(Baonghean) - Dù vẫn chưa thoát khỏi cái nghèo, từ ngày có con đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn, vào năm 2004, xã Thanh Mai (Thanh Chương) đang có những đổi thay. Có đường giao thông, chè, keo dễ bề tiêu thụ. Điều đáng nói, là số hộ nghèo các xóm ven đường này đang giảm đáng kể...-->> Bài 3: Nghề nuôi o­ng dạoBuổi sáng mùa hè dịu nắng, chúng tôi rẽ từ Quốc lộ 7A vào đường Hồ Chí Minh đoạn qua giao lộ ngã tư Khai Sơn (Anh Sơn). Con đường phẳng lì len qua những rặng đồi xanh ngút ngát. Những ngôi làng với hàng cau, lũy tre, ao cá..., khung cảnh thật yên bình. Từ đây, phải mất hơn 1 giờ đồng hồ nữa chúng tôi mới đến xã Thanh Mai, địa bàn trồng nhiều cây chè nhất dọc đường Hồ Chí Minh, trên đất Nghệ An. Đã vào hè, hoa mua nở tím biếc trên sườn đồi gợi vẻ nên thơ. Màu xanh của chè, keo đang dần chiếm lĩnh từng ngọn đồi thấp vốn trước đây là đồi trọc và không mang lại hiệu quả kinh tế dẫu bàn tay cần cù của con người nơi mảnh đất nghèo này từ ngàn xưa vốn lao động không biết ngừng nghỉ. Thế nhưng mọi chuyện đã khác khi có đường Hồ Chí Minh. Bà con trồng chè đất Thanh Mai gọi là "con đường mở mang" hướng đi cho phát triển kinh tế, từ đó đưa đời sống văn hóa tinh thần dần đi lên.  Từ đường Hồ Chí Minh vào trung tâm xã Thanh Mai, chỉ có một con đường đất gập ghềnh đá sỏi, là đường giao thông chính của toàn xã. Con đường này nối xã Thanh Giang với đường Hồ Chí Minh. Gọi là tuyến "huyết mạch" của cả xã nhưng chưa bê tông hóa. Vùng này lại trũng thấp nên hễ mưa xuống là ngập úng. Người dân cấy một vụ, ăn cả năm. Nửa năm còn lại là thời gian đất nghỉ. Những ngày nông nhàn dài dằng dặc. Thanh niên lại đổ xô ra thành thị đến các khu công nghiệp kiếm việc làm. Đi trên đoạn đường đến trung tâm xã, chốc chốc chiếc xe gắn máy lại nhảy chồm chồm. Người bạn đồng hành bảo với tôi rằng đi về vùng đất này cảm tưởng như đang ở một khu vực xa xôi của một huyện vùng cao. Còn cán bộ xã thì nói, có đường Hồ Chí Minh rồi, người dân vẫn mong ngóng những con đường nhựa liên xã, đường liên thôn được bê tông hóa, có thế công trình quốc gia đi qua địa bàn xã nhà mới phát huy hết tác dụng. Tác phong khoan hòa, dễ gần, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mai Trần Công Bằng tỏ ra tự hào về truyền thống lịch sử của quê hương. Ông cho biết: "Trước Cách mạng, xóm 4 xã Thanh Mai là một trong những địa điểm hưởng ứng Cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930-1931. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, toàn xã có 1660 người con tham gia nhập ngũ và có trên 130 liệt sỹ".  Tuy vậy, Thanh Mai vẫn là một trong những xã nghèo nhất huyện Thanh Chương. Người dân nơi đây vẫn sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Cả xã chỉ có 5 xóm vùng trong trồng chè, còn lại 10 xóm đều dựa vào cây lúa và làm dịch vụ, vì vậy tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Một trong những nguyên nhân khiến những xóm làm ruộng vẫn nghèo, một phần quan trọng do giao thông còn chưa thuận lợi. Ở vùng ngoài gần như mọi sự thông thương với bên ngoài đều phải qua xã Thanh Giang, mất 7-10 km. Vào mùa mưa, toàn xã gần như bị cô lập vì chỉ có một con đường độc đạo, gần như mọi phương tiện cơ giới không thể lưu thông. Người dân từ cán bộ xã, giáo viên, đến các em học sinh... chỉ còn xắn quần lội bộ. Con đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn xã, vào năm 2004, toàn xã đã có sự phân hóa rõ rệt về kinh tế. Cả xã chỉ có 5km đường mòn đi qua các xóm Nam Sơn, Trung Sơn, Bắc Sơn, Đá Bia mang lại sự khởi sắc cho những địa bàn dân cư này. Có đường thuận lợi, kinh tế vùng trong như được tiếp thêm luồng gió mới, còn vùng ngoài, vẫn trăm bề khó khăn...Trong buổi sáng mùa hè chúng tôi như lạc vào một không gian tươi xanh với đồi chè, rừng keo ven con đường mới. Đi bên, Phó Chủ tịch xã Trần Công Bằng, với nét cười thường trực trên khuôn mặt, phấn khởi giãi bày: "Trước đây, khi chưa có đường mòn thì đời sống kinh tế của vùng này cũng không khác gì những xóm làm ruộng ở vùng ngoài, bởi cây chè trồng ra gặp khó khăn trong khâu vận chuyển, tiêu thụ. Khi có con đường, các hộ làm dịch vụ phát triển thêm nhiều và hàng nông sản tiêu thụ rất dễ dàng. Cũng từ ngày ấy, sản phẩm chè được giá hơn". Thấy công việc làm ăn thuận lợi, bà con hăng hái khai khẩn đất hoang trồng chè. Vùng đất vốn trước nay hoang vu bây giờ không còn một thửa đất nào được ngừng nghỉ. Khi diện tích cây chè tăng lên nhanh chóng, để đáp ứng nhu cây tiêu thụ sản phẩm của bà con nông dân, ngoài Xí nghiệp chè Thanh Mai hoạt động từ năm 1969, những nhà có điều kiện trong các xóm trồng chè đầu tư nhà xưởng sơ chế chè nguyên liệu. Toàn xã hiện có 7 cơ sở sơ chế chè nguyên liệu. Vào mùa thu hoạch, mỗi xưởng chế biến nhỏ tiêu thụ từ 6-12 tấn chè búp tươi. Không chỉ có cây chè, bà con còn trồng thêm keo lai. Hiện toàn xã có trên 200ha keo đã cho thu hoạch. Mải chuyện, chúng tôi đến xóm Đá Bia lúc nào không hay. Phó Chủ tịch Trần Công Bằng giới thiệu một hộ làm ăn giói của xóm, cũng là điển hình trong xã, gia đình ông Lương Văn Viên. Ông cùng vợ con chuyển từ xóm Nam Sơn về xóm Đá Bia cách đây gần 20 năm. Ngày ấy, cái nghèo luôn đeo đẳng cuộc sống gia đình. Cũng như tuyệt đại đa số hộ khác trong xóm Đá Bia, ông cùng gia đình trồng 1ha chè để hàng tháng có sản phẩm nhập cho Xí nghiệp chè Thanh Mai. Từ năm 1994, khi đã khai khẩn được một diện tích đất khá lớn, ông Viên mở rộng diện tích cây chè lên 5ha. Hiện tại mỗi năm gia đình ông Viên  bán ra 60 tấn chè búp, thu về 240 triệu đồng. Ngoài trồng chè, gia đình ông còn trồng thêm 5ha cây keo lai. Mỗi lần thu hoạch cũng mang lại hàng trăm triệu đồng.Bài 4: Xanh chè Thanh Mai ảnh 1                Ông