(Baonghean) Trang phục của các đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, sự thay đổi của đời sống xã hội đã khiến trang phục của đồng bào ngày càng dần mất đi bản sắc riêng. Hơn bao giờ hết vấn đề bảo tồn nét đẹp trang phục - văn hóa cần được đặt ra… Những năm qua, với sự vào cuộc tích cực của tỉnh, cộng đồng, nghề dệt thổ cẩm người Thái Nghệ An đã và đang dần khôi phục.

-->> Xem Bài 2: Lễ hội Đền Chín Gian và “tín hiệu” Xăng Khan

Cùng với ngôn ngữ, âm nhạc, trang phục dân tộc chính là linh hồn, truyền thống văn hóa đặc sắc của người Thái. Trang phục cũng như nhiều đồ dùng khác của người Thái đều được làm nên từ vải thổ cẩm dệt thủ công. Người Thái xem thổ cẩm là những vật phẩm không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt trong những ngày lễ, ngày hội của buôn làng hay trong ngày vui của đôi lứa. Vì thế, mỗi đường nét thêu trên mảnh vải thấm đượm tình yêu lao động, yêu quê hương, đất nước của người phụ nữ Thái. Đó còn là đức cần cù, khéo léo của phụ nữ Thái… Ở tỉnh ta, nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu) là nổi tiếng nhất. Tới bất cứ nhà nào ở đây cũng thấy khung dệt, từ người già, trung niên đến những bé gái đều biết dệt, biết thêu.

Dệt thổ cẩm vốn là nghề truyền thống của dân tộc Thái. Theo phong tục, từ nhỏ các em gái Thái đã được mẹ dạy cho cách dệt thổ cẩm. Đến khi lập gia đình, các cô gái Thái đã thành thạo nghề dệt. Dệt thổ cẩm và sử dụng các sản phẩm từ thổ cẩm gắn bó suốt đời với đời sống của người phụ nữ Thái, đồng thời là một tiêu chí quan trọng để đánh giá tư chất người con gái Thái khi trưởng thành… Ý nghĩa quan trọng và giá trị là thế, nhưng đã có một thời gian dài nghề dệt thổ cẩm ở Hoa Tiến nói riêng đã bị mai một, bởi lý do để làm ra một sản phẩm thổ cẩm thì rất kỳ công mà giá bán rẻ, nên thổ cẩm sản xuất ra chỉ phục vụ cho người trong nhà dùng. Và dần dần, thổ cẩm nơi đây đã mất đi nhiều hoa văn, công thức làm nên thuốc nhuộm đẹp từ cây cỏ; lớp trẻ không thiết tha gì với khung dệt nữa.

Thổ cẩm nhạt phai, nhiều người đau lòng lắm. Và chỉ đến năm 1992, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh và huyện Quỳ Châu đưa vào dự án hỗ trợ khôi phục nghề, cộng thêm sự đam mê, tâm huyết của người dân thì thổ cẩm bắt đầu tươi màu trở lại. Chị Sầm Thị Bích, Chủ nhiệm Hợp tác xã Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến vẫn còn nhớ rất rõ niềm vui của bà con khi được cán bộ nông nghiệp huyện lúc ấy là chị Lang Thị Hồng (Phó Chủ tịch UBND huyện bây giờ) đến thông báo chủ trương, bàn bạc tìm cách khôi phục nghề. Tổ hợp dệt thổ cẩm ra đời với sự tham gia của 10 chị; các chị đã tìm đến một nghệ nhân cao tuổi giỏi nghề bậc nhất vùng để học lại, tìm lại những hoa văn, đường nét tinh xảo, bí quyết thuốc nhuộm từ cây cỏ, hoa lá có sẵn, vẻ đẹp của thổ cẩm Hoa Tiến xưa. Chi Sầm Thị Bích cho hay: Ban đầu, các sản phẩm được bán sang cho nước bạn Lào và đến năm 1997, qua tham dự hội chợ, các cuộc thi sản phẩm thủ công nghiệp, thổ cẩm Hoa Tiến được nhiều người biết tới, các đơn đặt hàng tìm về, khách du lịch tìm đến. Hàng dần có mặt ở nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; ra cả nước ngoài như Trung Quốc, Pháp, Canada và Tổ chức phi chính phủ CRAP LINK là một khách hàng thường xuyên của làng nghề.

788181_small_89038.jpg

Bà Sầm Thị Bích - Chủ nhiệm Hợp tác xã làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến giới thiệu những mẫu mã, hoa văn khăn thổ cẩm.

Thổ cẩm bán được khiến nghề dệt sống lại: từ chỗ chỉ 10 người tham gia tổ hợp đến nay Hoa Tiến đã thành lập được Hợp tác xã làng nghề với 60 chị tham gia; từ chỗ hàng dùng trong nhà đi ra thị trường khiến chị em trau nghề tỷ mỉ hơn, nhận nhiều mẫu mới từ các cơ sở để thiết kế vừa đẹp mắt, vừa phụ hợp với tính thẩm mỹ, nhà nào cũng xuất hiện khung dệt để có thể nhận hàng về làm lúc nông nhàn. Thổ cẩm Hoa Tiến hiện có hàng trăm mẫu mã, các loại sản phẩm khác nhau từ thổ cẩm tấm, quần áo, ga trải giường, khăn trải bàn cho đến những chiếc cặp, chiếc ví, cà vạt, khăn quàng cổ, đội đầu độc đáo. Hoa văn thổ cẩm Hoa Tiến tinh tế với những hình thù các con thú như hươu nai, voi hổ, hoa mặt trăng mặt trời, giã chiêng... Hàng thổ cẩm Hoa Tiến hiện nay được tiêu thụ khá tốt, trong năm 2011, làng nghề đã sản xuất được 7.000 sản phẩm các loại, đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng. Trung bình mỗi người một tháng có thu nhập trên 1 triệu đồng. Chị Sầm Thị Bích cho hay: Nghề thổ cẩm được khôi phục đã làm cho kinh tế hộ gia đình đồng bào ở đây từng bước đỡ vất vả, khó khăn. Vui nhất là rất nhiều lớp trẻ đã theo nghề, ý thức được việc giữ gìn bảo tồn mãi mãi nghề truyền thống của dân tộc và nhiều chị em người Thái vùng khác đến học…

