(Baonghean) - Với việc truyền đạo trái pháp luật ở huyện Con Cuông, các linh mục và chức sắc Giáo xứ Quan Lãng không những đã vi phạm pháp luật mà còn đẩy nhiều con chiên của mình vào con đường phạm tội. Cụ thể, các linh mục và chức sắc Giáo xứ Quan Lãng cùng nhiều giáo dân quá khích đã vi phạm Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, Luật Đất đai, Luật Khám chữa bệnh, Bộ Luật Hình sự và còn đi ngược lại với đường hướng của giáo hội…

-->> Xem Bài 3: Linh mục và chức sắc Giáo xứ Quan Lãng cần chấm dứt việc kích động giáo dân vi phạm kỷ cương phép nước

Ông Phạm Thế Trận nguyên là một giáo dân quê ở huyện Yên Thành lên xã Yên Khê lập nghiệp khoảng 30 năm nay. Cách đây ít lâu, ông Trận có mua một mảnh đất thuộc quyền sử dụng của bà Lô Thị Hường ngay sát vườn nhà và xây dựng một ngôi nhà khá rộng – địa điểm tổ chức hành lễ trái pháp luật hiện nay...

Ông Phảy Văn Bay - Trưởng bản Trung Hương cho biết: Trong lúc xây dựng, ông Trận đã cam kết với chính quyền xã là làm nhà cho con trai. Song, khi nhà dựng xong, ông Trận lại bảo đã bán cho Giáo xứ Quan Lãng ở xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn.Khoản 4, Điều 46, Luật Đất đai năm 2003 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2010 quy định rõ: “Người sử dụng đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép đổi tên, chuyển mục đích sử dụng đất hoặc thay đổi đường ranh giới thửa đất”… Căn cứ quy định nêu trên, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Trận và Giáo xứ Quan Lãng hay một ai khác chưa được chính quyền và các cơ quan chức năng chấp thuận thủ tục hồ sơ hợp pháp là vi phạm pháp luật.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, giao dịch này vô hiệu và mảnh đất cùng ngôi nhà này hiện vẫn thuộc quyền sở hữu của ông Phạm Thế Trận. Như vậy, ông Phạm Thế Trận đã sử dụng nhà ở sai mục đích, vi phạm Nghị định 23/2009 ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở, cụ thể là vi phạm Điều 52 Nghị định này

Có thể khẳng định, ngôi nhà của ông Trận hiện nay các vị linh mục, chức sắc Giáo xứ Quan Lãng đang sử dụng để giảng đạo, truyền đạo trái pháp luật tại bản Trung Hương, xã Yên Khê vẫn là nhà của ông Phạm Thế Trận, nên không thể xem đây là “điểm sinh hoạt công giáo tại Con Cuông” hay “nhà nguyện”.

Còn nếu các vị linh mục, chức sắc Giáo xứ Quan Lãng coi ngôi nhà là “điểm sinh hoạt công giáo tại Con Cuông” hay “nhà nguyện” thì các chức sắc này đã vi phạm Luật Đất đai, cụ thể tại Khoản 4, Điều 51. Điều khoản này quy định rõ: “Cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất khi có các điều kiện sau: a-Cơ sở tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động; b- Có đề nghị bằng văn bản của tổ chức tôn giáo có cơ sở tôn giáo đó; c- Có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất về nhu cầu sử dụng đất của cơ sở tôn giáo đó”…

Sự thực thì, thời gian qua linh mục và các vị chức sắc ở Giáo xứ Quan Lãng đã sử dụng nhà riêng của ông Trận để “làm phép nhà mới” rồi công bố đây chính là “điểm sinh hoạt công giáo”. Rõ ràng, với những hành vi không xin phép các cơ quan có thẩm quyền nêu trên thì các vị linh mục và chức sắc Giáo xứ Quan Lãng đã thể hiện rõ sự coi thường kỷ cương phép nước, coi thường dư luận.

