(Baonghean) - Tạo dựng được niềm tin đã khó, giữ được niềm tin còn khó hơn. Biết vậy nên các trí thức trẻ còn nhiều lắm những ưu tư vì quãng đường trước mắt còn quá gian nan vất vả...

>>Bài 1: "Vàng" đã qua lửa...

Nhận thức rõ vị trí, trách nhiệm của mình, những trí thức trẻ mà chúng tôi đã gặp đều xác định rõ những việc phải làm, đề ra những giải pháp thực hiện để góp sức vào sự phát triển KT-XH nơi đang công tác, qua đó tiếp tục khẳng định năng lực bản thân. Chưa hài lòng với thành quả sau một thời gian công tác, những người trẻ nhận thấy, để tiếp tục đạt được thành công còn nhiều lắm những khó khăn. Họ đặt ra câu hỏi: Làm gì để góp phần thay đổi tư tưởng trông chờ ỷ lại của đồng bào các dân tộc? Làm gì để cải tạo nhận thức trong tập quán canh tác sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế? Làm gì để xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân?... Trong khi, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng của các xã thiếu thốn, đường giao thông giữa các thôn bản xa cách đi lại khó khăn, vất vả; các trí thức trẻ hầu hết lại đều là người từ nơi khác đến, một số chưa thông hiểu tiếng địa phương.

Trong căn phòng làm việc cũ nát, chật chội, Phó Chủ tịch xã Huồi Tụ - Hạ Bá Lỳ thổ lộ: "Trình độ dân trí trên địa bàn Huồi Tụ còn thấp, đồng bào mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chế độ chính sách của nhà nước nên công tác vận động thực hiện các chương trình dự án hết sức khó khăn". Xã Huồi Tụ nằm trên vùng núi có độ dốc cao, địa hình xấu, khí hậu, thời tiết thường diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi nên để phát triển KT-XH là điều không hề dễ dàng.

Phó Chủ tịch Hạ Bá Lỳ lấy ví dụ: Tập quán của đồng bào trong chăn nuôi thường chăn thả rông, trong khi đó, Huồi Tụ ngày thì nắng nóng, tối lại giá lạnh nên khi đưa các giống gia súc ở vùng khác về không thể thích nghi nổi. Vì vậy, muốn phát triển chăn nuôi cần phải làm thay đổi nhận thức của đồng bào. Hạ Bá Lỳ nói: "Em tuy có thuận lợi vì là người dân tộc Mông nên dễ dàng khi tiếp xúc, nhưng để thay đổi tập quán, nhận thức của đồng bào Huồi Tụ thật là khó...". Rồi Hạ Bá Lỳ thẳng thắn: “Để xóa đói giảm nghèo không thể dựa vào sức một vài người mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc cùng với nỗ lực của nhân dân. Các trí thức trẻ muốn thành công phải nỗ lực ở mức cao nhất. Qua thời gian công tác, em nhận thấy mình còn thiếu những kinh nghiệm trong công tác. Mong muốn thì nhiều nhưng em hy vọng được tập huấn thêm những kiến thức về nghiệp vụ quản lý nhà nước, kỹ năng điều hành, giao tiếp...”.

Mô hình nuôi lợn nhốt của bác Hờ Ga Vừ bản Huồi Khe, xã Huồi Tụ do các trí thức trẻ chỉ đạo.

Xã Phà Đánh có địa hình toàn đồi núi cao, đất đai khô cằn nghèo dinh dưỡng. Xã có 10 bản, gồm 5 bản dân tộc Thái và 5 bản dân tộc Khơ mú, cả 2 dân tộc này đều canh tác theo hình thức du canh, sản xuất mang tính tự cung tự cấp dựa vào tự nhiên là chủ yếu, vì vậy có rất nhiều hộ nghèo. Nhận nhiệm vụ phụ trách xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch xã Nguyễn Đình Tài xác định: Xây dựng giao thông nông thôn, đường nội bản và thực hiện một số mô hình kinh tế phù hợp với đặc điểm của Phà Đánh là bàn đạp để thực hiện thành công những tiêu chí nông thôn mới.

Từ chỗ không bản nào chịu tham gia xây dựng đường nông thôn, Tài đã thuyết phục được nhân dân 2 bản Piêng Phô, Piêng Hòm góp công và cát sỏi làm đường nội bản. Tài nói: "Em rất mừng vì nhân dân 2 bản đã đồng thuận làm đường giao thông, vì đây sẽ là bước chuyển trong phong trào làm giao thông nông thôn ở Phà Đánh". Điều Tài lo lắng là người dân vì sợ phải trả lại vốn đầu tư của Nhà nước nên cho đến nay vẫn chưa có ai chịu thực hiện mô hình kinh tế nông thôn mới. Để tháo gỡ bế tắc, Tài cho biết, một mặt cùng cán bộ 30a giải thích, vận động nhân dân, mặt khác, Tài sẽ báo cáo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã và đề nghị huyện cho cơ chế để trí thức trẻ được trực tiếp thực hiện mô hình làm mẫu cho nhân dân...

