(Baonghean) - Sai phạm ở chợ Bến Thủy (TP Vinh) đang được cơ quan chức năng vào cuộc, nhưng đây cũng là lời cảnh báo cho tình trạng vi phạm các qui định về quản lý, đầu tư, lạm dụng quyền hạn, trách nhiệm, hoặc thiếu hiểu biết ở các Ban quản lý chợ.
 
Để làm rõ nội dung tố cáo của tiểu thương đối với BQT chợ Bến Thủy, chúng tôi gọi điện hẹn gặp ông Chủ nhiệm HTX chợ Bến Thủy ông Đinh Văn Đống, nhưng ông Đống cho biết đang bị ốm, không đi làm được. Chúng tôi đành phải làm việc với Phó Chủ nhiệm HTX ông Cao Xuân Phúc. Trao đổi về những vấn đề các tiểu thương trong chợ khiếu nại, ông Cao Xuân Phúc cho biết: Các tiểu thương cho rằng việc thành lập HTX chợ Bến Thủy thiếu dân chủ. Về nội dung này, thời điểm chuyển đổi, tôi chỉ là một xã viên, quyền hành là do UBND phường Bến Thủy.
 
Thực tế phường đã thông báo, triển khai cuộc họp Ban Chấp hành Đảng ủy, hội nghị giao ban quân dân chính cùng với các khối. Phường cũng thông báo lên loa truyền thanh cho bà con biết là chuyển đổi mô hình từ Ban quản lý sang HTX đầu tư, quản lý. UBND phường Bến Thủy đã có Quyết định số 76 ngày 24/6/2008 về thành lập tổ công tác chuyển đổi HTX. Sau thời gian tuyên truyền vận động chỉ có 54 người có đơn xin vào xã viên. Vì vậy, bà con nói HTX  chợ thành lập không tuyên truyền, vận động rộng rãi là không đúng. Về vấn đề thu tiền phần trăm chuyển nhượng ki ốt, tôi thừa nhận là HTX có thu.
 
Việc này xuất phát từ thực trạng có nhiều hộ tự ý chuyển nhượng ki ốt mà có khi HTX không biết, gây khó khăn cho công tác quản lý, trong khi HTX đã qui định khi ký hợp đồng các hộ không được chuyển nhượng (trừ dãy ốt thương mại do các hộ bỏ vốn đầu tư mới đây). Vì vậy, ngày 20/4/2010, HTX đã ra qui chế cho các xã viên chuyển nhượng và thu phí dịch vụ từ 5-10% giá chuyển nhượng. Trong thời gian từ năm 2010 đến 2013, tổng số phí thu từ chuyển nhượng ki ốt là 101 triệu đồng và đều cho vào doanh thu HTX”. “Vậy ông có thấy việc thu phí chuyển nhượng như trên là đúng không?” Ông Cao Xuân Phúc cho biết: “Giờ thì HTX đã thấy sai vì không có qui định nào cho phép như vậy. Nhưng số tiền HTX thu không nhiều bởi tiền chuyển nhượng thực tế chỉ có hai bên mua bán mới biết rõ”.
 
images886280_photo.jpgCác chứng từ thu phí chuyển nhượng ki-ốt sai quy định của HTX đối với xã viên.
 
 Về vấn đề thu phí chợ cao hơn qui định của tỉnh, ông Cao Xuân Phúc thừa nhận là do nhầm lẫn chợ Bến Thủy là chợ  hạng 1 nên HTX đã thu phí cao hơn Quyết định số 12/2012 của UBND tỉnh Nghệ An về mức thu, quản lý phí chợ trên địa bàn tỉnh. Số tiền thu quá này HTX đã tính toán, tổng cộng là 1,6 tỷ đồng. UBND Thành phố Vinh khi kiểm tra thu phí ở chợ Bến Thủy đã đồng ý cho HTX thu phí không quá 2 lần so với qui định của Quyết định số 12/2012 của UBND tỉnh. HTX đã giải quyết số tiền thu quá theo 2 cách: Cách 1, trừ dần vào tiền thu hàng tháng cho các hộ cho đến khi nào hết số tiền. Cách 2, HTX sẽ trả lại một lần toàn bộ số tiền thu quá cho các hộ kinh doanh. Thế nhưng, HTX đã 2 lần mời các tiểu thương lên nhận lại tiền thu sai nhưng các hộ không chịu nhận. Ông Cao Xuân Phúc khẳng định, thu cao là do HTX nhận thức sai về loại chợ nhưng thủ tục thu chi vẫn đảm bảo.
 
Về việc tố cáo thu 35 triệu đồng/ki ốt mà không ghi hóa đơn, ông Phúc cho rằng, khi đầu tư xây dựng dãy ki ốt thương mại (11 ốt), đáng lẽ phân cho các xã viên mỗi người một ốt nhưng tiểu thương đến đặt vấn đề đầu tư xây dựng. Trước khi nộp tiền, chủ nhiệm HTX đã thống nhất nộp tiền đầu tư xây dựng và đặt vấn đề: Dãy ốt này đáng lẽ ra thuộc về các xã viên, nhưng nếu các chị lấy thì hỗ trợ  cho anh em xã viên 35 triệu đồng/ki ốt. Vì vậy, ngoài đầu tư 44- 45 triệu đồng/ki ốt (có hóa đơn), các tiểu thương đã nộp cho HTX và chúng tôi đã chia số tiền đó (tổng cộng  315  triệu đồng) cho 8 anh em trong HTX. 
 
