(Baonghean) - Thực trạng đáng lo ngại trong phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh, cùng  dự báo nguy cơ cháy cao trong năm 2015 đòi hỏi các cấp, các ngành, các chủ rừng và đặc biệt người dân kịp thời thay đổi nhận thức về bảo vệ rừng khi rừng là lợi ích quốc gia, vừa là lợi ích thiết thân và lâu dài cho mỗi nhà, mỗi người... 
Tăng trách nhiệm chung
 
 Cháy rừng là nỗi lo thường trực hàng năm của các chủ rừng, nhưng việc rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp mới để thực hiện là đang lúng túng; và rồi khi xảy cháy thì “năm sau cháy to hơn năm trước”!. Nhiều cuộc họp của UBND tỉnh đã phê bình ngành chức năng, các huyện để xảy ra cháy rừng nhiều, song trách nhiệm “phản hồi”, động thái chuyển động nhìn chung vẫn chưa đúng mức. 
 
images1151834_bql_r_ng_ph_ng_h__nam___n_n_ng_cao_c_nh_gi_c_c_ng_t_c_ph_ng_ch_ng_ch_a_ch_y_r_ng.jpgCanh lửa rừng ở BQL rừng phòng hộ Nam Đàn. Ảnh: Hữu Nghĩa
 
Qua thực tế phóng viên làm việc, tìm hiểu ở các xã, nhận thức về cháy rừng đôi khi chỉ được xem là chuyện ảnh hưởng đến uy tín chính quyền; có chủ rừng cứ chăm chăm “chuyện cá nhân” (ai đó không ưng mình nên đốt) mà chưa ý thức được cháy rừng là “báo động đỏ” về công tác bảo vệ môi trường, môi sinh, là thiệt hại đến tài nguyên, tài sản của người dân và Nhà nước phải hàng chục năm sau mới có thể gây dựng lại. Sự chỉ đạo kiểm tra, giám sát của cấp huyện đối với cấp xã cũng còn những hạn chế, bởi huyện cho rằng còn nhiều việc phải lo hơn. Ngoài những phương án PCCCR liên tục được lập ra theo từng năm nhưng hầu như giống nhau, thì cấp ủy và chính quyền địa phương đáng ra là nơi có thể biết rõ nhất vì sao rừng cháy, vì sao bị động với “giặc lửa”, nhưng lại cứ đổ cho “chủ ý”, “do nắng nóng, thời tiết…; nhiều nơi lại khoán trắng cho khuyến lâm địa bàn, trong khi lương trả cho người này chỉ 200 ngàn đồng/ tháng... 
 
... Khi nói mâu thuẫn trong phân chia lợi ích thu được từ rừng là một nguyên nhân khiến rừng bị đốt. Thì cấp ủy, chính quyền địa phương phải chỉ đạo làm rõ việc này, tìm ra gốc rễ của vấn đề để giải quyết, chứ việc điều tra thủ phạm cháy thực chất chỉ là việc làm sau, việc “chạy theo”. Khi người dân sống gần rừng được nhận khoán, được khoanh nuôi bảo vệ rừng thì họ sẽ bảo vệ tốt nhất rừng của mình. Khi xảy ra mâu thuẫn trong chăn thả vật nuôi, trong thu hoạch cây trện chẳng hạn, thì các ngành, các cấp phải ngồi lại với nhau để quyền lợi tối cao là rừng được tôn trọng. Cấp chính quyền cần bắt buộc người chăn nuôi không được thả rông trâu, bò vào rừng, phải thực hiện nuôi nhốt và trồng cỏ cho trâu, bò ăn. Việc này các huyện miền núi đã làm từ nhiều năm nay nhằm để bảo vệ rừng. Hình thức thưởng phạt nghiêm minh đối với các địa phương để xẩy ra cháy rừng cũng chưa thực hiện tốt mà mới nêu trên văn bản. Một hình thức phạt thật nghiêm khắc đối với lãnh đạo cơ sở  để xảy ra cháy rừng cần được  tính tới để hệ thống chính trị cấp cơ sở vào cuộc khẳn trương, thật sự đối với nạn cháy rừng.  
 
Thượng tá Lê Hồng Lĩnh, Trưởng phòng 1, Cảnh sát  PCCC phụ trách địa bàn Hưng Nguyên, Nam  Đàn, Thành phố Vinh nêu: Để phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả, trước hết các cấp chính quyền, ngành chức năng phải làm yên dân, lợi ích phải được phân chia hợp lý. Có mâu thuẫn, bức xúc phải giải quyết bức xúc, mâu thuẫn, đó là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng. Các địa phương cần phát động phong trào quần chúng nơi có rừng  tham gia bảo vệ rừng, chống cháy rừng như ngư dân bảo vệ biển. Thời gian qua đã có nhiều vụ cháy nhỏ được nhân dân dập tắt kịp thời cần được biểu dương động viên, khen thưởng. Bên cạnh đó cần chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng, phương án khi có cháy xảy ra ngoài sức chữa của  quần chúng để dập tắt kịp thời các đám cháy lớn. Nhưng quan trọng nhất trong PCCCR vẫn là phòng ngừa.
 
