(Baonghean) - Qua thực trạng giải phóng mặt bằng ở nhiều công trình, chúng tôi thấy rằng: một trong những nguyên nhân chính khiến cho việc giải phóng mặt bằng chậm chính là khâu tái định cư chưa được chú trọng. Tái định cư thiếu hợp lý Đang sinh sống yên ổn, làm ăn, có người còn kinh doanh, có cửa hàng, có quán phở, có xưởng sửa chữa, có người nhà mặt tiền cho thuê tháng thậm chí được vài chục triệu đồng. Có nhà không kinh doanh nhưng gần trường học của con, gần chỗ làm, điều kiện sống thuận tiện còn hơn là kinh doanh. Bỗng chốc hay tin phải di dời chỗ ở để Nhà nước mở đường, làm công trình, hay để doanh nghiệp mở dự án! Tâm lý chung đầu tiên là phản ứng, bởi ai cũng ngại thay đổi, nhất là khi phải dỡ bỏ nhà cửa, đến một nơi xa chỗ làm việc, mất cơ hội kinh doanh, buôn bán, nhất là những gia đình trông cậy vào cửa hàng, coi đó là thu nhập chính của cả gia đình. Họ đến nơi mới, phải làm lại nhà cửa, phải làm lại bìa đất, phải thay đổi sinh hoạt, trường học của con, hộ khẩu gia đình... Tất cả những khó khăn đó lại càng nhân lên nhất là khi nơi tái định cư chưa có, người dân phải thuê nhà ở tạm. Nếu thành phố tìm chuyển chỗ ở cho cả gia đình cũng rất khó khăn. Ông Chu Văn Mai - khối 10 Trường Thi, nhà 2 lần phải di dời vì chỉnh trang, mở đường của thành phố. Từ hơn 1.000 m2 đất ở Quảng trường Hồ Chí Minh hiện nay, ông chỉ được đền bù 217 m2 đất ở khối 10 phường Trường Thi, và sau lần di dời thứ hai để mở rộng đường An Dương Vương, ngoài lô đất ông nộp tiền cho con, gia đình ông còn lại lô đất 119 m2. Ông nói: "Cực nhất là đất nơi tái định cư họ vẫn chưa giải phóng được, trong khi đất ở đây họ lại đòi. Đất ở đây có bìa rồi, còn đất ở tái định cư lại chưa. Gia đình tôi muốn làm ăn vay vốn không có bìa thế chấp. Là dân thường, việc đi làm bìa đỏ khó khăn biết chừng nào"! Hay hộ anh Thắng (quán phở Hoa Thắng) ngã ba Quán Bàu - phải di dời quán phở là nguồn thu chính của cả nhà vì đường 72m, nhưng đất tái định cư sau nhiều năm đến nay vẫn chưa có. Các hộ khối 3 phường Hà Huy Tập phải di dời cũng chưa di dời được, vì đất tái định cư chưa giải phóng mặt bằng. Hay như 17 hộ bám đường Lê Duẩn (Đại học Vinh) phải di dời vì Dự án mở rộng Đại học Vinh, nhưng họ cũng không chịu, vì hầu hết các hộ này đều có mặt tiền và đang kinh doanh phát đạt.

Bài 4: Tái định cư cần đi trước ảnh 1Khu định cư đường 72m đang dở dang.

Rồi các dự án thủy điện, di dời hàng ngàn hộ xuống những nơi xa lạ với tập quán, phong tục, khiến họ phải hi sinh rất nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng không ít khu tái định cư nhà cửa chất lượng kém, đất sản xuất không có, khiến họ lại bỏ về quê cũ. Dự án Quốc lộ 1A theo tiến độ phải hoàn thành vào tháng 6/2012, nhưng hiện nay chưa giải phóng được bao nhiêu, 11 khu tái định cư ở Thành phố Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu đều chưa được xây dựng.  Chưa có đất tái định cư, tái định cư không hợp lý là những nguyên nhân gây ra ách tắc trong giải phóng mặt bằng. Thường các cấp chính quyền nhà nước mới quan tâm đến khâu " tài chính" để đền bù cho người dân, trong khi nhiều nơi trong thành phố, người dân không còn quan tâm đến điều này mà quan tâm đến chất lượng cuộc sống.  Cần dành qũy đất để tái định cư Theo quy định của UBND tỉnh Nghệ An, khi Nhà nước thu hồi đất trong thành phố, nếu gia đình còn dưới 50 m2 mới được tái định cư, còn trên 50 m2 nhưng nhỏ hơn hạn mức giao đất ở của UBND tỉnh thì người dân vẫn ở lại nếu có nguyện vọng và đất phù hợp với quy hoạch. Thế nhưng, trong quá trình triển khai lập phương án đền bù GPMB Quốc lộ 1A, thành phố áp dụng còn khiên cưỡng khi một số hộ bị thu hồi còn rất ít diện tích nhưng không có phương án tái định cư cho họ. Như hộ ông Phạm Văn Trung, xóm 13B, có thửa đất diện tích 76 m2, bị thu hồi 19,3m2, còn lại 56,7m2; hộ bà Nguyễn Thị Lý có đất diện tích 73m2, bị thu hồi 18,1m2, còn lại 54,9m2....  Do khu tái định cư làm sau, chưa được quy hoạch dành quĩ đất dự phòng nên nhiều huyện, nhiều chủ đầu tư lúng túng trong lựa chọn địa điểm và quy hoạch, dẫn đến khó tìm được khu phù hợp hoặc lại phải giải phóng mặt bằng tiếp chỗ xây dựng khu tái định cư. Nhiều dự án có từ lâu, khi đất "sạch" đang nhiều, nhưng cấp chính quyền không dùng đất đó để tái định cư mà lại dồn dân tái định cư lên đất các nghĩa địa, các vùng điều kiện không bằng nơi ở cũ nên cuối cùng họ không chịu và không giải phóng được (như đường 72 m). Vùng đất "sạch" đó cuối cùng lại giao cho các doanh nghiệp làm các dự án. Một số huyện khu vui chơi, giải trí nhiều nhưng khu tái định cư để làm chỗ an cư lạc nghiệp cho người dân bị thu hồi đất thì lại không được quan tâm.  Một nguyên nhân khiến cho các khu tái định cư kém được quan tâm đó là thiếu kinh phí để thiết kế, quy hoạch, xây dựng hạ tầng...Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, tái định cư là khâu trọng yếu trong giải phóng mặt bằng, quyết định thành công của công tác GPMB này nên tỉnh, thành phố, huyện, xã cần dành trước hết là qũy đất, sau nữa là nguồn lực để xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng cho khu tái định cư. Huy động sức mạnh từ nhiều nguồn, nhưng tránh tình trạng hiện nay nhiều địa phương để cho nhà đầu tư quyết định thay cho việc của chính quyền...  Trong khi nhiều công trình như Quốc lộ 1A, Đại học Vinh mở rộng... triển khai mà khu tái định cư chưa được xây dựng thì thành phố Vinh tiếp tục kế hoạch giải phóng mặt bằng giai đoạn 2011-2015 cho công trình lớn: đường 160m Vinh - Cửa Lò, Công viên Thành cổ, Công viên Nguyễn Tất Thành... Điều đó càng đòi hỏi một qũy đất tái định cư không nhỏ và phù hợp, thuận lợi cho người dân, trong khi đất sạch của thành phố ngày một hiếm. (còn nữa)

Châu Lan