(Baonghean) - Trong những cái gọi là “Thư chung”, “Văn Thư phản đối”, “Thông Cáo”, “Bản Tường trình”, “Tuyên bố của linh mục Đoàn”… giám mục Nguyễn Thái Hợp và một số linh mục ở Tòa Giám mục xã Đoài luôn cố tình “bóp méo” sự thật, cho rằng vụ việc giáo dân đánh đập, bắt giữ các chiến sỹ công an và bao vây, đập phá nhà anh Đậu Văn Sơn xảy ra ở linh địa Trại Gáo tối 22/5/2013 là do “công an ngăn cản, chặn đường giáo dân đi lễ...”. Vậy có hay không việc công an chặn đường giáo dân đi lễ?
Tối 22/5/2013, Linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Bình Thuận, xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc đã tổ chức lễ hiệp thông, cầu nguyện trái pháp luật tại nhà thờ Giáo họ Trại Gáo, xứ Mỹ Yên, xã Nghi Phương huyện Nghi Lộc (không thuộc phạm vi mình phụ trách). Cụ thể là: Ông Nam lợi dụng việc rao giảng tại nhà thờ họ Trại Gáo, để hiệp thông, cầu nguyện cho 8/14 bị cáo trong vụ án Hồ Đức Hòa và đồng bọn phạm tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân bị Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm tại Thành phố Vinh vào ngày 23/5/2013. Ông ta đã xuyên tạc “ca ngợi” các bị cáo là “những người yêu nước bị nhà cầm quyền kết án một cách bất công..”, “những hạt giống để cho nhân loại thấy chân lý là sự thật..” để kích động tập hợp, mời gọi giáo dân kéo vào Vinh gây rối tại phiên tòa phúc thẩm.
Để nắm tình hình, 1 tổ công tác của công an được cử đến địa bàn các xã nằm trên trục đường 534. Khoảng 19h30 phút, khi cán bộ công an đang đi đến địa bàn xã Nghi Phương (cách nhà thờ Trại Gáo 600m) thì bị một số đối tượng giáo dân chặn đường, khống chế, đánh đập 3 cán bộ (gồm các đồng chí Trần Văn Nhung, Nguyễn Quốc Nhàn, Nguyễn Văn Tiến) và đưa về Nhà Văn hóa xóm 13, xã Nghi Phương. Chưa hết, hàng trăm giáo dân còn kéo đến xóm 10, bao vây nhà anh Đậu Văn Sơn - Chỉ huy trưởng Quân sự xã Nghi Phương (cách nhà thờ họ Trại Gáo khoảng 400m), chửi bới, dùng gạch, đá ném vào nhà, đập, đốt phá nhiều tài sản, đe dọa tính mạng của mọi người trong nhà...
Theo chia sẻ của người trong cuộc là đồng chí Trần Văn Nhung - cán bộ Công an huyện Nghi Lộc - một trong những nạn nhân bị đánh đập, khống chế vào tối 22/5 thì: Vào khoảng 19h30 tối hôm đó, anh Nhung đi xe máy từ xóm 5, xã Nghi Đồng sang họ Trại Gáo, xã Nghi Phương, để nắm tình hình an ninh trật tự theo nhiệm vụ được giao, đến đoạn giao nhau của đường 534 và rẽ vào linh địa Trại Gáo thì có 40-50 người chặn xe lại, rút chìa khóa xe, có người hô “Thằng này là công an huyện” rồi đám đông dùng gậy đánh đập. Trong đó có 1 người hô “Thằng này là công an mật đập chết nó đi” tôi có biết - đó là ông Ngô Văn Khởi. Họ yêu cầu tôi vào nhà văn hóa và đe dọa “Không đi đập chết”...
Anh Nguyễn Quốc Nhàn - cán bộ công an phụ trách địa bàn Nghi Phương cho hay: Tôi và đồng chí Tiến, sinh viên thực tập Trường Trung cấp an ninh vào đến xóm 13, 14, Nghi Phương thấy tình hình ANTT bình thường, chúng tôi đi ra rẽ vào nhà anh Sơn - Xã đội trưởng. Sau đó, chúng tôi quay xe ra khỏi nhà anh Sơn đi theo đường 534, có 1 tốp thanh niên đi ngược chiều. Một người trong số đó hô, giữ 2 thằng này kiểm tra. Tốp này nhìn xuống phát hiện tôi mang giày và tất công an. Chúng hô, bọn nó đây rồi. Chúng đã lục túi đồng chí Tiến, thấy có 1 thẻ sinh viên ngành Công an, chúng đã dùng gậy, côn… đánh luôn. Sau đó chúng nói: Bây phải đi theo bọn tao không bọn tao đập chết. Chúng tôi buộc phải đi theo họ đến xóm 13, Nghi Phương. Họ vừa đi vừa đánh… đến Nhà Văn hóa xóm 13 được khoảng 15 phút, nghe có tiếng hô to: Bắt thêm được 1 thằng đây nữa rồi. Khi chúng dẫn vào, tôi mới biết đó là đồng chí Nhung. Trong đám đông đó có 1 người tôi biết đó là Ngô Văn Khởi, trước làm Trưởng Ban hành Giáo xứ Thanh Sơn.
Bản thân bị can Ngô Văn Khởi cũng đã khai nhận “trước đây tôi cũng có làm một vài năm trong Ban hành giáo, cũng từng biết và cùng ngồi uống rượu với anh Nhung”. Như vậy có thể khẳng định, việc Giám mục Hợp và một số linh mục ở Tòa Giám mục Xã Đoài cho rằng 3 người bị đánh, lúc đó không mặc sắc phục, nên giáo dân không biết đó là công an mà sau này mới biết là hoàn toàn xảo biện, bởi anh Nhung, anh Nhàn đều là cán bộ phụ trách địa bàn đã từng qua lại nhà thờ Trại Gáo rất nhiều lần, đồng thời chính những đối tượng phạm tội cũng đã thừa nhận có quen biết anh Nhung.
Một minh chứng nữa là lúc Giám mục Nguyễn Thái Hợp và một số linh mục của Tòa Giám mục đến Nhà Văn hóa xóm 13 - nơi các chiến sỹ công an bị đập đánh tàn bạo và giữ trái pháp luật (khoảng 22h15 phút tối 22/5), ông Hợp đã không ngay lập tức cho cấp cứu các chiến sỹ công an bị thương, mà chỉ lo căn vặn “Chúng tôi nghe giáo dân nói, các anh chặn giáo dân không cho đi lễ nên giáo dân mới đập các anh” và uy hiếp các chiến sỹ công an ký vào cái gọi là biên bản với nội dung vu khống “công an chặn đường, ngăn cản giáo dân đi lễ”... Khi các chiến sỹ công an không ký, Giám mục Hợp đã nói: “Các ông làm gì thì làm, khoảng 10 phút nữa tôi đi, để giáo dân tự giải quyết”. Trước tình hình như vậy, để đảm bảo an toàn tính mạng, các chiến sỹ công an buộc phải ký vào cái gọi là biên bản đó.
Trong các Văn thư, Thông cáo, Thư chung do Giám mục và một số linh mục thuộc Văn phòng Tòa Giám mục Xã Đoài ký đều quy kết các vụ việc gây rối do một số giáo dân ở Giáo xứ Mỹ Yên gây ra tại địa bàn xã Nghi Phương “có nguyên nhân sâu xa từ việc cán bộ công an không mặc sắc phục, không mang thẻ công an, không nêu lý do mà sách nhiễu, vô cớ chặn đường người đến Trại Gáo cầu nguyện và tham dự Thánh lễ”, “dẫn đến sự xô xát giữa người dân với (những người sau này bị phát hiện ra là) công an vào ngày 22/5/2013”... nhưng chẳng thấy giáo dân nào lên tiếng là vô cớ bị chặn đường, bị sách nhiễu. Trong các Văn thư, phát ngôn được phát đi bởi Giám mục và một số linh mục của Tòa Giám mục Xã Đoài cũng không đưa ra được bằng chứng nào về việc “sách nhiễu, vô cớ chặn đường người đến Trại Gáo” của cán bộ công an. Mọi lời lẽ trong các văn bản hay phát ngôn trên các trang mạng, đài hải ngoại đều chỉ là sự quy chụp, vu khống một cách chung chung, vô căn cứ. Thử hỏi các chiến sỹ công an đã “sách nhiễu, vô cớ chặn đường người đến Trại Gáo cầu nguyện và tham dự Thánh lễ” vào lúc nào, ở đâu? Ai bị chặn đường, người nào bị sách nhiễu? Làm sao chỉ với mấy người mặc thường phục có thể “chặn đường” hàng trăm giáo dân khắp nơi về đi lễ ngay trên Linh địa Trại Gáo?
