(Baonghean) - Để giảm nghèo và phát triển bền vững đối với khu vực miền Tây Nghệ An, trước hết phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải làm gì để thực hiện chủ trương đổi mới hệ thống chính trị cơ sở đảm bảo 3 mục tiêu: vừa tinh gọn bộ máy, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng đội ngũ cán bộ?

Miền Tây Nghệ An gồm 11 huyện, thị, 217 xã, 1.339 xóm bản. Theo Nghị định 92/2009/NĐ - CP và Quyết định 14/2014 của UBND tỉnh quy định, thì toàn tỉnh ước khoảng trên 8.200 cán bộ xã gồm cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách và trên dưới 7.000 cán bộ xóm (bản). Tuy nhiên cán bộ xã, xóm hiện nay liệu thừa hay thiếu? Đó là câu hỏi không dễ trả lời, bởi nó còn tuỳ vào cách bố trí, sử dụng và năng lực cán bộ ở từng địa phương. Như đã nói ở phần trước (xem báo Nghệ An số ra ngày 7/1/2015), theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP thì cán bộ công chức xã loại I không được biên chế quá 25 người, loại II không quá 23 người và loại III không quá 21 người; đối với "người hoạt không chuyên trách", từ 19 đến 21 người. 

Theo quy định, đội ngũ cán bộ công chức và người hoạt động không chuyên trách (cán bộ bán chuyên trách) xã nhiều nhất có đến 46 người. Đồng thời, mỗi xóm, bản ngoài 5 chức danh được quy định còn có người đứng đầu của 6 đoàn thể khác (Ban Mặt trận, Đoàn thanh niên, và các hội như CCB, phụ nữ, nông dân, người cao tuổi). Số cán bộ này cũng được hưởng phụ cấp từ ngân sách. Nếu tính như vậy, xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong với 33 bản, gần 10 nghìn dân thì số lượng cán bộ cũng kém 3 chục người là tròn... 400 người!

TIN LIÊN QUAN
Ông Thò Dua Tếnh, Trưởng bản Pà Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (ngoài cùng, bên phải) luôn tích cực tuyên truyền việc tốt trong cộng đồng dân bản.

Ở một số địa phương khác, bộ máy cũng khá đông. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu có giảm số lượng cán bộ xã, bản được không, ông Lữ Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn (Quế Phong) nói ngay: "Cán bộ xã làm không hết việc. Từ kiểm tra không để xảy ra khai thác vàng trái phép trên địa bàn, cho đến mỗi lần vào bản xa nhất cán bộ phải đi bộ 2-3 tiếng đồng hồ. Rồi từ xử lý các vụ việc cho đến thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… Tóm lại là thiếu!”. Còn ông Ven Phò Xúc, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Nam lại tâm tư: Xã ông thuộc diện khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn. Chỉ riêng khoản đi lại, cán bộ bản xa nhất muốn đến trụ sở xã nhiều khi phải đi vòng xuống thị trấn khoảng 60 cây số rồi mới ngược trở vào. Ông cho rằng, cán bộ xã ông cũng gặp khó khăn trên nhiều mặt, nhất là về năng lực, nếu giảm cán bộ thì xã khó mà "gánh" hết việc. 

Tuy nhiên, một số cán bộ huyện, xã vùng cao lại cho rằng, có không ít trường hợp cán bộ ở cấp xã khá nhàn rỗi. Tình trạng người làm không hết việc, kẻ ngồi chơi xơi nước, đi muộn về sớm, đến cơ quan ngồi “cho có” diễn ra ở không ít trụ sở xã. Do vậy, cần thực hiện tinh giản, triển khai kiêm nhiệm để vừa gọn bộ máy, vừa nâng cao hiệu quả công việc, tăng chế độ cho cán bộ cơ sở. Thực tế có một số địa phương đã triển khai mô hình kiêm nhiệm chức danh như: Bí thư kiêm xóm trưởng, xóm trưởng kiêm công an viên…

