(Baonghean) - Từ vụ đình công ở Công ty may Prex Vinh- một doanh nghiệp của Hàn Quốc tại Nghệ An, chúng tôi đã đến tìm hiểu môi trường làm việc  ở một doanh nghiệp may Hàn Quốc khác là Công ty may Haivina Kim Liên và thấy nơi đây có nhiều điều doanh nghiệp Việt Nam cũng nên học tập.

>>Bài 1: Cần tăng cường đối thoại nơi làm việc

6h20 sáng 20/7, tôi có mặt ở cổng Nhà máy  Haivina Kim Liên tại cụm công nghiệp Nam Giang, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, đã thấy từng đoàn công nhân đi xe máy từ các ngả đường Nam Đàn, Hưng Nguyên hướng về nhà máy. Điều ngạc nhiên là tại cổng nhà máy, Tổng Giám đốc ông Kim Tae Hyung và các cộng sự người Hàn Quốc cũng đã có mặt. Quan sát, chúng tôi nhận thấy cứ mỗi tốp công nhân bước vào cổng là Tổng Giám đốc cùng các cộng sự và người lao động đều cúi chào nhau thân thiện. Theo nhiều công nhân ở đây cho biết, nét văn hóa này đã thực hiện từ lâu ở Haivina Kim Liên, bất kể buổi sáng nào, thời tiết như thế nào. Đúng 7h, cổng nhà máy đã đóng lại, tất cả tập hợp dưới sân và tập bài thể dục ngắn 8 động tác, rồi mới bắt tay vào làm việc.

799683_small_101683.jpg

Giám đốc và người quản lý Hàn Quốc chào công nhân vào mỗi buổi sáng.

Chị Võ Thị Lệ Hằng - công nhân nhà máy đến từ xóm Đông Sơn - Hùng Tiến - Nam Đàn cho hay: Mặc dù qui định 7h làm việc nhưng chị và các công nhân khác đều đến nhà máy trước 7h. Bởi cất xe máy, và đồ dùng cá nhân, tập thể dục, dọn dẹp bàn làm việc thật sạch sẽ… cũng mất ít thời gian. Vì vậy, đến sớm là đương nhiên. Nhưng nếu công nhân đến muộn 1-2 phút quẹt thẻ vào cũng không bị trừ lương. Chị Hằng đã làm ở công ty gần 2 năm, giờ chị là thơ bậc 9. Chị cho biết, những công nhân nữ có thai như chị hoặc đang nuôi con nhỏ đều được về trước 1 giờ, song không bị trừ lương. Thu nhập 1 tháng của chị như tháng 6/2013 cũng đạt 3,5 triệu đồng.

Theo hợp đồng lao động của chị với công ty: tiền lương cơ bản 2.022.400 đồng/ tháng. Ngoài ra còn tiền ăn ca một bữa 19.300 đồng, tiền xăng xe, nhà ở : 200.000 tháng, tiền thưởng chuyên cần (nếu làm đủ 1 tháng) là 80.000 đồng, nhưng mấy tháng nay chị Hằng cho biết tiền thưởng chuyên cần 1 tháng đã tăng lên 150.000 đồng.  Nếu làm thêm giờ thì tiền công được trả bằng 150% tiền lương chính.  Hầu hết ở đây việc nhiều nên công nhân đều làm thêm 2 giờ một ngày. Một ngày nghỉ trưa 1 tiếng  gồm cả ăn ca. Bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và đặc biệt bao giờ bộ phận nhà  bếp cũng phải  dành lại một phần thức ăn để phục vụ kiểm nghiệm nếu xẩy ra ngộ độc.

Trong nhà máy, công nhân được trang bị đồng phục, ca uống nước riêng, khẩu trang, sổ tay công nhân và một tủ riêng để cất đồ. Có các tủ y tế đặt sẵn bên các dây chuyền may để phục vụ công nhân.



Tủ thuốc y tế phục vu công nhân đặt ngay xưởng làm việc của
Công ty Haivina Kim Liên.

Như vậy, với  mức lương  cơ bản, cộng với tiền chuyên cần, tiền xăng xe, tiền làm thêm, tiền ăn trưa khoảng 500 ngàn (26 ngày x 19.300 đồng), thì tổng thu nhập một công nhân ở nhà máy này đạt từ 3,5 đến 4,1 triệu đồng. Đó là mức lương có thể coi là khá đối với  ngành may. Nhưng quan trọng hơn ở Công ty may Haivina Kim Liên là sự tôn trọng, môi trường làm việc thân thiện, có kỷ cương, kỷ luật, đảm bảo yêu cầu của các bên.