Khi trò chuyện với hai đối tượng Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải, chúng tôi đã tiếp nhận được những thông tin hoàn toàn trái ngược với phát ngôn, nội dung các Văn thư của Giám mục Hợp và một số linh mục của Tòa Giám mục Xã Đoài phát đi. Theo lời kể của Ngô Văn Khởi thì “Ngày 22/5/2013 người đi hành hương, đi lễ đông, thấy nhóm người đông trên đường 534, chạy ra xem. Thấy một nhóm đang giữ một người đi xe máy trên đường đi ra … tôi hô: Đập đi! Đập đi”. Ngô Văn Khởi còn cho biết, không thấy anh Nhung ngăn cản ai, chặn xe của ai, cũng không ngăn chặn đám đông trên đường vì “Vì anh Nhung ở phía trong chứ không phải đứng ở phía ngoài, đám đông ở phía ngoài”. Đối tượng Khởi còn khẳng định “nhà anh Sơn họ đã đập phá tàn bạo”.
Còn bị can Nguyễn Văn Hải thừa nhận “Chập tối 22/5/2013, (khoảng 19h30 - 20h30), tôi đi tháo nước vào ruộng để làm vụ đông xuân. Thấy người đi ngoài đường đông. Tôi chạy theo trong tay cầm cái xuổng. Đến nhà anh Phương Cầm sửa chữa xe máy ở xóm 10, thấy mấy người đang đứng đó, tôi hô “bắt được đập chết” (hô 1 lần). Từ chỗ nhà Phương Cầm đi lên cách vài chục mét có lối vào đường liên xóm 10, 11… để về nhà. Vào đến cổng nhà anh Sơn, thấy 2 người mặc thường phục dắt xe trong nhà anh Sơn đi ra, sau đó có 1 toán người đi xe máy đến chặn lại. Tôi có hô vài tiếng: “Bắt được thì đập chết đi…”.
Lời kể của hai đối tượng Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải cho thấy vụ việc tối 22/5 không phải do “công an sách nhiễu, vô cớ chặn đường” dẫn đến “bức xúc bộc phát thiếu kiểm soát” như các phát ngôn và Văn thư của Giám mục và một số linh mục của Tòa Giám mục Xã Đoài vẫn rêu rao, mà chính các đối tượng này đã hô hào kích động đám đông quá khích “vô cớ” đánh đập, giữ người trái pháp luật, phá hoại tài sản công dân, gây rối trật tự công cộng. Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng cũng đã thành khẩn nhận tội và tỏ ra hối hận trước việc làm của mình. Ngô Văn Khởi đã ăn năn “Đây là một bài học để bản thân cũng như dạy cho con cháu, hậu quả rất nghiêm trọng và rất ân hận”, còn Nguyễn Văn Hải bày tỏ “tôi bị cơ quan điều tra khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng”, “tôi bị bắt là đúng”...
Người trong cuộc thì thành khẩn nhận thấy lỗi lầm và tường thuật lại cũng như khai báo rõ ràng sự việc như vậy. Còn những người “ngoài cuộc”, không tận mắt chứng kiến sự việc như ông Nguyễn Thái Hợp và một số chức sắc, linh mục của Tòa Giám mục Xã Đoài lại tìm mọi cách để bóp méo sự thật, lừa dối bề trên, vu khống chính quyền. Với các luận điệu “công an sách nhiễu, vô cớ chặn đường”, “công an bắt sai người”, “bắt người trái pháp luật”, họ đã kích động “những giáo dân nhẹ dạ, cả tin” liên tiếp gây ra những vụ việc vi phạm pháp luật tại trụ sở UBND xã Nghi Phương vào các ngày 30/8; 3/9, 4/9 năm 2013. Rồi đổ lỗi “trách nhiệm thuộc về những chiến sỹ công an và cơ quan chủ quản của các chiến sỹ ấy”. Và lớn tiếng yêu sách “yêu cầu nhà cầm quyền làm rõ trách nhiệm của các cán bộ và cơ quan liên quan đến vụ việc”.
Sự vu khống, dối lừa của người đứng đầu Tòa Giám mục Xã Đoài và một số linh mục cực đoan như Đặng Hữu Nam đã khiến nhiều người hết sức bất bình, thắc mắc. Anh Trần Văn Nhung - một trong những nạn nhân của vụ việc vô cớ đánh người, hủy hoại tài sản tối 22/5/2013 bày tỏ “tôi cứ tự hỏi vì sao cụ Giám mục lại nói 3 công an huyện ngăn cản bà con giáo dân đi lễ? Chúng tôi yêu cầu Tòa Giám mục đưa ra bằng chứng. Khi Giám mục Hợp về nhận chức tại Tòa Giám mục Xã Đoài năm 2010, cụ có nói: Sự thật và tình yêu. Tôi mong rằng cụ Giám mục nghĩ lại câu nói này để tìm ra sự thật và tình yêu con người. Để cả lương dân và giáo dân có thêm nhiều tình yêu thương với nhau hơn...”.
Nhóm Phóng viên