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đồng Hợp (Quỳ Hợp) - nơi triển khai mô hình kiêm nhiệm trên cho biết: “Việc nhất thể hoá chức danh vừa tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành, vừa tăng phụ cấp cho cán bộ. Tuy nhiên, nó đòi hỏi người đảm nhiệm vừa phải thật sự tâm huyết, trách nhiệm, vừa có năng lực và sức khoẻ; đồng thời, có đội ngũ giúp việc tận tâm…”. Trên thực tế, để tinh giản cán bộ cấp xã, xóm không là điều đơn giản. Thậm chí gặp những trở ngại, khó khăn không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Bằng chứng là đầu năm 2014, khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 14/2014 quy định các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Theo đó, các chức danh như thủ quỹ, dân số - kế hoạch hóa gia đình, khuyến nông, văn thư lưu trữ, tạp vụ được bố trí kiêm nhiệm tùy theo thực tế cụ thể từng xã.

Ngay sau đó, một vài tờ báo đăng tin "Nghệ An gần 1.000 người mất việc vì một quyết định". Còn một số cán bộ không chuyên trách thuộc diện 4 chức danh bị giảm thì có những phản ứng tiêu cực. Đó là chưa kể một số ngành như Khuyến nông và những ngành có "cánh tay nối dài" xuống cơ sở bị "kiêm nhiệm" đã tỏ ý không đồng tình, vì cho rằng công việc của ngành mình bị... xem nhẹ(?). 

Với thực tế cán bộ đông nhưng chưa mạnh và có sự bất cập trong bố trí, sử dụng ở các huyện miền núi hiện nay, việc tinh giảm là cấn thiết. Vì sự cồng kềnh của bộ máy cấp xã không chỉ ảnh hưởng đến sự vận hành thông suốt và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, mà còn khiến người dân gặp không ít phiền hà. Được biết, theo Dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế do Bộ Nội vụ chủ trì, sẽ có 5 đối tượng nằm trong diện xét tinh giản biên chế từ nay tới năm 2020. Trong đó có đối tượng là “cán bộ cấp xã nghỉ việc do thực hiện chế độ kiêm nhiệm một số chức danh theo quyết định của cấp trên, không thể bố trí được công tác khác”.

Từ nay đến 2020, Bộ Nội vụ sẽ đề xuất Chính phủ thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100.000 người. Trong đó, khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. Vì vậy, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp cần quán triệt phương châm “Vì việc mà đặt người chứ không vì người mà đặt việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi nói như một nhân viên văn phòng của xã Tiền Phong (Quế Phong): "Quan trọng là kết quả công việc; chứ một bộ phận có 3 hay 2, thậm chí 1 người vẫn cứ xong việc"... Đối với vấn đề “tế nhị” là cán bộ ở cấp xã, thôn, bản vùng cao thường có mối liên hệ “dây mơ rễ má” trong gia đình, dòng họ, thì theo bà Vi Thị Ngọc, Trưởng phòng Nội vụ huyện Tương Dương: “Ở những trường hợp này, để tránh sự nể nang hoặc bị dị nghị trong công việc, vừa tạo thuận lợi cho cán bộ trong công tác, nhất là cán bộ có năng lực, cấp ủy, chính quyền nên chủ động có sự điều chuyển, bố trí cho phù hợp. Chẳng hạn như ở Tương Dương, con trai Chủ tịch xã Lượng Minh là công chức được huyện bố trí công tác ở xã Mai Sơn. Vợ đồng chí Phó Chủ tịch xã Tam Đình trúng tuyển công chức được điều về xã Tam Thái...”.

Thực tế cho thấy, để làm thay đổi những thói quen trong suy nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số không dễ. Với bà con, trăm nghe không bằng một thấy. Vì thế, bên cạnh làm tốt công tác luân chuyển, tăng cường cán bộ có trình độ sẽ tạo thêm thế và lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở, tạo sinh lực mới cho địa phương như Dự án đưa trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND các xã nghèo; tăng cường cán bộ biên phòng về làm phó bí thư đảng uỷ xã… thì việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, là con em đồng bào dân tộc thiểu số để trực tiếp “cầm tay, chỉ việc” cho đồng bào mình cũng là một giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các địa phương.

