(Baonghean) - Mường Chiêng Ngam xưa nay thuộc các xã Châu Tiến, Châu Bính, Châu Thắng (Quỳ Châu). Đây từng là mường phụ của Mường Noọc, do một chi của dòng họ quý tộc Lo Căm lập nên. Người ta gọi chi này là Lò Ai...

-->> Bài 2: Mường Noọc và những sự tích

Theo những người cao niên, trong đó có ông Hà Văn Thăng, 68 tuổi (bản Luồng - xã Châu Bính), thì trung tâm của mường cổ Chiêng Ngam là ở bản Hoa Tiến (Châu Tiến - Quỳ Châu), ngày xưa gọi là bản Tàu. Hiện chưa có sự thống nhất về phạm vi địa giới và các bản trong mường. Những bản quan trọng nhất của mường gồm các bản Tàu, Chàng, Xan, Na Nhảng, Bùa, Cọc, Xăng, Kiềng, Luồng và bản Hạt. Trong ký ức của những người cao tuổi ở bản Hồng Tiến (Châu Tiến) còn nhớ một trong những người cuối cùng đứng đầu mường cổ này là quan mường Cư, sau này có tham gia kháng chiến. Ngoài ra, còn có quan mương Hân.

Theo một huyền tích lưu truyền trong các công đồng ở mường Chiêng Ngam, những người lập mường gồm 3 vị thuộc dòng họ Lo Căm, không rõ đến từ đâu là Xiêu Pọ, Xiêu Ké, Xiêu Luông. Theo chỉ dấu của thần linh, họ đã tìm đến vùng đất trung tâm (chiêng), nhiều sông suối, vùng đất tươi đẹp (ngam) để lập mường. Về sau, những vị này có công giúp dân trừ ma diệt quái, đánh giặc cướp nên được thờ tự tại đền mường Chiêng Ngam ngày nay.

Về mặt ngữ nghĩa tiếng Thái, Xiêu Pọ, Xiêu Ké, Xiêu Lông không hẳn là những cái tên mà chỉ là cách gọi mang tính suy tôn dành cho người có công trạng và uy tín lớn trong cộng đồng.

Nhắc đến mường Chiêng Ngam, phải nói đến Lễ hội Hang Bua tổ chức vào cuối tháng Giêng hàng năm. Ông Lữ Minh Phương, một trong những mo cúng của lễ hộ cho biết: Lễ hội này có từ ngày mường còn hưng thịnh. Hang Bua nằm trong lòng dãy núi Pù Én, là một thắng cảnh đẹp mang đậm chất tâm linh của mường Chiêng Ngam, cũng như xứ Quỳ Châu xưa. Theo huyền sử thì nơi đây từng là chiến trường của ba vị lập mường cầm quân đánh bại những cộng đồng từ vùng lãnh thổ phía Bắc ngày nay đến xâm lấn, cùng những cuộc hành quân của nghĩa quân Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hồi đầu thế kỷ thứ XV.

Một phần quan trọng trong Lễ hội Hang Bua là lễ tế cúng thần đền Mường Chiêng Ngam vào ngày khai hội, thường là buổi sáng ngày 20 tháng Giêng. Ngôi đền nằm trên dãy núi Tẻn Bó. Theo huyền tích của người dân bản Hồng Tiến, bên ngôi đền thì đây là nơi ghi dấu một trận chiến ác liệt giữa những người lập mường và giặc cướp, máu đổ thành suối, xương chất cao thành gò. Lễ vật gồm những đặc sản của xứ Quỳ Châu. Theo ông Lữ Minh Phương, từ xưa Lễ hội đền Chiêng Ngam không cúng trâu như đền Chín Gian mà chỉ cúng dê.

Lễ cúng đền Mường Chiêng Ngam.                    Ảnh: Ngọc Lan.

Một thời gian nhiều thập niên, đền mường Chiêng Ngam không được thờ cúng nên bị phá hủy. Ngôi đền hiện nay mới được khôi phục lại vào năm 1996 mang dáng dấp kiến trúc chùa chiền của người miền xuôi, trước sân có trồng cây hoa đại. Những điều này vốn khá xa lạ với văn hóa của người Thái.

Ông Lữ Minh Phương nhớ lại lần bản Hồng Tiến khôi phục Lễ hội Hang Bua năm 1995. Lúc đó, được một cán bộ xã chi cho 130.000 đồng. Hôm ấy, cũng có cồng chiêng, múa xòe, múa sạp. Năm 1996 lại tiếp tục có hội. Năm 1997 thì được chính quyền chính thức khôi phục và tổ chức hàng năm từ đó đến giờ.

Múa sạp tại Lễ hội Hang Bua. Ảnh: Ngọc Lan.

Ngoài Lễ hội Hang Bua, mường Chiêng Ngam xưa còn có nhiều hội, lễ cúng khác nhưng đã mai một. Gần đây, người mường Chiêng Ngam khôi phục lại tục cúng khàu cắm, vào 12 tháng 9 âm lịch. Đã thực hiện 3 năm, sắp sang lần thứ 4 thường là cúng dê hoặc lợn, gà, cá nướng. Ở bản Hồng Tiến 2 thì tổ chức tập trung, trong đó không thể thiếu món khàu hang (cơm cốm) nấu từ những bông lúa đầu mùa vừa kết sữa, được luộc chín rồi hông làm xôi. Lễ này còn gọi là cắm phạ (kiêng trời).

Ngày nay, hầu hết người trong mường Chiêng Ngam đều biết về những sự tích lập mường. Có lẽ một phần vì những nét sinh hoạt văn hóa, lễ hội, sinh hoạt tâm linh truyền thống trong các cộng đồng chưa phải đã mất hẳn như nhiều mường khác. Người dân nơi đây vẫn rất tự hào về mường xưa tươi đẹp của mình!

Hữu Vi