(Baonghean) - Thông qua đơn thư công dân phản ánh tình trạng khai thác trái phép khoáng sản xảy ra trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, tháng 9/2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT thành lập đoàn liên ngành kiểm tra xác minh. Qua kiểm tra, việc phản ánh là có thật.
Kiểm tra, ra vi phạm
Thông tin về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép xảy ra ở huyện Quỳ Hợp được gửi đến UBND tỉnh qua những lá đơn nặc danh. Dù là đơn nặc danh nhưng nêu cụ thể 10 vị trí xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn Quỳ Hợp, vậy nên UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý.
Từ ngày 20 - 22/9/2016, qua kiểm tra các vị trí nêu tại đơn, đoàn liên ngành đã phát hiện có 3 vị trí gồm khu vực bản Kèn và khu vực Thung Khặng (xã Châu Lộc); khu vực dốc đất đỏ bản Na (xã Liên Hợp) có những dấu hiệu hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. 7 vị trí còn lại (là những khu vực trước đây có hoạt động khai thác khoáng sản), tại thời điểm đoàn thực hiện kiểm tra không có các dấu hiệu thể hiện việc khai thác trái phép.
Theo các tài liệu chúng tôi có được, vào ngày 21/9, đoàn thị sát khu vực dốc đá đỏ bản Na, có những dấu hiệu hoạt động khai thác trái phép đá xây dựng; thể hiện hoạt động khai thác chủ yếu cưa cắt đá bằng dây kim cương. Tại hiện trường, đoàn phát hiện có các thiết bị phục vụ hoạt động khai thác đá xây dựng. Các dấu hiệu và vật dụng phát hiện được cho thấy, hoạt động khai thác trái phép mới dừng lại trước khi đoàn đến.
Chưa hết, kiểm tra khu vực liền kề với nơi khai thác trái phép còn có 1 căn nhà cấp 4 và các vật dụng, phương tiện cần thiết cho sinh hoạt, ăn ở của công nhân và có một người đang ở tại đây. Đoàn đã lập biên bản; yêu cầu UBND xã Liên Hợp vận chuyển toàn bộ tang vật về trụ sở để niêm phong, quản lý tang vật; thực hiện chặt chẽ việc quản lý giám sát khu vực xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép…
Việc kiểm tra tại xã Châu Lộc được thực hiện trong ngày 22/9. Ghi nhận tại khu vực bản Kèn, việc khai thác đã diễn ra một thời gian dài và có quy mô công nghiệp. Bởi ở đây có đường vận tải được xây dựng chắc chắn kết nối với đường liên xã đến moong khai thác; dưới nhà dân có 3 máy xúc đang tập kết; có hai vị trí khai thác với 2 độ cao khác nhau. Tại khai trường còn có 4 máy nén khí, hàng trăm mét dây, ống sắt mạ kẽm phục vụ dẫn nước, các dụng cụ và phương tiện khác phục vụ cho hoạt động khai thác; có 2 lán trại và vật dụng phục vụ sinh hoạt và ăn ở cho công nhân.
Vào hồi 14h ngày 22/9, đoàn kiểm tra tại khu vực Thung Khặng phát hiện có 2 vị trí có hoạt động khai thác trái phép. Cũng tại xã Châu Lộc, tiếp tục kiểm tra Thung Kền Kền (ngoài vị trí đơn thư phản ánh), đoàn còn phát hiện có hoạt động khai thác đá xây dựng trái phép.
Cũng như tại xã Liên Hợp, ở xã Châu Lộc, ngay tại các khu vực có xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, đoàn liên ngành đã lập biên bản; yêu cầu chính quyền xã tạm giữ, vận chuyển các tang vật về trụ sở thực hiện việc niêm phong quản lý để xử lý theo quy định của pháp luật, và thực hiện quản lý chặt chẽ hiện trường, không để tái diễn tình trạng khai thác trái phép…
Hai Chủ tịch xã nhận kỷ luật
Với kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành, ngày 1/10/2016, UBND tỉnh đã có Công văn 7653 về việc xử lý kết quả kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Tại Công văn số 7.653, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT và huyện Quỳ Hợp chỉ đạo các đơn vị cơ quan trực thuộc tăng cường quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp, không để xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc được giao rừng và đất lâm nghiệp để khai thác khoáng sản trái phép; giao huyện Quỳ Hợp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi khai thác khoáng sản trái phép (nếu có hành vi vi phạm hình sự thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật)…
Bên cạnh đó, chỉ đạo huyện Quỳ Hợp tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với các cán bộ công chức có liên quan của hai xã Liên Hợp và Châu Lộc!.
Theo tìm hiểu, sở dĩ có việc UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cán bộ có liên quan của hai xã Châu Lộc, Liên Hợp là bởi trước khi đoàn liên ngành thực hiện nhiệm vụ một thời gian, UBND tỉnh từng chỉ đạo huyện Quỳ Hợp tổ chức kiểm tra làm rõ nội dung đơn thư phản ánh. Dù huyện Quỳ Hợp đã thành lập đoàn liên ngành phối hợp với chính quyền các địa phương để kiểm tra nhưng không phát hiện được vi phạm!.
Được biết, sau khi tiếp nhận được Công văn số 7653, huyện Quỳ Hợp đã thực hiện việc kiểm điểm các cán bộ có liên quan của hai xã Châu Lộc và Liên Hợp. Và sau đó, đã thực hiện kỷ luật đối với hai vị Chủ tịch UBND xã Châu Lộc và Liên Hợp. Với Chủ tịch UBND xã Liên Hợp là ông Lô Thanh Đồng bị hình thức kỷ luật khiển trách; còn Chủ tịch UBND xã Châu Lộc, là ông Nguyễn Duy Hưng thì bị hình thức kỷ luật là nhắc nhở rút kinh nghiệm!.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chưa đánh giá về hình thức kỷ luật của UBND huyện Quỳ Hợp đối với hai Chủ tịch UBND xã nêu trên. Theo Điểm 2, Điều 81 (trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của UBND các cấp) của Luật Khoáng sản nêu rõ UBND cấp huyện, UBND cấp xã ngoài việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản thì thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản; đồng thời, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền.
Theo quy định của luật, vai trò chức trách nhiệm vụ của chính quyền cấp huyện, cấp xã đối với công tác quản lý khoáng sản là rất rõ ràng. Có vai trò trách nhiệm nhưng không hoàn thành chức trách nhiệm vụ; đã vậy, khi có đơn thư công dân phản ánh lại không xử lý đến nơi đến chốn, nên việc UBND tỉnh chỉ đạo huyện Quỳ Hợp kiểm điểm và xử lý kỷ luật các cán bộ có liên quan của hai xã Liên Hợp và Châu Lộc là đúng đắn và cần thiết.
Trong nhiều năm qua, dù công tác quản lý khoáng sản đã được đề cao, nhưng trên thực tế vẫn tồn tại những bất cập, hạn chế như ô nhiễm môi trường, khai thác trái phép… Một trong những nguyên nhân chính yếu cần khẳng định là do chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa làm tròn vai trò chức trách nhiệm vụ; thậm chí, không loại trừ còn có một số địa phương, cơ sở buông lỏng công tác quản lý, tiếp tay cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép. Vì vậy, việc kiểm tra xác minh làm rõ đơn thư do UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tại hai xã Châu Lộc và Liên Hợp thực sự là bài học để các chính quyền địa phương cơ sở nhìn nhận lại vai trò quản lý của mình./.
Hà Giang