Phóng sự điều tra
(Baonghean) - Qua trò chuyện với các nạn nhân đang ở Trung Quốc các em ai cũng muốn được giúp đỡ để trở về với bố mẹ, với bản làng. Trong những lời nói thơ ngây của các em đều cháy lên niềm hy vọng... Nhưng ai sẽ đưa các em trở về?
 
Thủ đoạn của bọn "buôn người"
 
Với diện tích hơn 16.370 km2, trong đó 3/4 là diện tích thuộc vùng miền núi, có hơn 419 km đường biên giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào, nhiều dân tộc anh em sinh sống, là địa bàn thuận lợi cho tội phạm nói chung và tội phạm về "buôn bán người" nói riêng hoạt động. Qua quá trình tiếp xúc với các nạn nhân bị lừa bán đi Trung Quốc mà Báo Nghệ An đã phản ánh, cùng với người nhà của các em, thấy rằng: Những thủ đoạn mà các đối tượng xấu thường lợi dụng là qua người quen, người nhà, hoặc qua các đầu mối trung gian để tiếp cận nạn nhân, dùng lời lẽ dụ dỗ, hứa hẹn mua cho các em giày, dép, quần áo mới, hứa trả lương cao. Khi đưa nạn nhân đi, đối tượng tìm
 
cách quản lý giấy tờ tùy thân của nạn nhân, không cho họ mang theo tiền, điện thoại hoặc tài sản có giá trị nhằm hạn chế khả năng bỏ trốn của họ. Một số đối tượng trong đường dây vốn trước đây là nạn nhân nay trở về tiến hành lừa đảo người khác. Khi đi đường, thường cho các em uống nước, ăn cơm có chứa thuốc mê, thuốc ngủ để dễ bề điều khiển. Như em Moong Thị Oanh (Hữu Kiêm - Kỳ Sơn), khi đến biên giới cho ăn cơm rồi ngủ, đến khi tỉnh dậy thấy đang đi bằng thuyền qua biên giới.
 
Nắm bắt được nhu cầu về nữ giới rất lớn ở Trung Quốc, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số phụ nữ vùng cao có mong muốn về việc làm, thu nhập cao, để lừa gạt. Để "êm chuyện", bọn chúng còn trả tiền "sòng phẳng" cho bố mẹ các em với giá khá hậu hĩnh, gọi là tiền "bán con", nhằm không bị kiện cáo.
 
 Năm 2011, Công an Nghệ An đã xử lý 7 vụ, với 12 nạn nhân, 4 tháng đầu năm 2012, xử lý 5 vụ, với 11 nạn nhân. Các nạn nhân tập trung ở các huyện: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu.
 
Các nạn nhân bị lừa đi, một số bị chúng ép đưa vào các tụ điểm bán dâm, còn lại chúng bán cho các gia đình Trung Quốc về làm vợ. Sự mất cân bằng về giới tính ở Trung Quốc khiến nhu cầu về nữ giới tăng lên, và nhiều người đàn ông Trung Quốc do nghèo hoặc bị dị tật không thể lấy vợ bên ấy, thế là họ phải mua phụ nữ Việt Nam... về làm vợ, cũng đồng nghĩa với việc số phận hẩm hiu của các "cô dâu Việt". Trường hợp 3 thiếu nữ ở bản Chắn - Thạch Giám - Tương Dương vừa mới được Công an Tương Dương và Công an Kỳ Sơn giải cứu hôm 13/4/2012, lại bị bọn chúng lại đưa vào các tụ điểm mại dâm. Hoặc như các em gái ở Đôn Phục vừa qua, gia đình đã phải đón các em từ bãi biển Xuân Thành - Hà Tĩnh, trước khi bị bọn chúng đưa sang Trung Quốc.
 
Em Moong Thị Huyền 16 tuổi, (bản Cha Lo - Mai Sơn - Tương Dương) là một nạn nhân đang ở Trung Quốc cho biết, em và một nạn nhân nữa thường bị nhét cả chiếc bánh bao vào miệng và bị đánh đập mỗi khi gia đình chồng không ưng ý. Huyền rất muốn bố mẹ em kiện lên Công an xã, Công an huyện Tương Dương nhưng không thể liên lạc được với bố mẹ và không biết được bố mẹ hiện giờ ra sao.
 
Ai sẽ giải cứu cho các em?
 
Khi làm việc với chúng tôi, thầy Nguyễn Thái Sơn - Chủ nhiệm lớp 9B, Trường Trung học cơ sở Đôn Phục - Con Cuông, nơi có 4 em vừa đi " "làm ăn xa" cho biết: "Sau khi 3 em lần trước đi, cách đây vài ngày, em Vi Thị Thíu (15 tuổi) lại đi tiếp. Chúng tôi rất tiếc vì Vi Thị Thíu chăm ngoan, học được. Đây là tình trạng đáng báo động và chúng tôi rất lo. Học sinh nữ bỏ học đi Trung Quốc rất nhiều. Vì bọn chúng trả cho bố mẹ mỗi gia đình từ 30 - 40 triệu đồng, thế là bố mẹ cho đi ngay. Từ tháng 2/2012 lại nay, tình hình càng diễn biến phức tạp". Hiệu trưởng Trường THCS Đôn Phục - Con Cuông, thầy Lữ Xuân Dần cho biết: Trong các giờ chào cờ sáng thứ 2, nhà trường đã thông báo đến các lớp, đã tuyên truyền cho các em về những kẻ xấu có thể lừa các em bán lấy tiền. Trong các cuộc giao ban với xã, nhà trường cũng đã báo cáo lên Đảng ủy, UBND xã Đôn Phục. Tuy nhiên, tình trạng học sinh của trường bị kẻ xấu lừa bán vẫn diễn ra. Nhà trường mong rằng các cấp ủy, địa phương nhanh chóng có giải pháp nghiêm trị kẻ xấu.
 
Đại tá Hoàng Văn Tấn - Trưởng Công an huyện Con Cuông cho rằng: "Chúng tôi xác định đối với các vụ việc liên quan đến "buôn người" là trọng án, cần phải nghiêm trị. Tuy nhiên, một hạn chế hiện nay trên địa bàn là mặc dù các đối tượng bị lừa bán đi khá phổ biến nhưng các gia đình không kiện lên huyện. Vì vậy, công an không có cơ sở để làm án. Năm 2012, Công an huyện cũng đã tham mưu cho UBND huyện Con Cuông về Kế hoạch số 142/KH/2012 về thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người. Về trách nhiệm giải cứu các trẻ vị thành niên ở Trung Quốc, Công an huyện Con Cuông cho rằng, nhiệm vụ thuộc về Công an tỉnh phối hợp với Công an Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, khi trao đổi với Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Phó Giám đốc Công an tỉnh về các trường hợp bị bán sang Trung Quốc mà Báo Nghệ An đã nêu, ông cho biết: Công an tỉnh sẽ yêu cầu công an các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh xác minh các trường hợp; báo cáo với C45 Bộ Công an để đề xuất các biện pháp giải cứu; Báo cáo với Văn phòng Interpool Việt Nam để phối hợp giải cứu các nạn nhân. Ông Nguyễn Hữu Cầu cũng cho rằng, khó khăn hiện nay là các nạn nhân bị lừa gạt không có mặt tại cơ quan công an để trình báo, lấy lời khai. Việc tìm bắt các đối tượng chỉ được thực hiện khi các nạn nhân có mặt để khai báo và sau đó là điều tra.


Hồng Sọc- Hà Phượng