Cần tích cực hành động 
 
Ông Tăng Văn An, Trưởng phòng Dự báo KTTV (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung bộ) cho biết: “Trong các tháng mùa hè năm 2015 có khả năng xuất hiện các đợt nắng nóng cục bộ, nếu gặp nhiệt độ cao, độ ẩm thấp thì nguy cơ cháy rừng trên địa bàn Nghệ An nói riêng sẽ là rất cao”. Cảnh báo thế rồi, việc cần kíp là làm gì?
 
Nam Đàn xử lý thực bì trước mùa cháy.
 
Đốt dọn thực bì đang là một giải pháp “phòng” cháy rừng hiệu quả nằm trong phương án PCCCR. Nhưng cho đến đầu tháng 4/2015, việc này mới được tiến hành với những khu rừng được giao khoán bảo vệ, còn những khu rừng thuộc xã quản lý thì hầu như chưa được thu dọn thực bì. Tuy nhiên, ngay cả các khu rừng đã được giao khoán việc đốt dọn thực bì trước mùa nắng cũng đang tiến hành chậm và chưa đạt được bao nhiêu. Cụ thể như Nam Đàn, đến 1/4/2015, xã Nam Giang mới đốt được 60 ha, Kim Liên 36 ha, Khánh Sơn 70 ha, Nam Lộc 50 ha, Nam Thái 15 ha, Nam Hưng 60 ha, Vân Diên 8 ha, tổng cộng 358 ha. Trong khi đó diện tích rừng thông đặc dụng riêng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đàn quản lý trên 5.000 ha.
 
Theo anh Nguyễn Tuấn Anh, một chủ rừng ở xã Nam Giang (Nam Đàn)  thì việc đốt trước vật liệu cháy là vô cùng cần thiết để bảo vệ rừng. Gia đình anh làm trại ngay trong rừng, cả gia đình cùng thu dọn lá thông vừa đốt vừa làm củi sinh hoạt. Xung quanh khu rừng của gia đình đều được rào chắn dây thép gai không cho người lạ vào, đồng thời nuôi chó dữ bảo vệ, nhờ vậy khu rừng thông của anh chưa bao giờ bị cháy. Có mặt tại xã Nam Nghĩa  (Nam Đàn), công nhân của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn đang tích cực đốt thực bì. Một công nhân  cho hay: Nếu đốt khi trời ẩm thì vật liệu không cháy mà đốt khi trời nóng thì nguy cơ cháy rừng rất cao, nên vừa đốt vừa lo canh lửa. Đốt thực bì là một biện pháp mang tính kỹ thuật, nên rất cần được Kiểm lâm, các Ban Quản lý rừng tiến hành tập huấn cho các chủ rừng, người dân. 
 
Các khu rừng của các hộ dân cần phải quán triệt với các chủ rừng về vấn đề này, có kiểm tra, giám sát, cơ chế thưởng phạt rõ ràng. Hiện nay một nguồn lợi vô cùng lớn từ lá thông rụng rơi xuống đang rất lãng phí cần tiếp tục nghiên cứu để tái sử dụng. Người dân có rừng cần tự đầu tư mua sắm các máy móc chữa cháy rừng, chủ động trang bị kỹ năng sử dụng các thiết bị chữa cháy rừng, cắt băng cản lửa. Coi rừng như vườn, như ruộng họ cũng cần phải có máy thổi, cưa xăng như nông dân làm ruộng sắm cày, sắm cuốc, không nên ỷ lại vào Nhà nước.   
 
Hiện nay đường băng trắng tỏ ra không hiệu quả do lửa lan nhanh.  Tỉnh, huyện và các chủ rừng cần bố trí kinh phí trồng cây xanh (các cây không bắt lửa) làm thành đường băng xanh giữa những đường băng trắng đã  thiết kế, xây dựng để chắn lửa vĩnh viễn. Đối với những khu rừng giáp ranh giữa Nam Đàn và các huyện khác, tỉnh, Sở NN&PTNT xem xét cho xây dựng đường băng xanh chuẩn mới; đường băng hiện nay hẹp, chỉ 10m, 20m là không hiệu quả... Một ý kiến nên xem xét: Các tỉnh gần nhau như Nghệ An, Hà Tĩnh cần phải họp lại để bàn cụ thể về đường biên  PCCCR.  Rừng lau lách không có thông, không có cây lớn cần được hủy đi một lần, bởi thực tế rừng lau lách các vùng giáp ranh là một nguyên nhân gây cháy cao, nên cần đốt hết để trồng lại rừng. Như huyện Nam Đàn trong năm 2015 sẽ xác định lại những khoảnh rừng không có cây để khoanh nuôi và giao cho dân đốt trồng rừng... 
 
Châu Lan - Phạm Bằng
 
Theo Quyết định số 07/2012/ QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách về tăng cường công tác bảo vệ rừng, thì địa phương (cấp huyện, xã) nào để xảy ra tình trạng phá rừng, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật, cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, thì lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật.