Bài 3: Nông thôn thiếu lao động có tay nghề

(Baonghean) - Giúp thanh niên tìm được việc làm phù hợp với năng lực, có thu nhập ổn định là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, hướng đến xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh ở các vùng nông thôn gặp rất nhiều khó khăn...
 Học sinh Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc thực hành nghề du lịch - khách sạn.
Học sinh Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc thực hành nghề du lịch - khách sạn.
TIN LIÊN QUAN
Tốt nghiệp THPT năm 2009,  không đủ điểm vào học các trường đại học, Lê Thị Thu Hà (SN 1991), trú tại xã Nghi Long (Nghi Lộc) thi vào khoa Kế toán Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An. Ra trường vào tháng 6 năm 2012, đến nay, Hà vẫn chưa tìm được một công việc thích hợp và hiện đang chấp nhận làm giúp việc cho một quán cà phê ở Thị trấn Quán Hành. Trò chuyện với chúng tôi, Hà tâm sự: “Gia đình em sống nhờ vào làm ruộng nên bố mẹ em muốn sau này em có một ngành nghề nào đó cho đỡ khổ. Do đó, năm lớp 12, dù không biết được lực học của em thế nào, bố mẹ em vẫn muốn em thi vào các trường đại học, cao đẳng. Nhưng ngành Kế toán em đang học các trường mở rất nhiều, trường nào cũng đông học sinh, sinh viên theo học, trong đó phần lớn là dân nông thôn như em nên ra trường, rất khó tìm được việc”. 
Trao đổi với ông Trần Hữu Lam – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, phụ trách văn hóa – xã hội, được biết, Nghi Lộc là huyện có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng phần lớn lao động chưa qua đào tạo, chưa có trình độ chuyên môn kỹ thuật (năm 2013 là 61,5%), lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, lực lượng lao động nông nghiệp dôi dư ngày càng nhiều, một bộ phận không nhỏ mất việc làm do bị thu hồi đất nông  nghiệp để phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng. Số lao động được đào tạo phần lớn là ngắn hạn và tập huấn kỹ thuật nên rất khó tìm kiếm việc làm và chuyển đổi ngành nghề. Hiện nay, lao động nông nghiệp trên địa bàn huyện chiếm 74,5%; lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản chiếm 11,9%; lao động thương mại, dịch vụ chiếm 14,3%.
Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động làm việc trong các ngành kinh tế của huyện cũng sẽ thay đổi. Lao động trong các ngành dịch vụ dự kiến tăng lên 27% năm 2015 và 33% năm 2020. Lao động  trong ngành công nghiệp – xây dựng là 22% năm 2015 và 27% năm 2020. Tỷ lệ lao động nông – lâm nghiệp – thủy sản sẽ giảm xuống 51% vào năm  2015 và 40% năm 2020. Mỗi năm, Nghi Lộc có hàng ngàn học sinh THPT không thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng, bổ sung vào nguồn lao động của địa phương. Chỉ tính riêng trong năm 2013, huyện có 8.202 học sinh tốt nghiệp THCS, THPT (trong đó học sinh tốt nghiệp THCS là 5.136, học sinh tốt nghiệp THPT là 3.046). Số cần được đào tạo nghề và giải quyết việc làm là 3.280 học sinh (40%). Tuy nhiên, công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho các đối tượng này còn gặp rất nhiều khó khăn. Thầy Phạm Trường Giang – Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Duy Trinh cho biết: “Hàng năm, số học sinh tốt nghiệp THPT của nhà trường hơn 500 em, trong số này có 150 – 180 em đậu đại học nguyện vọng 1. Số còn lại, nhiều em vẫn cố vào các trường đại học dân lập hay cao đẳng ở các chuyên ngành kế toán, tin học… chứ không lựa chọn học nghề. Một số em cho rằng “học đại học còn thất nghiệp huống chi học nghề” nên chấp nhận làm lao động phổ thông”. 
Là huyện phụ cận Thành phố Vinh, Hưng Nguyên  cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác hướng nghiệp, dạy nghề. Mỗi năm huyện có hàng ngàn học sinh THPT tốt nghiệp, khoảng 40% đậu vào các trường đại học, cao đẳng; số còn lại cần được đào tạo nghề, để tìm kiếm việc làm hoặc nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Bên cạnh đó, tình trạng đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng và hình thành khu công nghiệp đang làm giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp, dẫn đến dôi thừa lao động cần được đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp. Năm 2013, số lao động chưa qua đào tạo là 55%.