Trao đổi về những tồn tại của HTX chợ Bến Thủy, ông Nguyễn Văn Chỉnh -Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vinh cho biết: Chợ Bến Thủy từ trước năm 2008 là chợ của Nhà nước, nhưng bây giờ đã chuyển đổi sang mô hình HTX quản lý, đầu tư khai thác. Do trước đây cơ quan nhà nước vừa làm quản lý nhà nước vừa làm kinh tế là không đúng, nên phải tách ra, nhất là khi xin ngân sách đầu tư cho chợ rất khó khăn. Các xã viên HTX Bến Thủy góp vốn mua lại giá trị còn lại của chợ Bến Thủy với giá trị gần 700 triệu đồng. Mức đầu tư của bà con tiểu thương (từ năm 2000) sau 5 năm, 10 năm tùy theo vị trí đã hết hạn. Ngày 5/11/2013, thành phố cho phép HTX nâng mức phí ở chợ lên gấp 2 lần là đúng theo Quyết định số 12 của UBND tỉnh bởi HTX không còn sự đầu tư của Nhà nước. Về nhu cầu  gia nhập HTX của các bà con tiểu thương chợ Bến Thủy, ông Nguyễn Văn Chỉnh cho biết: Nguyện vọng xin gia nhập HTX của các hộ kinh doanh tại chợ Bến Thủy là chính đáng. Vì vậy, đề nghị  BQT HTX Bến Thủy căn cứ qui định của HTX và điều lệ HTX để xem xét, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh có nhu cầu được kết nạp vào làm xã viên của HTX chợ theo đúng qui trình, trình tự. 
 
UBND thành phố đã tổ chức đối thoại với bà con tiểu thương, đồng thời yêu cầu HTX Bến Thủy chấn chỉnh lại việc thu phí cũng như các hoạt động khác tại chợ theo đúng qui định của Nhà nước. Trong quá trình hoạt động, yêu cầu BQT HTX Bến Thủy phải thực sự dân chủ, làm tốt công tác tuyên truyền vận động, quán triệt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước để các hộ kinh doanh hiểu và chấp hành nghiêm túc các qui định quản lý về chợ, việc thu phí, lệ phí… tạo điều kiện tốt nhất cho xã viên và các hộ yên tâm kinh doanh tại chợ. Trên tinh thần chỉ đạo của thành phố, HTX đã tính toán lại số tiền thu sai và khấu trừ dần vào tiền thu hàng tháng cho tiểu thương. 
 
Về nội dung các hộ tiểu thương phản ánh cho rằng xã viên của HTX chợ Bến Thủy chủ yếu là họ hàng, cán bộ của phường Bến Thủy, thành phố, ông Nguyễn Văn Chỉnh cho biết: Điều đó luật không cấm, miễn là ai có nhu cầu, nguyện vọng, tán thành điều lệ của HXT, góp vốn thì đều có thể là xã viên HTX. Còn khi thành lập HTX chợ Bến Thủy, vì là mô hình điểm nên thành phố và phường Bến Thủy đã làm qui trình bài bản, đúng qui định. Hồi đó các tiểu thương không hiểu về HTX nên đã không tham gia, chứ không phải lỗi của HTX.
 
Như vậy có thể thấy, HTX chợ Bến Thủy trong thời gian đi vào hoạt động đã làm sai nhiều qui định để thỏa mãn nhu cầu của các xã viên HTX của mình, bỏ qua quyền lợi của tiểu thương trong chợ- những người đang hàng ngày đóng góp cho doanh thu, lợi nhuận của HTX. Việc thu phí quá cao và trong thời gian dài nhưng không được kiểm tra phát hiện và chấn chỉnh. Việc thu tiền chuyển nhượng ốt sai qui định đang lẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng đã không  thực hiện. Đối với bà con tiểu thương, một số hộ đã vì lợi ích trước mắt, của bản thân mà tiếp tay cho hành động vi phạm pháp luật của HTX, để dẫn đến hậu quả đáng tiếc như hôm nay. Hành vi của các hộ kinh doanh đưa tiền cho BQT HTX  mà không nhận hóa đơn (35 triệu đồng) để có được ki ốt là đáng lên án và cần rút ra bài học cho không chỉ chợ Bến Thủy. 
 
Vụ việc đang được cơ quan chức năng vào cuộc nhưng khuất tất ở chợ Bến Thủy cũng là lời cảnh báo cho tình trạng vi phạm các qui định về quản lý, đầu tư, lạm dụng quyền hạn trách nhiệm, hoặc thiếu hiểu biết ở các Ban quản lý chợ, gây mất niềm tin trong nhân dân. Sớm làm rõ sai phạm, quy trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan để ổn định hoạt động của chợ là mong muốn của tiểu thương và người dân.
 
Theo Quyết định số 12/QĐ UBND tỉnh về qui định mức thu và quản lý phí chợ trên địa bàn Nghệ An: Đối với chợ hạng 2, hạng 3: Trích để lại 90%, nộp ngân sách 10% số phí thu được. 
Chợ hạng 2: đối với ki ốt cố định:  vị trí kinh doanh loại 1 mức phí địa điểm kinh doanh vị trí loại 1 là: 48.000 đồng/ m2/ tháng, vị trí loại 2: 40.000 đồng/ m2/ tháng,  vị trí loại 3: 28.000 đồng/ m2/ tháng… Đối với vị trí trong đình chợ: vị trí loại 1: 48.000 đồng/ m2, loại 2: 44.000 đồng/ m2. Hàng tôm, cá, mực ở các vị trí không cố định; 6.500 đồng/ m2/ tháng, hàng rau: 3.000đồng/m2/ tháng. Trường hợp chợ của tư nhân hoặc doanh nghiệp quản lý từ nguồn vốn không do Nhà nước đầu tư có thể áp dụng mức thu cao hơn, nhưng tối đa không quá hai lần mức thu qui định trên. 
 
Hồng Sọc