Tương tự như ở huyện Quỳ Châu, thổ cẩm ở huyện Quế Phong cũng đã tìm được chỗ đứng trên thị trường và đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho bà con. Điển hình là tổ hợp của chị Mạc Thị Hiền, xã Mường Nọc. Năm 2004, sau khi nghỉ hưu theo chế độ, bà cựu phó chủ tịch UBND huyện về nhà tạo lập tổ hợp dạy nghề trực tiếp miễn phí và sản xuất thổ cẩm cho chị em người Thái xung quanh tham gia. Ngay sau khi hình thành, tổ hợp của chị Hiền được tỉnh và huyện hỗ trợ để mở rộng, trong một thời gian ngắn đã có 50 chị em tham gia. Tổ hợp chịu trách nhiệm mời nghệ nhân truyền nghề, tìm đầu ra, cung cấp nguyên liệu và mẫu mã theo đơn đặt hàng. Chị em sau khi được truyền nghề sản xuất theo hình thức tranh thủ thời gian nhàn rỗi, sản phẩm làm ra qua kiểm tra giám định chất lượng được Tổ hợp bao tiêu toàn bộ. Sau 5 năm, thổ cẩm Quế Phong đã có được chỗ đứng, tiêu thụ khá mạnh trên thị trường trong nước như Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, cùng với các nước trong khu vực, đặc biệt là ở Lào. Từ chỗ nghề dệt thổ cẩm lụi tàn nay đã nở rộ trở lại - Xã Mường Nọc có 1.200 hộ thì đã có trên 800 hộ có khung dệt thổ cẩm, chị em người Thái ở Mường Nọc hầu như ai cũng dệt được đúng theo mẫu mã yêu cầu; nguồn thu từ thổ cẩm dệt lúc nông nhàn cũng được xấp xỉ 1 triệu đồng/tháng… Chị Mạc Thị Hiền cho hay: Tổ hợp hiện đang nghiên cứu cách làm ra những sản phẩm giả cổ để phục vụ theo nhu cầu khách hàng – người Lào rất trọng những sản phẩm lâu đời, càng cổ giá trị càng cao.

Duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào không chỉ đơn thuần tạo nét đẹp riêng cho trang phục truyền thống, mà còn tạo ra động lực tích cực để bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, mỹ thuật dân gian, văn hóa bản địa. Thổ cẩm đã dậy màu trở lại trên đất Quỳ Châu và Quế Phong; từ thành công của hai địa phương này đã tạo tiền đề cho nhiều địa phương khác trong đẩy mạnh việc khôi phục, xây dựng các làng nghề thổ cẩm. Huyện Con Cuông hiện có khoảng 1000 khung dệt, tuy nhiên những năm trước chỉ sản xuất mang tính nhỏ lẻ, manh mún và tự phát, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của gia đình. Thời gian gần đây, huyện đã đẩy mạnh việc khôi phục, đào tạo nghề ở 2 xã Môn Sơn và Lục Dạ, sau đó là có kế hoạch xây dựng các làng nghề dệt thổ cẩm ở các xã Môn Sơn, Chi Khê, Mậu Đức, phấn đấu đến năm 2015 huyện có 9 làng nghề dệt thổ cẩm. Còn tại Thanh Chương, huyện cũng đã mở lớp học nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào tái định cư tại 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn.

Để làm ra một sản phẩm dệt theo đúng truyền thống, người phụ nữ Thái phải qua một quy trình lao động bền bỉ và đỏi hỏi sự khéo léo, sáng tạo. Phải nói rằng, nghề dệt thổ cẩm đã xuất hiện nhiều tín hiệu vui, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Theo ông Vi Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, thì: “Do qua nhiều khâu trung gian nên thu nhập của những người thợ thủ công chưa cao, lại thêm nguyên liệu sản xuất tơ tằm thường xuyên biến động giá, nguồn nguyên liệu ở địa phương mới chỉ đáp ứng được 30%”. Còn bà Ngân Thị Hà - Chủ tịch UBND xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, thì cho hay: “Phụ nữ người Thái luôn có nguyện vọng duy trì nghề dệt truyền thống để truyền lại bản sắc văn hóa dân tộc cho con cháu về sau. Nhưng khó khăn nhất đối với việc duy trì, phát triển nghề ở đây vẫn là đầu ra cho sản phẩm”.

Có thể nói, thời gian qua tỉnh ta đã có những cơ chế thiết thực trong việc bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm, để lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc lâu đời của người Thái, giải quyết việc làm và góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. Tuy nhiên, vẫn cần rất nhiều sự chung tay nỗ lực của người dân và chính quyền các cấp; phải có chính sách hỗ trợ gắn liền với tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu; phải xây dựng được thương hiệu làng nghề gắn với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch… Từ đó mới có được thị trường ổn định cho loại sản phẩm đặc biệt này!

(Còn nữa)


Thành Chung