Tuy nhiên, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với quy hoạch và bố trí sử dụng, phải căn cứ từ việc khảo sát nhu cầu thực tế của địa phương, tránh tình trạng như từ năm 2008 đến nay, trong số 439 sinh viên hệ cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường, thì hiện toàn tỉnh còn tới 193 em vẫn chưa có việc làm theo như cam kết ban đầu, trong đó có 117 em trình độ đại học do việc xác định đăng ký chỉ tiêu cử tuyển hàng năm của các huyện không bám sát theo nhu cầu tuyển dụng của các địa phương, dẫn đến cung vượt quá cầu, không có biên chế, không bố trí được công việc phù hợp.

Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng: Đổi mới hệ thống chính trị cơ sở ở miền núi trước hết phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, phong cách, tinh thần làm việc, nhất là tư tưởng “trông chờ, ỷ lại” của cán bộ, công chức, chứ không chỉ đơn thuần là tiết giảm, tinh gọn bộ máy. Đó cũng là điều mà chúng tôi cảm nhận được, khi chứng kiến sự đổi thay của một số địa phương nơi vùng cao biên giới. Như ở xã Yên Na (huyện Tương Dương). Dễ đến mươi năm có dịp trở lại, chúng tôi không tránh khỏi sự ngỡ ngàng. Ô tô các loại từ Thị trấn Hòa Bình hay các xã lân cận tấp nập chạy vào trung tâm xã, ngã ba trước cổng trụ sở UBND xã như một thị tứ với nhiều loại dịch vụ: hàng tạp hóa, hiệu sửa xe máy, tiệm cắt tóc, hiệu photocopy.

Trụ sở mới đang xây dựng bề thế nằm trên khuôn viên cũ khá rộng và đẹp... Trao đổi với chúng tôi, ông Lô Hoài Sơn, Chủ tịch UBND xã Yên Na cho biết: Sự đổi thay bắt đầu từ đội ngũ cán bộ xã. Nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, nhất là nhân lực quản lý, xã dồn sức đầu tư cho cán bộ đi học, bồi dưỡng thêm về chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện Yên Na có tới 70% cán bộ, công chức xã có bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học; số còn lại đều có bằng trung cấp và đều được bố trí đúng ngành, nghề được học. Tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức xã đã đổi mới, chất lượng được nâng lên là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, không chỉ Yên Na mà 217 xã, thị trấn miền núi, đội ngũ cán bộ xã trong những năm gần đây có sự cố gắng vượt bậc trong việc "chuẩn" hóa bằng cấp, có 37,2% người có trình cao đẳng, đại học và 61,2% trung cấp. Tuy nhiên, cả ông Lô Hoài Sơn và nhiều lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã vùng cao khác đều khẳng định: “Bằng cấp chỉ mới là một yếu tố. Điều quan trọng là tư duy, năng lực thực sự của cán bộ". Ông Lô Văn Tưởng, Trưởng Công an xã Nậm Giải (Quế Phong) là một ví dụ.

Trên 30 năm ông Tưởng làm cán bộ từ chi đoàn, thôn bản đến lãnh đạo xã, bằng cấp chủ yếu là dự các khóa tập huấn, làm việc dựa vào kinh nghiệm thực tế là chính, nhưng công việc cứ đâu ra đó, hiệu quả còn cao hơn nhiều người có bằng đại học. Điều này, ông Lương Văn Long, Chủ tịch xã Nam Sơn (Quỳ Hợp) cho rằng: "Với cán bộ xã miền núi, nhất là với cán bộ người dân tộc thiểu số, chế độ đãi ngộ hay việc đánh giá chỉ dựa vào bằng cấp chưa hẳn đã đúng, mà phải xét trên năng lực, hiệu quả công việc. Điều quan trọng là cấp, ủy chính quyền phải chỉ rõ việc, bố trí đúng người để vừa tinh gọn bộ máy, vừa tạo điều kiện để những người có năng lực yên tâm công tác, gắn bó với công việc, có động cơ phấn đấu, trau dồi chuyên môn”.

Như vậy, có thể khẳng định: Vùng miền núi, dân tộc là vùng chiến lược quan trọng, đặc biệt khó khăn nên vấn đề cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở cần ưu tiên hàng đầu; chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và quản lý đội ngũ này phải được quan tâm thích đáng. Đó là động lực có tích quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Tây Nghệ An và xoá nghèo bền vững, góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội tỉnh trong thời gian tới và cũng là tiền đề thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về Nghệ An.

 Nhóm PV