(Baongehan) - Hồi đi học, mình "nổi tiếng" là đội viên, đoàn viên gương mẫu vì luôn hăng hái tham gia vào các hoạt động trong và ngoài trường. Nhất là mỗi độ hè về, mình thường xuyên tham gia sinh hoạt hè tại nhà văn hoá khối và là thành viên "cứng" của đội văn nghệ Hoa phượng đỏ. Cũng vì vậy nên các anh chị đoàn viên ở khối, phường ai nấy đều biết mặt, biết tên mình.

Bẵng đi một thời gian, mình đi học đại học rồi trở về công tác tại một cơ quan ở địa phương. Tình cờ có dịp gặp lại anh bí thư xưa, hỏi vui rằng anh có còn làm quản ca, dạy múa cho đội văn nghệ Hoa phượng đỏ nữa không, hay là chuyển sang công tác ở vị trí mới rồi. Thoáng trên mặt anh một nụ cười buồn:

- Anh vẫn vậy, nhưng không biết sắp tới đây khi hết tuổi Đoàn thì anh sẽ làm gì, đi đâu...Các bạn đoàn viên trẻ tuổi sau này không thiếu, nhiệt huyết tràn trề, mà anh không chịu "trưởng thành" thì kể ra cũng thiệt thòi cho các bạn. Đó là chưa nói, anh bây giờ và anh mà em từng biết trước kia, không chỉ có sự khác biệt về tuổi tác. Sự nhiệt thành, sức trẻ, sức sáng tạo và cả khả năng hoà đồng với lứa tuổi thanh, thiếu niên,... không có gì là không thay đổi theo thời gian...

Nghe anh chia sẻ, mình cũng cảm thấy buồn theo, bởi đây không phải là hoàn cảnh của riêng anh mà là tình trạng đã và đang xảy ra với không ít cán bộ Đoàn ở các cấp cơ sở. Nhiều anh, chị mặc dù đã gần hết tuổi Đoàn, thậm chí là không còn nằm trong ngưỡng tuổi Đoàn viên nữa, vẫn không có quy hoạch cụ thể để tiếp tục công tác ở các vị trí khác trong hệ thống chính trị. Hay nói cách khác là, không thể "trưởng thành" dù đã đến tuổi hay quá tuổi.

Tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy? Tất nhiên không thể không ghi nhận những khó khăn khách quan trong công tác bố trí nhân sự ở địa phương. Nhưng về mặt chủ quan, có một phần trách nhiệm thuộc về cấp uỷ, chính quyền nơi các Đoàn viên đó sinh hoạt. Bởi, quy hoạch nhân sự không phải một sớm một chiều mà là một quá trình đòi hỏi sự theo dõi, quan tâm, chỉ đạo sát sao ngay từ rất sớm của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Một khi đã định hướng, xác định được những hạt nhân, nguồn lực tương lai cho hệ thống chính trị, phải xây dựng lộ trình bài bản, cụ thể để những "viên ngọc thô" ấy được mài giũa, ngày càng hoàn thiện những phẩm chất, năng lực cần thiết để tiếp tục có vai trò, đóng góp to lớn hơn nữa cho bộ máy chính trị và toàn xã hội.

Mình nhìn người cán bộ Đoàn trước mắt, thời gian đã bắt đầu in dấu trên khuôn mặt nhưng có lẽ điều làm người ta khắc khoải nhất là những nỗi niềm hiện lên trong mắt anh. So với một đời người, anh vẫn còn trẻ nhưng so với lứa tuổi thanh niên, so với các em thanh thiếu nhi thì quả thực, anh bây giờ như người chạy đến cuối đường đua dài và đôi chân đã chùng nhịp. Có lẽ với những kinh nghiệm của mình, anh sẽ có thể đóng góp nhiều hơn, tích cực hơn khi được làm những việc phù hợp hơn với lứa tuổi, năng lực và nguyện vọng của mình.

Ai rồi cũng phải trưởng thành, đó là một chân lý không chỉ có giá trị trong cuộc sống bình thường mà còn trong cả quá trình hoàn thiện bản thân, cống hiến cho xã hội của mỗi người. Đó không chỉ là "quả ngọt", là sự khẳng định và ghi nhận đối với chặng đường ta đi qua, khích lệ động viên trên chặng đường sắp tới với những mục tiêu mới. Đó còn là chân lý của sự kế thừa và tiếp nối, để lý tưởng cống hiến lan toả và được lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác, tất cả vì một xã hội tươi đẹp hơn.

Thục Anh