Tổng Giám đốc Công ty thường xuyên có mặt tại nhà máy nên các vướng mắc được giải quyết ngay. Anh Lê Văn Sơn - Chủ tịch công đoàn Công ty cho biết: “Tôi từng làm việc cho nhiều công ty, nhưng tôi thấy hiếm có nơi nào môi trường lao động và các điều kiện làm việc cho công nhân được đảm bảo như ở đây. Tiền lương của người lao động chưa bao giờ bị chậm. Công ty có thỏa ước tập thể, ký với người sử dụng lao động và đại diện của tập thể người lao động. Thỏa ước tập thể này được anh Sơn gửi xuống Liên đoàn Lao động tỉnh xin ý kiến cũng như bổ sung thêm những điều có lợi cho người lao động trước khi ban hành. Một năm, công nhân được nghỉ 12 ngày phép, 4 ngày nghỉ (chủ nhật). Nếu ai không nghỉ phép, thì sẽ tính thêm vào tiền công.

Các chế độ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đều đảm bảo. BHXH người lao động đóng 7% mức lương cơ bản, người sử dụng lao động đóng 17%. (ở nhà máy Prex Vinh: người lao động đóng 9,5% mức lương cơ bản -PV). Theo hợp đồng lao động ký giữa công ty và Người lao động: người lao động muốn chấm dứt lao động thì phải báo trước 45 ngày”.

Chị Nguyễn Thị Thủy - công nhân đến từ Nam Đàn cho biết: Cứ đúng ngày 14 hàng tháng là tiền lương đã được công ty chuyển vào tài khoản. Đi làm chuyên cần, đủ ngày thu nhập đạt trên 3 triệu đồng. Nhờ tiền lương ổn định nên ở quê cũng đảm bảo cuộc sống.

Trao đổi về việc nếu gia đình có việc riêng quan trọng nhưng nhà máy không cho nghỉ thì sao? Chị Hằng - Hùng Tiến - Nam Đàn cho biết: Do dây chuyền sản xuất liên hoàn, nếu mình nghỉ thì dây chuyền bị đứt quãng nên không cho nghỉ là đúng.  Nếu mình nghỉ thì hai công nhân cạnh mình sẽ phải đảm đương phần việc của mình rất vất vả. Người lao động cần hiểu điều này .

 Haivina Kim Liên có trụ sở chính ở Soeul Hàn Quốc, hiện đã đầu tư 3 nhà máy may ở Việt Nam, trong đó một nhà máy ở Nam Đàn - Nghệ An, tổng đầu tư 5 triệu USD. Công ty chuyên sản xuất găng tay và quần áo thể thao xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu đạt 100 triệu USD, năm 2013 kim ngạch ước đạt 120 triệu USD.  Về thuế, Cục Thuế Nghệ An cho biết: Năm 2012: Công ty đã nộp 11.850.765.449 đồng, trong đó thuế GTGT là 6,6 tỷ đồng. Năm 2013 công ty đã nộp: 4.606.630.381 đồng thuế GTGT, 1,51 tỷ đồng tiền Thuế Thu nhập cá nhân.

Trên địa bàn Nghệ An, hiện có 5/9 dự án dệt may của các doanh nghiệp Hà Quốc, thu hút gần 10.000 lao động vào làm việc. Dệt may là ngành khai thác lợi thế về lao động lớn nhất, không ảnh hưởng đến tài nguyên và đang phát triển mạnh nên Nghệ An đang chú trọng thu hút. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, ở công ty nào môi trường làm việc thuận lợi, có đủ độ hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa người sử dụng lao động và người lao động thì nơi đó phát triển ổn định, đảm bảo được các đơn hàng. Còn nơi nào có biểu hiện ngược đãi người lao động, lương quá thấp, thiếu đối thoại giữa hai bên thì dễ dẫn đến đình công, biểu tình, không tuyển được lao động.

Hiện nay, có 5 dự án  dệt may của doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Nghệ An:  Nhà máy may Haivina Kim Liên  chuyên sản xuất, gia công hàng găng tay thể thao, găng tay công nghiệp;  Nhà máy sản xuất sản phẩm da và dệt may của Công ty TNHH Prex Vinh, vốn đầu tư  11,6 triệu USD, chuyên sản xuất các sản phẩm dệt may, các loại trang phục bơi lội, các loại sản phẩm làm từ da, các trang phục phụ kiện dùng cho quần áo, sản lượng 3.000.000 sản phẩm/năm;  Nhà máy sản xuất hàng may sẵn và trang phục do Công ty TNHH Nam Sung Vina đầu tư tại Cụm công nghiệp Tháp-Hồng-Kỷ, huyện Diễn Châu, tổng mức đầu tư 7 triệu USD;  Nhà máy in thêu logo trên trang phục may sẵn do Công ty TNHH With Vina đầu tư tại Cụm công nghiệp Lạc Sơn, huyện Đô Lương, vốn đầu tư 0,5 triệu USD;  Sản xuất nhãn mác, bao bì phục vụ ngành dệt may do Chi nhánh Công ty TNHH Dea Hyun Vina tại Nghệ An đầu tư tại Cụm công nghiệp Lạc Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An (trong khuôn viên Công ty TNHH Prex Vinh), tổng mức đầu tư 70.000 USD, sản lượng 25.000.000 sản phẩm/năm.


Bài, ảnh: Hoàng Vĩnh - Châu Lan