Bên cạnh đó, vào sáng ngày 24/9/2011, có một đoàn khám chữa bệnh từ thiện của Giáo xứ Quan Lãng do linh mục quản xứ dẫn đầu đã tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho hàng trăm người dân mà chưa có giấy phép hoạt động của Giám đốc sở Y tế Nghệ An cấp theo luật định. (Dù rằng trước đó UBND huyện Con Cuông do xét thấy đây là việc làm mang tính nhân đạo nên đã đồng ý để đoàn làm từ thiện với yêu cầu rõ ràng bằng công văn - đoàn khám chữa bệnh phải thực hiện đầy đủ hồ sơ thủ tục theo Luật Khám chữa bệnh quy định. Và UBND huyện cũng yêu cầu đoàn chỉ được khám chữa bệnh tại Trạm xá xã Yên Khê, hội trường bản hoặc cơ sở trường học tại xã Yên Khê). Song, Đoàn khám, chữa bệnh từ thiện của Giáo xứ Quan Lãng đã không những không thực hiện yêu cầu của UBND huyện Con Cuông về hồ sơ thủ tục, giấy phép khám chữa bệnh mà còn tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí trái phép tại nhà riêng ông Phạm Thế Trận… Với việc khám chữa bệnh khi chưa được cho phép, các linh mục và chức sắc Giáo xứ Quan Lãng đã vi phạm Luật Khám chữa bệnh do Quốc hội ban hành ngày 23/11/2009.

Và ngay sau khi tổ chức khám chữa bệnh trái pháp luật tại xã Yên Khê vào buổi sáng thì buổi chiều ngày 24/9/2011, linh mục quản xứ Quan Lãng cùng một số vị chức sắc đạo Thiên Chúa thuộc địa phận Vinh cùng khoảng 700 người ở Hà Tĩnh và các huyện Anh Sơn, Yên Thành, Đô Lương... đi trên 20 ô tô và hàng trăm xe máy  đến khu vực nhà ông Trận để tham dự lễ “Thánh tạ ơn, làm phép nhà mới và đón anh chị em dự tòng vào công giáo”…

778537_small_77880.jpg

Thời gian qua, cứ vào chiều Chủ nhật hàng tuần, linh mục xứ Quan Lãng lại đánh ô tô lên truyền đạo trái pháp luật ở xã Yên Khê - Con Cuông.

Sự việc diễn ngày 24/9/2011 cũng như những ngày trước và sau đó tại nhà bà Minh (Thị trấn Con Cuông), ông Trận (xã Yên Khê) do các linh mục quản xứ Quan Lãng và các vị chức sắc liên quan khởi xướng đã vi phạm vào các Điều 11, 12 và 25 Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo số 21/2004  của UBTV Quốc Hội ban hành ngày 18/6/2004: Điều 11: “1-  Các chức sắc, nhà tu hành được thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách, được giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở tôn giáo. 2 - Trường hợp thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo truyền đạo ngoài quy định tại Khoản 1 (nêu trên), điều này phải có sự chấp thuận của UBND cấp huyện nơi thực hiện”; Điều 12: “Người phụ trách tổ chức tôn giáo cơ sở có trách nhiệm đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm diễn ra tại cơ sở đó với UBND cấp xã; trường hợp tổ chức hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký thì phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận”; Điều 25: “Các cuộc lễ tổ chức tôn giáo diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo được thực hiện theo quy định sau đây: 1- Cuộc lễ có sự tham gia của tín đồ trong phạm vi một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải được UBND cấp huyện nơi diễn ra cuộc lễ chấp thuận; 2 - Cuộc lễ có sự tham gia của tín đồ đến từ nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong phạm vi một tỉnh hoặc từ nhiều tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương phải được UBND cấp tỉnh nơi diễn ra cuộc lễ chấp  thuận.”

Khởi tố vụ án vụ việc xẩy ra tại xã Yên Khê, huyện Con CuôngSau khi xác định có dấu hiệu tội phạm vụ gây rối, ngày 1/7/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 34, khởi tố vụ án hình sự bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích xảy ra tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông.
Đồng thời, những hành vi có hệ thống của linh mục quản xứ Quan Lãng và các vị chức sắc liên quan đã vi phạm nghiêm trọng Nghị định số 22/2005 ngày 1/3/2005 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Điều 26, Nghị định quy định: “1- Tổ chức tôn giáo tổ chức nghi lễ ngoài cơ sở tôn giáo có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại điều 25 Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo. 2 – Văn bản đề nghị nêu rõ tên cuộc lễ, người chủ trì, nội dung, chương trình, thời gian, địa điểm thực hiện, quy mô, thành phần tham dự cuộc lễ”…

