Con đường số 7 quanh co, vượt qua nhiều dốc đèo, đưa ta lên Cửa Rào - Thủ phủ Tương Dương thuở trước. Đó là nơi hai nhánh Nậm Nơn và Nậm Mộ gặp nhau để hợp thành sông Lam. Nay lỵ sở huyện Tương Dương đã chuyển xuống xã Thạch Giám, tức thị trấn Hoà Bình. Nhưng Cửa Rào vẫn là điểm đô hội, ôm giữ những hoài niệm từ thuở mở đất, dựng mường. Tương Dương là huyện có đủ các tộc người thiểu số trên đất Nghệ, mà Cửa Rào là cái rốn của cả cộng đồng. Tài nguyên ở đây giàu có, than Khe Bố có thể luyện thành than cốc.

 Bài 3:'Ai đi lên chốn Cửa Rào' ảnh 1

 Xuôi dòng Nậm Nơn.    Ảnh: Công Kiên

Lẫn vào trong cát ở các triền sông tại đây còn có nhiều vàng. Không chỉ thế, trong rừng có nhiều loại động vật quý hiếm, đặc biệt là thứ chồn mang mùi thơm gọi là ngận hương. Mùi hương phát ra từ ngọc hạnh (tức là dái) của con vật. Nó đái lên trảng cỏ, cỏ cũng giữ mãi mùi thơm, nên có câu ca: Ngận hương nó ở trong rừng/ Khi thơm, bưng bít mấy từng cũng thơm. Khi đủ lớn, con ngận đực cũng chỉ nặng độ hai, ba cân và săn cho được nó cũng không phải là việc dễ.

Thiên nhiên ở đây bao la, giàu có như vậy nhưng thuở trước, rất nhiều người thiếu cái ăn. Vì họ chỉ biết theo dấu chân nai đi rắc hạt lúa, theo dấu chân cọp đi cắm hạt ngô. Người làm rẫy, làm nương buổi ấy cứ một mực trông vào mưa nắng tự trên trời cao! Có một số cư dân, cứ ở nơi này đất hết màu mỡ thì họ lại "cõng chảo gang" (công cụ rang, sấy nhựa a phiến) đi đến nơi khác, khai phá nương rẫy mới. Thế mà họ chẳng có đủ cơm để nuôi mình, vì bị chủ buôn mua rẻ và họ bị khói thuốc phiện "đốt cháy".

 

 Bộ đội biên phòng Đồn 551 xây dựng Trường mầm non xã Tam Hợp - Tương Dương .   Ảnh: Quỳnh Lan

Đường lên Tương Dương thật kỳ thú nhưng cũng lắm dốc đèo, đã trải qua một quá trình khai mở gian nan. Trước đây, nhiều người dân bị Pháp bắt đi làm phu mở con đường qua Cửa Rào, sang Trấn Ninh (Lào), câu ca buồn đã nói lên nỗi niềm của những phu làm đường:

"Ai đi lên chốn Cửa Rào

Nhớ mang chiếc chiếu gói vào, mở ra".

Nay thì đã khác rồi, Đảng, Chính phủ đã giúp người Tương Dương làm chủ núi rừng tài nguyên, xây dựng cuộc sống ngày một no ấm, văn minh.

Trên dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ cũng như đoạn khởi đầu do hai nhánh đó hợp lưu thành Nậm Pao (chặng đầu của Lam Giang) có nhiều thác nước, là những nguồn năng lượng quý giá. Công trình lớn nhất sắp được hoàn thành là Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ trên dòng Nậm Nơn. Câu thơ Núi rừng có điện thay sao của Tố Hữu ngày nào còn là niềm mơ ước thì nay đang thành sự thật hiện hữu trên cả các vùng xa, vùng sâu của miền Tây xứ Nghệ.

Chu Trọng Huyến