(Baonghean) - Lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ đang hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, như nuôi cá lồng, làm trang trại, đánh bắt thủy sản… từ đó hình thành tour du lịch lòng hồ mang tính cộng đồng hấp dẫn. Tuy vậy, đã 4 năm tích nước, “biển hồ” này vẫn chưa được khai thác có hiệu quả...
Sau chuỗi ngày ngồi trên chiếc thuyền ba lá nhỏ bé, lênh đênh trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, nhóm phóng viên chúng tôi được trải nghiệm cảnh đẹp kỳ vĩ của núi non, sông nước. Vào lòng hồ, nếu nghỉ qua đêm ở địa điểm nào đó, ta được đắm mình trong cảm giác tĩnh mịch lạ thường vào ban đêm, được trải nghiệm cảm giác rét buốt về mùa đông, mát rượi về mùa hè với bầu trời đầy sao và ánh trăng rọi xuống mặt hồ lung linh, huyền ảo, chỉ có làn gió nhẹ và gợn sóng. Bên cạnh đó, lòng hồ còn bộc lộ nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Đó là khai thác thủy sản, dân di cư tự do, quản lý thuyền chở khách…
Trên diện tích gần 6000 ha mặt nước, có chỗ sâu tới hàng trăm mét nước, đối với đồng bào các dân tộc nơi đây là một tiềm năng lớn để phát triển kinh tế bằng nghề đánh bắt thủy sản, chăn nuôi cá lồng và hai bên bờ hồ là điều kiện rất thuận lợi để chăn nuôi gia súc, gia cầm bằng kinh tế gia trại, trang trại. Từ đó, các cấp ngành của địa phương có thể hình thành tour du lịch hấp dẫn phía miền Tây này. Thực tế đã cho thấy, trong vùng lòng hồ này đã xuất hiện một số mô hình nuôi cá lồng và phát triển kinh tế trang trại của người dân. Những gia trại mới manh nha, chưa thực sự hấp dẫn khách du lịch, chưa đủ điều kiện giữ chân lữ khách. Chỉ có nghề đánh bắt thủy sản là phát triển khá mạnh, song vẫn mang tính tự do, chưa có sự quản lý của nhà nước.
Đã 4 năm lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ tích nước, nguồn lợi thủy sản ngày càng lớn và phong phú, với nhiều loại cá có giá trị kinh tế. Nhờ thế, hiện trên khắp lòng hồ có tới hàng trăm người làm nghề đánh bắt thủy sản bằng nhiều hình thức, chủ yếu là thả lưới. Khó có thể thống kê mỗi ngày người ta đánh bắt được bao nhiêu cá, nhưng theo người dân sinh sống nơi bến đò thượng nguồn, mỗi ngày có tới hàng chục chiếc thuyền chở cá từ lòng hồ ra bán cho thương lái, với số lượng hàng tạ. Trong đó có nhiều người làm nghề đánh bắt cá chuyên nghiệp là người từ địa phương khác. Có rất nhiều loại cá, trôi, trắm, chép, mè, rô phi… được người dân đánh bắt, bán với giá cao cho thương lái.
Lâu nay, những người hành nghề đánh bắt thủy trong vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ đánh bắt được bao nhiêu hưởng lợi bấy nhiêu, chưa phải đóng khoản phí nào cho địa phương, hay cơ quan chức năng dù hàng năm nhà nước tổ chức thả một lượng cá giống khá lớn xuống lòng hồ. Trao đổi với chúng tôi, anh Lô Khăm Kha – Trưởng phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Tương Dương cho biết: Thực tế, những người làm nghề đánh bắt thủy sản trong lòng hồ chưa chịu sự quản lý của nhà nước. Theo nguyên tắc, lòng hồ phải có sự quản lý của cơ quan chức năng, theo đó, những người làm nghề đánh bắt thủy sản cũng phải có trách nhiệm đóng thuế để đảm bảo các quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trước thực trạng đó, UBND huyện đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc quản lý khai thác cá trong lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Năm 2014, UBND tỉnh đã có quyết định về việc quản lý, khai thác, nuôi trồng, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản lòng hồ các công trình thủy điện trên địa bàn huyện Tương Dương.