Thực tế thì sự kiện ngày 24/9/2011 xảy ra tại nhà ông Trận ở bản Trung Hương xã Yên Khê đã biểu hiện đỉnh điểm của hành vi vi phạm Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo của UBTV Quốc hội; sau khi linh mục quản xứ Quan Lãng và các vị chức sắc liên quan đã có một loạt vi phạm theo hệ thống về hoạt động truyền đạo trái pháp luật tại huyện Con Cuông: từ tháng 10/2010 đến tháng 9/2011, vào ngày Chủ nhật hoặc thứ 7 hàng tuần, các linh mục Giáo xứ Quan Lãng đã liên tiếp thay nhau tổ chức truyền đạo trái pháp luật tại nhà bà Minh (khối 6, Thị trấn Con Cuông) và nhà ông Trận (bản Trung Hương, xã Yên Khê). Dù rằng, trong thời gian đó, chính quyền địa phương nhiều lần gửi giấy mời hoặc trực tiếp mời các vị đến làm việc nhằm tìm ra một giải pháp hợp lý, nhưng linh mục Phạm Ngọc Quang và người kế nhiệm sau này là linh mục Ngô Văn Hậu đều kiếm cớ từ chối; vẫn tiếp tục mặc nhiên, cố tình vi phạm Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo.

Từ cuối năm 2011 đến nay, có 2 nữ tu thường xuyên ở tại nhà ông Phạm Thế Trận để dạy giáo lý cho các cháu ở xã Yên Khê, ngoài ra 2 nữ tu này buổi tối thường đến các gia đình ở thôn Trung Hương, xã Yên Khê để truyền đạo, bên cạnh đó còn bán thuốc tây cho người dân thôn Trung Hương. Do 2 nữ tu này cư trú bất hợp pháp nên UBND xã Yên Khê đã 2 lần tổ chức trục xuất, nhưng 2 nữ tu vẫn không chấp hành. Không những thế, nữ tu Đinh Thị Bắc còn là phụ tá đắc lực cho hoạt động truyền đạo trái pháp luật của các linh mục và chức sắc Giáo xứ Quan Lãng với các lời lẽ trắng trợn, thách thức chính quyền, đe dọa người thi hành công vụ…

Riêng gia đình ông Phạm Thế Trận liên tục vi phạm chứa chấp người trái phép tại nhà riêng, mặc dù chính quyền xã Yên Khê, UBND huyện Con Cuông đã có thông báo nhưng vẫn tiếp tục vi phạm và vi phạm có hệ thống. Cụ thể, 2 nữ tu và gia đình ông Phạm Thế Trận đã vi phạm nghiêm trọng Luật Cư trú nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Tất Thắng, Đoàn Luật sư Nghệ An nêu ý kiến: “Hoạt động tôn giáo trái pháp luật do các linh mục và một số chức sắc ở Giáo xứ Quan Lãng (huyện Anh Sơn) tổ chức tại bản Trung Hương xã Yên Khê và khối 6 Thị trấn Con Cuông (huyện Con Cuông) từ tháng 10/2010 đến ngày 1/7/2012, chiếu theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thì: Thứ nhất: Những người tổ chức hoạt động tôn giáo trái pháp luật đã vi phạm Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo của UBTV Quốc hội số 21/2004 ban hành ngày 18/6/2004, được quy định tại các Điều 11, 12, 15, 25. Với những hành vi vi phạm đó, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng có đủ cơ sở để đình chỉ ngay những  hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật tại bản Trung Hương, xã Yên Khê (Con Cuông) do linh mục và một số chức sắc của Giáo xứ Quan Lãng gây ra;

Thứ hai, việc linh mục Nguyễn Đình Thục cùng nhiều giáo dân ở Giáo xứ Quan Lãng và từ nơi khác đến bản Trung Hương xã Yên Khê (Con Cuông) vào chiều 1/7 để làm lễ, giảng đạo, truyền đạo trái pháp luật lại còn gây rối, hành hung, bắt, giam giữ người trái pháp luật tại nhà ông Trận; những đối tượng trên đã vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây xin gọi tắt là Bộ luật Hình sự).

