(Baonghean) - Những việc làm sai trái do một số giáo dân quá khích gây ra ở Nghi Phương (Nghi Lộc) tạo nên dư luận bức xúc về sự coi thường kỷ cương phép nước. Để sớm đưa ra ánh sáng những kẻ có hành vi vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng đã ra các quyết định khởi tố các vụ án hình sự, điều tra, mở rộng vụ án…

>>Bài 1: Sóng gió đi qua, xót xa ở lại…

>>Bài 2: Có hay không việc công an chặn đường giáo dân đi lễ?

>>Bài 3: Những sám hối muộn màng

Những hành vi gây rối trật tự, giữ người trái pháp luật, cố tình gây thương tích, phá hoại tài sản công dân; 

Video clip: SỰ THẬT VỀ VỤ GÂY RỐI NGÀY 22/5/2013 Ở GIÁO XỨ MỸ YÊN
Tập 4: Sự nghiêm minh của pháp luật

những trận mưa đá công khai dội vào trụ sở UBND xã, nhằm vào những người thi hành công vụ; sự bất chấp những nỗ lực phân tích, giải thích của các cấp chính quyền, những giáo dân quá khích tự cho mình quyền đứng trên pháp luật đã gây nên sự bất bình, phẫn nộ trong dư luận. Trong một nhà nước pháp quyền, mọi công dân đều phải bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, nam nữ, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Những hành vi vi phạm pháp luật của một số chức sắc, giáo dân gây ra vào các ngày 22/5/2013, 30/8/2013 và 3, 4/9/2013 trên địa bàn xã Nghi Phương (Nghi Lộc) phải được xử lý nghiêm, bảo đảm tính thượng tôn, sự nghiêm minh của pháp luật.

Chính sự coi thường pháp luật của một số chức sắc, giáo dân mà cuộc sống yên bình ở xã Nghi Phương (Nghi Lộc) đã bị phá vỡ. Thời gian trôi đi, nỗi đau thân thể rồi sẽ liền da, nhưng những sang chấn về tinh thần sẽ còn đọng mãi. Sợi dây tình cảm “tối lửa tắt đèn” gắn kết xóm làng, không kể lương – giáo giờ trở nên mong manh trước những hành động, lời lẽ quá khích của một số giáo dân Giáo xứ Mỹ Yên.
 
Sau sự việc những đối tượng quá khích hô hoán, kích động đám đông bao vây, chặn đánh các chiến sỹ công an đang đi làm nhiệm vụ và đốt phá nhà anh Đậu Văn Sơn – Xã đội trưởng xã Nghi Phương vào đêm 22/5/2013, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố và ra quyết định bắt các bị can đối với Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải. 
 
images849433_tg.jpgTừ trái qua: * Quyết định khởi tố vụ án hình sự ngày 22/5/2013. * Lệnh bắt tạm giam bị can Ngô Văn Khởi. * Lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Hải.
Tại cơ quan công an, bị can Nguyễn Văn Hải đã thành khẩn: “Tôi bị cơ quan điều tra khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng.Tôi thấy hành vi của tôi làm là quá sai rồi. Tôi cảm thấy tôi bị bắt là đúng”. Trong thời gian tạm giam, bị can Hải đã 2 lần gửi thư về gia đình “khuyên răn gia đình và anh em họ hàng đừng theo họ làm như vậy mà ảnh hưởng đến pháp luật. Cố gắng nhìn nhận cả về ý đúng và sai”. Bị can Hải cũng mong “pháp luật khoan hồng, giảm bớt hình phạt”, và hứa “tôi sẽ sửa chữa, không bao giờ tham gia một cái dại ra ri nữa”.
 
Thừa nhận tham gia vào sự việc diễn ra ngày 22/5/2013 ở Trại Gáo, tại cơ quan điều tra, bị can Ngô Văn Khởi nói “đó là việc làm sai trái, hậu quả rất nghiêm trọng và rất ân hận, là bài học cho bản thân cũng như dạy cho con cháu”. Bị can Khởi cũng nhắn gửi với vợ con, gia đình “trong lời nói cũng như hành động, đừng làm những việc sai trái với pháp luật”.
 
Trong khi các bị can thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật và tỏ ra ăn năn, hối lỗi mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật thì tại cuộc làm việc với đại diện Công an tỉnh, Giám mục Nguyễn Thái Hợp lại cố tình cho rằng các bị can Hải và Khởi vô tội. Cũng từ “nhận thức” sai trái của vị “chủ chăn” đã khiến cho những lời ăn năn, hối cải và cả lời khuyên gửi về gia đình, người thân của hai bị can Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải vẫn không đủ cảnh tỉnh một số giáo dân quá khích ở Giáo xứ Mỹ Yên để họ chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật. Liên tiếp sau đó, tại xã Nghi Phương đã diễn ra nhiều vụ việc, sự kiện đều xuất phát từ yêu sách “đòi thả hai bị can Hải và Khởi”.
 