Theo đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Tương Dương quản lý thống nhất. Các tổ chức, cá nhân sau khi được UBND huyện cấp phép nuôi trồng, khai thác đánh bắt thủy sản, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, được phép hưởng các nguồn lợi thủy sản, theo lĩnh vực đã đăng ký trong giấy phép. Hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản phải gắn với bảo vệ môi trường thủy sinh và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình khai thác thủy sản chịu sự quản lý trực tiếp của UBND xã, thị trấn và chịu sự giám sát của UBND huyện. Phương tiện sử dụng để phục vụ đánh bắt thủy sản là tàu thuyền đều phải sơn cùng một màu vàng. Các tàu thuyền khai thác đánh bắt thủy sản phải chấp hành các quy định về đăng kiểm, đăng ký tàu cá, thuyền khai thác đánh bắt cá theo quy định của pháp luật… Các tổ chức, cá nhân hành nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ đều có nghĩa vụ nộp phí, lệ phí để tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản hàng năm, theo quy định của cấp có thẩm quyền. Mức phí này do UBND huyện xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Những ngư cụ được phép sử dụng để khai thác thủy sản bao gồm: lưới rê, lưới úp, lưới cước và rọ tôm. Cấm sử dụng chất nổ, kích điện, hoặc tạo xung điện, thực vật có độc, hoặc hóa chất, chất độc.
Do công tác quản lý khai thác thủy sản trong lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ của huyện Tương Dương đến nay vẫn chưa thực hiện, nên thực trạng nghề khai thác thủy sản ở đây còn bất cập. Theo phản ánh của người dân, vẫn còn một số đối tượng sử dụng bả và kích điện để đánh bắt cá, với số lượng lớn. Theo Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhôn Mai – Trung tá Phạm Thanh Minh, trong năm 2014, đơn vị phát hiện 2 vụ sử dụng kích điện đánh bắt cá trên lòng hồ Bản Vẽ, thu giữ 2 bộ kích điện.
Trao đổi với ông Vi Đình Cát – Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Tương Dương, được biết, từ khi lòng hồ tích nước, đưa vào sử dụng, Chi cục Thuế giao cho xã Lượng Minh quản lý, thu phí và lệ phí bến bãi kinh doanh buôn bán tại bến thượng lưu. Còn tàu thuyền hành nghề chở khách ra vào lòng hồ thì chưa thu bất kỳ loại thuế hay phí nào. Vì theo ông Cát cho biết, những tàu thuyền hành nghề chở khách ở đây mức thu nhập chưa đến mức thu thuế. Theo quy định các đơn vị, cá nhân kinh doanh có doanh thu 100 triệu đồng/năm trở lên mới chịu thuế. Hiện nay trên lòng hồ có gần 70 chiếc thuyền được đăng ký, đăng kiểm vận chuyển khách. Là phương tiện chủ yếu để người dân 4 xã: Lượng Minh, Hữu Khuông, Nhôn Mai và Mai Sơn đi lại buôn bán, giao dịch, khám chữa bệnh, học hành… chưa kể cán bộ huyện, tỉnh vào công tác, đều đi thuyền. Anh Vi Viết Tiến, một chủ thuyền, bộc bạch: Thuyền của anh chuyên chở khách từ xã Mai Sơn ra bến thượng lưu và ngược lại. Mỗi chuyến được phép chở 6 – 7 khách, một khách anh thu 70.000 đồng/chiều, hầu như ngày nào thuyền của anh cũng có khách ra vào.
Vấn đề di cư tự do của đồng bào các dân tộc giữa lòng hồ đang là điều bất cập cho xã hội. Hiện có tới gần 280 hộ ddđân đã tái định cư ở Thanh Chương, Quế Phong… quay trở lại lòng hồ sinh sống tự do. Nếu chính quyền địa phương không sớm quan tâm giải quyết, hệ lụy sẽ rất lớn. Không có đất sản xuất, con cái không được đến trường, người dân không được khám chữa bệnh, từ đó nảy sinh tình trạng phá rừng làm nương rẫy, mất an ninh trật tự, khiến cho chính quyền địa phương rất khó xử lý. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa tìm được giải pháp nào hữu hiệu vì, hầu hết các hộ dân quay trở lại đây sinh sống đã bán đất ở nơi tái định cư mới, vào đây làm nhà, chuồng trại chăn nuôi.
Từ những tiềm năng sẵn có là thắng cảnh “sơn thủy hữu tình” với những hình ảnh sông nước, núi rừng kỳ vĩ, bản làng thơ mộng, những điểm di tích lâu đời gắn với cuộc sống của đồng bào các dân tộc và sự nhiệt tình của những người lái đò, có thể khai thác tour du lịch lòng hồ hấp dẫn. Song lượng khách du lịch vào lòng hồ hàng năm còn rất ít, bởi chưa tạo được dấu ấn về ẩm thực cũng như điểm nghỉ ngơi thú vị. Để lòng hồ kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế nuôi trồng, khai thác thủy sản và phát triển du lịch, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần chủ động xây dựng quy chế khai thác lòng hồ, thực hiện quản lý đi đôi với khai thác hợp lý hướng đến mục tiêu về chiến lược bảo vệ môi trường và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Nhóm PV