Cụ thể như sau: - Đối với những kẻ chủ mưu, kẻ cầm đầu, những kẻ hành hung người dân ở xã Yên Khê vào chiều 1/7/2012 có dấu hiệu phạm tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người khác” được quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự; - Đối với hành vi một số phần tử xấu ở các nơi khác đến xã Yên Khê bắt 43 người dân địa phương giam trong nhà ông Phạm Thế Trận trong suốt 12 giờ đã cấu thành tội “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. Riêng việc bắt, giữ một số cán bộ lãnh đạo huyện Con Cuông có đủ cơ sở để truy tố những kẻ gây ra hành vi đó tội “chống người thi hành công vụ” được quy định tại Điều 257 và tội “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” được quy định tại Điều 123 của Bộ luật Hình sự. Đối với những đối tượng có hành vi thu giữ điện thoại di động của những người bị họ bắt, giữ hoặc giam tại nhà ông Phạm Thế Trận nhưng không trả lại đã có dầu hiệu phạm tội “cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại Điều 135 của Bộ luật Hình sự.”

Rõ ràng, việc linh mục Phạm Ngọc Quang trước đây, linh mục Ngô Văn Hậu và linh mục Nguyễn Đình Thục quản xứ Quan Lãng hiện nay và một số chức sắc ở Giáo xứ Quan Lãng biến nhà bà Minh (khối 6, Thị trấn Con Cuông), nhà ông Trận (bản Trung Hương, xã Yên Khê) thành cơ sở hoạt động tôn giáo không được sự chấp thuận của chính quyền các cấp là vi phạm pháp luật về tôn giáo. Việc các linh mục và chức sắc Giáo xứ Quan Lãng cùng các tín đồ quá khích gây rối, hành hung, bắt giữ người vào ngày 1-2/7, cũng như tiếp tục kích động giáo dân gây rối như hiện nay là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng vì động cơ chính trị… Việc vi phạm của các linh mục và chức sắc Giáo xứ Quan Lãng cùng các tín đồ quá khích đã làm trái với đường hướng của giáo hội là “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, trái với Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương; phải hiểu biết đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc”…

Hơn thế, lời nói và việc làm của các vị linh mục quản xứ Quan Lãng và các vị chức sắc liên quan khi thực hiện truyền đạo trái pháp luật tại huyện Con Cuông còn đi ngược cả với lời huấn từ của Đức Giáo hoàng Benedict XVI: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng lợi ích, anh em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”. - Linh mục là công dân Việt Nam, cùng với thực hiện bổn phận nhà tu hành, linh mục còn phải có trách nhiệm của người công dân. Song đáng tiếc, những người tham gia giảng đạo, truyền đạo trái pháp luật ở Con Cuông thời gian qua đã làm ngược với điều đó! Thậm chí, các vị linh mục quản xứ Quan Lãng và các vị chức sắc liên quan còn ngang nhiên thách thức chính quyền, vi phạm pháp luật về tôn giáo, Bộ luật Hình sự, Luật Dân sự...

Những vi phạm pháp luật về tôn giáo của các vị linh mục và chức sắc Giáo xứ Quan Lãng là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về “Tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng” của công dân; khiến đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn Con Cuông nói riêng và Nghệ An nói chung có tín ngưỡng hay không cũng đều hết sức bất bình, yêu cầu xử lý nghiêm khắc.

Vì vậy các vị linh mục và chức sắc Giáo xứ Quan Lãng cần dừng ngay những hoạt động tôn giáo trái pháp luật trên địa bàn huyện Con Cuông; giáo dân ở các huyện khác, tỉnh khác không được phép đến tham gia các buổi lễ tổ chức trái pháp luật tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông, không tiếp tay cho những kẻ có tham vọng chính trị; đồng thời, bà con các dân tộc thiểu số ở Con Cuông cần bình tĩnh, tránh va chạm với những người vi phạm pháp luật như đã từng xảy ra. Đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền, cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các ngành chức năng, các đoàn thể quần chúng kiên trì vận động đồng bào lương cũng như giáo chấp hành nghiêm túc pháp luật về tôn giáo, các quy định của địa phương nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo.

Đề nghị các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm minh những hành vi cố tình vi phạm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam để đảm bảo giữ nghiêm kỷ cương phép nước.

- Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11%... thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm...

- Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong những trường hợp (dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người, đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai...) thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

(Trích Điều 104: Tội bắt, giữ, hoặc giam người trái pháp luật- Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009)

1 -  Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2 - Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Có tổ chức, đối với nhiều người.

3 - Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

(Trích Điều 123: Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật - Bộ Luật Hình sự)

1 - Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người  thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2 -  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

a, Có tổ chức

b, Phạm tội nhiều lần, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác cùng phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng

(Trích Điều 257: Tội chống người thi hành công vụ - Bộ Luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009)


Nhóm Phóng viên