(Baonghean) - Một điều vô cùng bất ngờ đối với người Việt chúng ta tại lễ khai mạc thế vận hội mùa đông Olympic Sochi 2014 vừa diễn ra vừa qua tại Nga, đó là việc có 3 nước ở khu vực Đông Nam Á và một số quốc gia châu Phi nóng bỏng có các vận động viên tham dự. Vậy, khi nào lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam chúng ta mới có dịp tung bay trên làng Olympic ở thế vận hội mùa đông? Đó là câu hỏi không dễ trả lời...

Thế vận hội mùa đông được tổ chức 4 năm một lần, là đại hội thể thao dành riêng cho các môn thể thao mùa đông. Vì thế, Olympic mùa đông không có truyền thống lâu đời bằng thế vận hội mùa hè (lần đầu tiên tổ chức thế vận hội mùa đông là năm 1924 tại Chamonix, Pháp), và cũng hạn chế về số quốc gia tham dự (chủ yếu do điều kiện thời tiết, khí hậu). Ngoài thi đấu các môn thể thao để tranh chấp những tấm huy chương vàng, bạc, đồng, việc tham dự các kỳ đại hội Olympic còn có ý nghĩa giới thiệu hình ảnh quốc gia đến với bạn bè quốc tế trên con đường hội nhập và phát triển. Ngoài ra, nó còn thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc trên thế giới như ý nghĩa mà phong trào Olympic mang lại. Điều này thể hiện rõ ở trong lễ khai mạc Olympic Sochi 2014 vừa qua, có sự xuất hiện rất nhiều chính khách đứng đầu các cường quốc như Tổng thống Vladimir Putin của nước chủ nhà, Barack Obama - Tổng thống Mỹ, Tập Cận Bình - Chủ tịch Trung Quốc...
images927927_140208_olympic_sochi_21.jpgKhai mạc Olympic Sochi 2014.
Sau lễ khai mạc Olympic vừa qua, nhiều người quan tâm đến thể thao nước nhà rất bất ngờ khi một số quốc gia không có điều kiện khí hậu thuận lợi để phát triển các môn thể thao mùa đông nhưng vẫn có vận động viên tham dự. Đó là sự xuất hiện vận động viên các nước ở khu vực Đông Nam Á như: Thái Lan, Philippines, Đông Timor - một đất nước còn khá non trẻ và cũng không phải có thế mạnh về thể thao (ngay cả ở “ao làng” Sea Games họ cũng không phải là đối thủ của chúng ta trong hầu hết các môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic). Phải chăng, các nước trên, họ có chiến lược phát triển thể thao tốt hơn chúng ta? Và sự quan tâm của Ủy ban Olympic đến đâu khi mà trên website chính thức của họ trong ngày hôm qua (11/2) vẫn chỉ đưa những thông tin đã diễn ra từ rất lâu rồi như: Lễ bế mạc SEA Games 27: Lời tạm biệt của Myanmar, và nếu có đưa tin về Olympic thì cũng chỉ là thông tin bên lề về công tác chuẩn bị... Chừng đó là quá chủ để thấy mức độ quan tâm của họ đối với phong trào Olympic mùa đông. Nhưng nói cho cùng thì các môn thi đấu ở thế vận hội mùa đông cũng đang rất xa lạ với chúng ta, việc đầu tư xây dựng các sân băng đủ tiêu chuẩn để thi đấu cũng như tập luyện dường như là một điều gì đó quá xa xỉ. Còn gửi các vận động viên có năng khiếu trên sân băng đi đào tạo, tập huấn ở nước ngoài thì lại là điều không thể bởi vì làm sao mà tuyển chọn được họ trong khi ở nước ta chỉ có một vài sân băng chủ yếu phục vụ cho vui chơi giải trí là chính. Còn sân băng lớn nhất Việt Nam hiện nay được cho là của Đại học FPT (Hà Nội) thì cũng nhằm phục vụ cho việc rèn luyện thể thất của giảng viên và sinh viên của trường...
 
Nhưng nếu cứ vin điều kiện thời tiết, hay điều kiện kinh tế mà không có vận động viên tham dự Olympic mùa đông thì cũng không mấy thuyết phục. Thứ nhất, các nước như Thái Lan, Philippines, Đông Timor đều nằm ở khu vực Đông Nam Á, khí hậu của họ gần giống với chúng ta, đó là chưa muốn nói họ nóng hơn. Còn các nước Châu Phi thì sao, lục địa đen này nằm trọn trong vùng khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ trung bình luôn rất cao thế mà lá cờ của họ vẫn tung bay trên làng Olympic. Còn về vấn đề kinh tế, mỗi năm chúng ta đầu tư rất nhiều tiền cho thể thao, nhưng chủ yếu vẫn là đầu tư cho sea Games với hàng trăm vận động viên tham dự. Mà sea Games thì vẫn mãi là “ao làng” được thế giới đánh giá là thể thao vùng trũng với muôn vàn những bất cập từ khâu tổ chức các môn thi, mặc cả huy chương, trọng tài... Tất nhiên, chúng ta cũng vẫn cần thi đấu ở SEA Games bởi vì cũng giống như tinh thần của olympic, thể thao luôn là cầu nối văn hóa, tinh thần đoàn kết, hữu nghị... giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ. 
 
Nhiều quốc gia đến với Olympic Sochi 2014 không đặt nặng vấn đề thành tích mà để thể hiện tinh thần đoàn kết và hội nhập. Đã đến lúc thể thao Việt Nam cũng cần phải thể hiện tinh thần này. Hi vọng, sự xuất hiện của các quốc gia trong khu vực là động lực để thúc đẩy thể thao Việt Nam và một ngày nào đó, lá cờ đỏ sao vàng của chúng ta tung bay trên làng Olympic mùa đông!!?
 
Cảnh Nam