Bà Nguyễn Thị Hồng – Trưởng phòng LĐ - TB&XH huyện Hưng Nguyên cho biết: “Hiện nay, huyện đang thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật trong các lĩnh vực chăn nuôi, thú y, sửa chữa, vận hành máy nông nghiệp, cơ khí, mộc dân dụng… Tuy nhiên, số lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh ở các ngành này về làm việc ở huyện không nhiều, Trung tâm Dạy nghề của huyện quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn hạn chế nên năng lực đào tạo nghề để tạo việc làm mới của huyện không theo kịp và không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ. Mặt khác, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng hiện nay, nhiều lao động nông thôn, trong đó có các học sinh THPT chưa tích cực trong việc học nghề để tìm kiếm việc làm mới, ngại kỷ luật lao động nên chưa muốn vào làm việc cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp mà chỉ thích kiếm việc làm tự do ở Thành phố Vinh và các tỉnh khác”. 
Tại huyện Thanh Chương, dù 2 đơn vị dạy nghề, hướng nghiệp (Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp & hướng nghiệp) đã nhận được sự quan tâm của chính quyền, được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề... bình quân mỗi năm huyện tổ chức đào tạo nghề và đào tạo lại cho trên 1.600 lao động, dạy nghề phổ thông cho 4.500 học sinh THCS và THPT. Tuy nhiên, mỗi năm huyện chỉ mới giải quyết việc làm cho 2.205 người. 
Lựa chọn ngành nghề không phù hợp, ngại học nghề là thực trạng chung của nhiều học sinh THPT ở các vùng nông thôn ở tỉnh ta hiện nay. Nguyên nhân một phần là do công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT ở nông thôn còn nhiều hạn chế. Thầy Nguyễn Văn Đồng  – Phó hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hưng Nguyên) cho biết: “Hàng năm, có nhiều trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh đến trường xin tổ chức các chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh. Tuy nhiên, do tư vấn thì ít, quảng bá thì nhiều khiến học sinh bối rối. Nhiều trường ĐH-CĐ tham gia các buổi tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp ra sức quảng bá, tuyên truyền về những khối ngành đào tạo, về những hứa hẹn cho công việc tương lai nhưng không dựa vào những dự báo nhân lực. Ở hầu hết các buổi tư vấn hướng nghiệp, tỷ lệ thành viên tư vấn thuộc các ngành thương mại, kinh tế, ngoại ngữ, công nghệ thông tin và y dược luôn chiếm đa số”. 
Hiện nay, hệ thống đào tạo nghề của tỉnh ta, đặc biệt là ở các vùng nông thôn còn nhiều bất cập. Một số trường, trung tâm chưa được đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, không có nhà xưởng, thiếu máy móc thực hành như các trung tâm dạy nghề ở Nam Đàn, Hưng Nguyên, Diễn Châu... Một số trường có cơ sở vật chất khang trang như ở Đô Lương, Nghi Lộc thì lại thiếu giáo viên dạy nghề hoặc giáo viên còn hạn chế về kỹ năng sư phạm, kỹ năng nghề, kinh nghiệm thực tế và khả năng tiếp cận với các công nghệ hiện đại, còn yếu về trình độ ngoại ngữ, tin học. Mặt khác, phần lớn các cơ sở đào tạo vẫn còn tình trạng đào tạo theo năng lực của cơ sở, tập trung vào các nghề  như điện, điện tử, sửa chữa xe máy, cơ khí, may mặc… mà chưa chú trọng đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động. Điều này dẫn đến năng lực hướng nghiệp, góp phần giải quyết việc làm của các cơ sở này hạn chế; các doanh nghiệp khi đến các địa bàn nông thôn tuyển lao động thường chỉ tuyển được lao động phổ thông và phải đào tạo lại. 
Ông Lê Văn Thúy – Trưởng phòng Lao động – Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: “Để tạo việc làm cho lao động nông thôn, trong đó có học sinh THPT không thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng, các địa phương cần tích cực triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về học nghề cho thanh niên nông thôn. Hiện nay, các vùng nông thôn ở tỉnh ta đang thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật trong các ngành nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thủy sản… và phi nông nghiệp như may công nghiệp, gò hàn, điện dân dụng, đan lát, mộc dân dụng… Do đó, cùng với các trường dạy nghề của tỉnh, các huyện cũng cần đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở các ngành nghề này để thu hút, nâng cao tay nghề cho lao động trong toàn huyện. Bên cạnh việc mở lớp dạy nghề, các địa phương cần kết hợp thành lập các công xưởng, kêu gọi đầu tư vốn và khuyến khích mở các cơ sở sản xuất trong khu vực”.
Minh Quân

Tin mới