với đó, Thị xã Vinh lúc bấy giờ có Trường Thi và Bến Thủy là nơi có nhiều cơ sở công nghiệp xuất hiện sớm, lực lượng công nhân khá đông và tập trung. Khi Đảng kêu gọi tranh đấu thì Nghệ An phất cờ đầu tiên. Đó là sự thực lịch sử và cũng là lựa chọn lịch sử.
Phóng viên:Xin Phó Giáo sư cho biết mối quan hệ giữa Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh với Cách mạng Tháng Tám năm 1945?
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Công Khanh: Theo các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác thì "vấn đề cơ bản của cách mạng là vấn đề chính quyền". Quá trình chuẩn bị cho giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám của Đảng diễn ra suốt trong 15 năm, qua nhiều cuộc diễn tập. Bài học chuẩn bị, "tập dượt" là tối quan trọng. Trước hết là diễn tập vai trò lãnh đạo của Đảng, phải có phương pháp đúng, phải nhận định thời cơ và cách chớp lấy thời cơ, tổ chức lãnh đạo phong trào. Đó là diễn tập hình thành liên minh công nông cùng lên đường tranh đấu, diễn tập hình thành mặt trận thống nhất tranh đấu, bài học về vấn đề thời cơ cách mạng... Do đó, phong trào 1930 - 1931 đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh xứng đáng là cuộc tổng diễn tập đầu tiên, toàn diện.
Phóng viên:Là một chuyên gia nghiên cứu về lịch sử thế giới, ông có thể cho biết đánh giá của dư luận và giới nghiên cứu quốc tế về Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh?
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Công Khanh: Thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh diễn ra đúng vào thời kỳ thoái trào của cách mạng ở châu Âu. Ngược lại, ở châu Á, khu vực mà chủ nghĩa thực dân tăng cường bóc lột thì mâu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn dân tộc tăng lên, dẫn đến cao trào nổ ra ở một số nơi. Các nhà nghiên cứu lịch sử thế giới hiện đại (lấy năm 1917 là mốc mở đầu), nhất là các nhà nghiên cứu của Liên Xô (nay là Liên bang Nga), họ rất lưu tâm những người đi đầu truyền bá tư tưởng Lênin về Việt Nam quê ở Nghệ An. Đáng quan tâm hơn là Nguyễn Ái Quốc - người Việt Nam đầu tiên gặp Luận cương Lênin và coi đây là con đường của cách mạng Việt Nam. Rồi ở một xứ sở lạc hậu xa xôi, giao thông liên lạc cách trở, mà đã nổ ra phong trào cách mạng và lấy tên gọi Xô viết đặt tên cho hình thức chính quyền mới của mình.
Chúng ta nhớ lại rằng khi mới ra đời, Đảng ta chưa được Quốc tế Cộng sản chính thức công nhận. Chỉ khi diễn ra Xô viết Nghệ Tĩnh thì Quốc tế Cộng sản công nhận ngay Đảng ta là một Chi bộ của mình.
Với các nhà lịch sử theo ý thức hệ tư bản chủ nghĩa, trong đó có các nhà nghiên cứu ở Pháp, họ đặt vấn đề quan tâm đến khía cạnh tại sao mạng lưới thực dân và triều đình Huế phải điều động lực lượng quy mô, hiện đại, phải dùng đến máy bay để đàn áp phong trào. Cùng với đó, qua các bài báo đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc, thông tin và ý nghĩa của sự kiện được thế giới biết rõ hơn. Và càng ngày thì càng sáng rõ qua hoạt động nghiên cứu, trao đổi, giao lưu với giới sử học trong và ngoài nước. Đồng thời, qua thực tế nghiên cứu, qua hệ thống hiện vật lưu giữ ở Bảo tàng Xô viết và hệ thống di tích lịch sử, Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh là đối tượng nghiên cứu được quan tâm.
Xô viết Nghệ Tĩnh đã đi vào lịch sử dân tộc và nhân loại. Chúng ta đã quen với các cụm từ “Quê hương Xô viết”, “Hào khí Xô viết Nghệ Tĩnh”, “Tiếng trống Xô viết”... điều đó nói lên rằng tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh bất tử, trường tồn. Khi Đảng ra đời và kêu gọi đấu tranh, người Nghệ An đã phất ngọn cờ đầu. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần tiếp tục giương cao tinh thần đó.
Phóng viên:Xin trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!
Ngô Kiên (Thực hiện)