Tài kiến nghị: Chương trình dự án của Nhà nước nhiều, tuy nhiên cần có sự lựa chọn để đưa giống cây, con phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, cần đầu tư trang thiết bị cần thiết như máy móc, mạng lưới thông tin và quan tâm đến đội viên trí thức trẻ hơn nữa bằng việc tổ chức trao đổi, báo cáo tình hình của từng trí thức trẻ, từ đó đưa ra các định hướng trong thời gian tiếp theo...

Cũng giống các bạn mình ở Kỳ Sơn, Tương Dương, Phó Chủ tịch xã Châu Kim (Quế Phong) Hà Minh Tuấn nhận thấy trình độ dân trí xã mình còn thấp, mang đậm tập quán sản xuất truyền thống lạc hậu nên việc tiếp nhận KHKT còn chậm. Một bộ phận dân cư, trong đó phần lớn là hộ nghèo có tư tưởng trông chờ ỷ lại, chỉ mong giữ hộ nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Một số hộ thực hiện mô hình kinh tế thì chỉ phụ thuộc vào hỗ trợ kinh phí dự án chứ không chịu đầu tư nên hiệu quả không cao.

Bên cạnh công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Tuấn xác định cho mình nhiều nhiệm vụ, trong đó tăng cường bám sát kiểm tra từng hộ được thụ hưởng các chương trình dự án để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, động viên nhân dân an tâm sản xuất; tập trung phát triển các tổ nhóm sản xuất để người có kinh nghiệm hỗ trợ những hộ nghèo thiếu kinh nghiệm. Tuấn đề xuất: Cần tổ chức tham quan học tập mô hình có hiệu quả để các trí thức trẻ được học hỏi kinh nghiệm của nhau và đồng thời tạo kênh kết nối trao đổi kinh nghiệm trong công tác...

Lo lắng cho chất lượng công việc nhưng các trí thức trẻ tổ công tác Chương trình 30a còn thấp thỏm âu lo với tương lai của mình. Nói về công việc, Vi Thị Nhâm, Nguyễn Thị Giang ở xã Thạch Giám cho biết, dù đã có những mô hình kinh tế khá hiệu quả nhưng cũng có những mô hình chất lượng còn thấp, ngưỡng thất bại của mô hình còn lớn bởi cũng vì tập quán sản xuất, chăn nuôi của đồng bào. Bởi vậy, đã nhiều lần Nhâm, Giang mất ăn mất ngủ. Nhâm nói: Đồng bào đã được hỗ trợ chuồng trại, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, tuy nhiên, khi nhận được gia súc thì lại thả rông nên rất dễ bị dịch bệnh. Và khi gia súc gặp bệnh, người dân gọi cho cán bộ 30a thì thường lại là lúc đã nguy kịch... Giang và Nhâm từng đắng lòng, ứa nước mắt khi chứng kiến bê, nghé chết mà mình lực bất tòng tâm.

Ở xã Thạch Giám, tổng số bê, nghé đã cấp 41 con, đến nay đã chết 13 con. Năm 2011, các hộ nghèo được cấp 23 con bê, nghé thì bị chết mất 10 con; đầu năm 2012, cấp phân khai đợt 2 của năm 2011 được 8 con nghé thì đã bị chết 1 con; tháng 12/2012 được cấp 10 con nghé đến nay đã bị chết 2 con. Tiếc vì mất bê, nghé thì đã đành nhưng Giang và Nhâm lo nhất là sau mỗi lần có bê, nghé chết là mỗi lần người dân suy giảm niềm tin. Nguyễn Thị Giang nhận thấy, việc hướng dẫn để người dân tuân thủ các tiến bộ KHKT trong chăn nuôi sản xuất vẫn còn hạn chế, bản thân còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng tuyên truyền chưa có chiều sâu và bởi là người miền xuôi (xã Thanh Giang, Thanh Chương) nên mất nhiều thời gian trong làm quen địa bàn, chưa thông hiểu tiếng địa phương... Giang nói: “Em đã có thể hiểu những điều người dân nói, nhưng để trao đổi lại thì vẫn phải sử dụng tiếng Việt.

Đây là một hạn chế em phải khắc phục...”. Và dù rất ngại nói ra, nhưng Giang và Nhâm không thể dấu việc hợp đồng lao động của cả hai đều đã gần hết thời hiệu, tương lai rồi đây chưa biết như thế nào. Xã Thạch Giám thì muốn giữ chân cán bộ nhưng kinh phí đâu ra để trả lương, vậy nên đã đề xuất huyện Tương Dương cho tiếp tục gia hạn.

Cũng giống như Giang, Nhâm và các trí thức tổ công tác Chương trình 30a, thời hiệu hợp đồng của Lỳ Bá Rê (xã Huồi Tụ) kết thúc vào ngày 30/6/2013. Rê rất buồn khi nhắc đến chuyện này bởi em mong muốn được tiếp tục cống hiến cho quê hương của mình. Chính quyền xã Huồi Tụ cũng băn khoăn bởi có rất nhiều công việc cần tới năng lực chuyên môn của Rê mà xã thì nghèo, không thể có kinh phí chi trả...
                                                                               (còn nữa)

Bài, ảnh: Nhật Lân