Bắt đầu là vụ hàng trăm giáo dân gây rối tại trụ sở UBND xã ngày 30/8; tiếp đến ngày 3/9/2013 hàng trăm giáo dân đã bao vây, giữ người trái pháp luật tại trụ sở UBND xã và ép Chủ tịch UBND xã ký vào Giấy cam kết đề nghị công an tỉnh “thả người trước 16 giờ ngày mai (4/9/2013)”. Có được cái gọi là giấy cam kết này, ngày 4/9/2013, những giáo dân quá khích ở Giáo xứ Mỹ Yên lại tiếp tục đến trụ sở UBND xã để “đòi người”. Mặc dù được sự khuyên ngăn của các lực lượng chức năng và biết rằng tờ giấy cam kết được ký vào ngày 3/9/2013 là không có giá trị pháp lý, nhưng số đông giáo dân quá khích vẫn hung hãn chửi bới và ném đá vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ bảo vệ trụ sở UBND xã Nghi Phương... 
 
Để nghiêm trị những hành vi vi phạm pháp luật, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Nghệ An đã ra các quyết định khởi tố các vụ án hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, giữ người trái pháp luật và chống người thi hành công vụ xảy ra trong các ngày 30/8, 3/9, 4/9/2013 ra tại xã Nghi Phương.
 
Nếu biết được những sự việc này, chắc rằng các bị can Hải và Khởi càng xót xa, ân hận về những việc làm sai trái, vướng vòng lao lý, để rồi người thân và một số giáo dân quá khích ở nhà đã mù quáng nghe theo lời kích động đi “đòi người”, tiếp tục có những hành vi vi phạm pháp luật.
 
Nhận định về những hành vi phạm tội của hai bị can Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải, Luật sư Nguyễn Trọng Hải-Trưởng Văn phòng luật sư Trọng Hải và cộng sự cho biết: Việc bắt tạm giam hai đối tượng Hải và Khởi đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Tại cơ quan điều tra, Hải và Khởi cũng đã thừa nhận hành vi của mình và mong muốn nhận sự khoan hồng. Đối với hành vi phạm tội của Hải và Khởi, khi vụ án được đưa ra xét xử, các đối tượng có thể chịu hình phạt cao nhất là 7 năm tù giam. Tuy nhiên, với sự ăn năn hối cải và thành khẩn khai báo trong quá trình điều tra thì các đối tượng sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 của Bộ luật Hình sự để giảm một phần hình phạt và thể hiện sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta.
 
Pháp luật Việt Nam cũng quy định: “Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật”, “Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội. Nghiêm trị người chủ mưu cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố, chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội…”. 
 
Sự việc xảy ra vào tối ngày 22/5/2013 tại Giáo xứ Mỹ Yên không chỉ có hai bị can Hải và Khởi mà còn có nhiều kẻ quá khích khác trực tiếp tham gia và cũng có cả những kẻ chủ mưu đứng phía sau xúi giục. Rồi đây, không chỉ 2 bị can Khởi và Hải phải đối mặt với những bản án nghiêm khắc của pháp luật, mà sẽ còn có thêm những bị can khác sẽ bị khởi tố về những hành vi vi phạm pháp luật trong các ngày 22/5/2013, ngày 30/8/2013, ngày 3 và 4 tháng 9 năm 2013 trên địa bàn xã Nghi Phương.
 
Khi các bản án được đưa ra, những đối tượng vi phạm pháp luật sẽ không thể trông đợi vào những lời rao giảng, kích động đi “đòi người” hay “hiệp thông sâu sắc” của một số linh mục quá khích, mà phải cải tạo cho tốt để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm trở về với gia đình, làm người có ích cho xã hội.
 
- Điều 235 BLHS quy định về Tội gây rối trật tự công cộng:
 
 1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
 
 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách; b) Có tổ chức; c)Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; d) Xúi giục người khác gây rối; đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; e) Tái phạm nguy hiểm. 
 
- Điều 123 BLHS quy định về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật:
 
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với người thi hành công vụ; d) Phạm tội nhiều lần; đ) Đối với nhiều người.
 
3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
 
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
 
- Điều 257 BLHS quy định về Tội chống người thi hành công vụ:
 
“1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm : a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần;c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; d) Gây hậu quả nghiêm trọng;đ) Tái phạm nguy hiểm”.

Nhóm PV