Lương Văn Viên, một điển hình làm ăn giỏi của thôn Đá Bia.Với đức tính cần cù sẵn có  của mỗi thành viên trong nhà, hiện giờ ông Lương Văn Viên trở thành hộ có kinh tế khá giả nhất xóm. Ông cho biết, gia đình có được sự khấm khá như ngày hôm nay một phần lớn cũng nhờ có con đường đi qua xóm. Bởi trước đây, người dân nhiều khi muốn bán một tạ chè tươi cũng phải rất vất vả, qua khe, qua suối chi phí lại đắt đỏ. Ngày còn chưa có đường, xe máy phải gửi ở vùng ngoài rồi đi bộ về, chưa thể ngồi xe về nhà. Ông Viên kết luận: "Để đưa miền ngược tiến kịp miền xuôi, trước hết phải đưa con đường về thôi". Tuy vậy, chưa phải xóm  Đá Bia đã hết khó khăn. Ông Viên chia sẻ: Hiện xóm là địa bàn duy nhất vẫn chưa có điện. Nếu có được đường điện, Đá Bia sẽ trở thành địa bàn phát triển nhanh bởi chè, sản phẩm chủ lực của cả xóm đang mang lại hiệu quả cao.Ngoài ông Lương Văn Viên, còn có một người cao tuổi làm kinh tế giỏi ở xóm Nam Sơn, là ông Lê Xuân An. Dù đã xấp xỉ “lục tuần”, lại đang đảm nhiệm vai trò trưởng thôn, trong nhà chỉ có 2 lao động chính, ông vẫn trồng được 5ha chè, 1 xưởng chế biến chè. Ngoài ra, ông còn có 1 ao cá và đàn gà thả vườn hàng trăm con. Trừ hết chi phí nhân công, đầu tư cơ bản, mỗi năm ông An có thu nhập trên 100 triệu đồng. Ông An cho biết, xóm Nam Sơn có 100 hộ dân, tất cả bà con đều trồng chè với số diện tích cả thôn trên 100 ha. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo những năm trước trên 40% nay giảm xuống chỉ còn 16%. "Với đà này thì trong vài năm tới tỷ lệ hộ nghèo của xóm Nam Sơn có thể giảm xuống dưới 10%" - ông Lê Xuân An cho biết. Trong xóm, có hộ anh Nguyễn Văn Đường, chỉ với một xưởng sơ chế chè tư nhân cống suất trên 10 tấn mỗi ngày, cho thu nhập hàng năm đứng đầu toàn xóm. Ngoài cây chè, người dân xóm Nam Sơn cũng trồng rừng với trên 100 ha cây keo lá tràm.Ngoài những thuận lợi mà đường Hồ Chí Minh mang lại, bà con trồng chè đất Thanh Mai vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Vào mùa hạn, vẫn có nhiều diện tích chè bị cháy lá vì thiếu nước tưới. Tuy nhiên, theo trưởng thôn Lê Xuân An, nguyên nhân cũng là bởi người dân chưa khai thác hết tiềm năng của lòng đất. Vùng đất Thanh Mai vốn trũng thấp, nước ngầm nông, chỉ cần người dân chịu khó đầu tư khoan giếng phục vụ tưới nước cho chè sẽ khắc phục được tình trạng thiếu nước, dẫn đến chè cháy lá vào mùa hạn. Gần đây, 2 xóm Nam Sơn và Đá Bia lại đón thêm một tin vui. Vùng nguyên liệu chè này vừa được đầu tư xây dựng 2 con đường nguyên liệu nối với đường Hồ Chí Minh, tạo thuận lợi lớn cho bà con trồng chè. Tuy nhiên, địa bàn xã Thanh Mai về căn bản vẫn rất khó khăn về giao thông. Ngoài công trình con đường mang tên Bác, cả xã chưa có km đường nhựa. Đó là một trở lực rất lớn đối với trên 7.000 nhân khẩu của xã khó khăn bậc nhất huyện miền núi Thanh Chương?!

Hữu Vi