(Baonghean) - Hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn trở thành những cánh tay nối dài của Ngân hàng CSXH chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến người dân. Song, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn một số nơi vẫn chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, đối với tổ chức Đoàn thanh niên, hiện nay còn 30% cơ sở đoàn phường, xã chưa có tổ tiết kiệm và vay vốn, thiệt thòi cho thanh niên trong tiếp cận vốn lập thân, lập nghiệp.
 
images1029886_3a.jpgAnh Lương Văn Tuất đầu tư vốn vay trồng mía.
 
Mặc dù là Bí thư Chi đoàn bản Minh Châu, xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) nhưng anh Lương Văn Tuất phải vay vốn ủy thác của Hội Phụ nữ vì tổ chức Đoàn xã không có tổ tiết kiệm và vay vốn. Anh Lương Văn Tuất chia sẻ: “Gia đình tôi bắt đầu vay vốn hộ nghèo năm 2011 từ tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ xã, đến nay còn dư nợ 25 triệu đồng. Từ nguồn vốn này đã giúp tôi đầu tư vào trồng mía, keo, mua 1 con trâu kéo. Nay trâu mẹ đã đẻ thêm một nghé con; năm 2013, diện tích trồng mía hơn 1ha đã cho thu hoạch 32 tấn mía, bán cho nhà máy được trên 28 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất còn lãi khoảng 20 triệu đồng. Từ hai bàn tay trắng, nay vợ chồng tôi đã thoát nghèo, sắp tới thu hoạch vụ mía này tôi dự định trả hết nợ vay để tạo điều kiện cho hộ thanh niên khác được tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế. Tôi rất mong muốn Đoàn xã cũng có tổ tiết kiệm và vay vốn để nhiều thanh niên được vay vốn ưu đãi của Nhà nước”.
 
Tuy nhiên không phải hộ thanh niên nào cũng may mắn như anh Tuất được vay vốn từ tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội phụ nữ hoặc Hội Nông dân. Toàn huyện Quỳ Châu có 12 xã, thị trấn, trong đó 7/12 cơ sở Đoàn xã, thị trấn chưa có tổ tiết kiệm và vay vốn, gồm: xã Châu Hoàn, Châu Nga, Châu Hội, Châu Thắng, Châu Hạnh, Diên Lãm, Thị trấn Tân Lạc. Như vậy chỉ 5 cơ sở Đoàn xã còn lại có tổ tiết kiệm và vay vốn nhưng cũng chỉ được 16 tổ. Do đó cũng dễ hiểu khi dư nợ của tổ chức Đoàn thanh niên toàn huyện thấp nhất trong 4 tổ chức nhận uỷ thác. Theo số liệu của Ngân hàng Chính xã xã hội huyện Quỳ Châu, tính đến 31/7/2014, tổng dư nợ ủy thác của 4 tổ chức hội (nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên) hơn 188,8 tỷ đồng, với 8.981 hộ vay vốn, và 240 tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, Hội Nông dân có 78 tổ, dư nợ gần 62 tỷ đồng; Hội Phụ nữ có 92 tổ, dư nợ 79 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh có 54 tổ, dư nợ 38 tỷ đồng; Đoàn thanh niên 16 tổ, dư nợ gần 10,3 tỷ đồng.
 
Anh Lang Mạnh Cường - Bí thư Đoàn xã Châu Hạnh chia sẻ: Tổ chức đoàn xã rất mong muốn có tổ tiết kiệm và vay vốn để tạo điều kiện cho anh em vay phát triển kinh tế. Nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình thanh niên khá lớn, nhưng không có vốn, thanh niên khó có cơ hội để làm kinh tế như chăn nuôi, trồng trọt, làm hương trầm… Hơn nữa, không có các tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức Đoàn xã rất khó tập hợp thanh niên vì không có gì ràng buộc họ, vì thế, phong trào đoàn ở địa phương phát triển hạn chế. 
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Vi Văn Hạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh - Trưởng Ban xoá đói giảm nghèo xã cho biết: Trước đây tổ chức Đoàn thanh niên xã cũng có 1 tổ tiết kiệm và vay vốn, nhưng do đồng chí tổ trưởng chiếm dụng tiền lãi suất, năng lực quản lý hạn chế nên phải chuyển tổ này sang cho Hội Nông dân quản lý. Từ đó mất niềm tin nên Đoàn thanh niên xã vẫn chưa được quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện nay, Ban chấp hành đoàn xã mới có nguyện vọng nhận vốn ủy thác, được sự thống nhất của Ngân hàng CSXH huyện, Ban xoá đói giảm nghèo của xã sẽ họp, thống nhất giữa các tổ chức Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh xem xét để san sẻ một số tổ tiết kiệm và vay vốn của các tổ chức hội cho Đoàn thanh niên quản lý, nhằm khơi dậy sức trẻ cống hiến cho xã hội.
 
Tương tự, xã Châu Nga cũng trắng tổ tiết kiệm và vay vốn của Đoàn thanh niên. Qua tìm hiểu được biết, ở xã Châu Nga, tổ chức đoàn có sự thay đổi nhân sự liên tục, hơn nữa năng lực của cán bộ đoàn xã (giai đoạn trước đây) còn hạn chế, nên cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa mạnh dạn giao vốn cho Đoàn thanh niên quản lý. Ông Nguyễn Xuân Hoà - Chủ tịch UBND xã Châu Nga cho hay: Đến thời điểm hiện nay, tổng dư nợ vốn vay ủy thác của toàn xã Châu Nga chỉ 4,6 tỷ đồng của các tổ chức hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Nông dân. Dư nợ thấp một phần do nguồn vốn hạn chế, dân số Châu Nga ít (cả xã có 498 hộ với 2.098 nhân khẩu). Để thành lập tổ TK&VV mới là rất khó, chỉ có thể san sẻ tổ tiết kiệm và vay vốn của các tổ chức hội cho Đoàn thanh niên quản lý, nhưng cái khó là hội nào cũng muốn giữ vốn cho thành viên của mình vay. Trước thực tế này, thời gian tới chúng tôi sẽ chỉ đạo Ban xoá đói giảm nghèo của xã phối hợp với Ngân hàng CSXH rà soát lại tổng dư nợ để chia tách một số tổ tiết kiệm và vay vốn từ các tổ chức hội khác sang cho Đoàn thanh niên quản lý, nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm của tổ chức đoàn cũng như đảm bảo quyền lợi cho đoàn thanh niên. Phấn đấu trong năm 2014 này tổ chức Đoàn thanh niên xã Châu Nga sẽ được tiếp cận quản lý nguồn vốn vay.
 
Chị Nguyễn Thị Hiếu - Phó Bí thư Huyện đoàn Quỳ Châu cho biết: Đặc thù của tổ chức đoàn thường xuyên luân chuyển công tác nên khó tạo được niềm tin với cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương tin tưởng giao vốn cho vay. Bên cạnh đó, thanh niên nếu đang ở với bố mẹ mà bố hoặc mẹ đã vay vốn ở các tổ chức hội khác thì con không được vay vốn nữa. Đó cũng là cái khó cho thanh niên trong tiếp cận vốn vay ưu đãi. Thực tế, 7/12 xã, thị trấn “trắng” tổ tiết kiệm và vay vốn của tổ chức Đoàn thanh niên, thiếu vốn thanh niên phải đi tha phương làm ăn. 
 
Qua tìm hiểu tại địa bàn huyện Quỳ Châu cho thấy, chất lượng tín dụng do Đoàn thanh niên quản lý trong thời gian qua khá tốt, bình xét nghiêm túc, cho vay đúng đối tượng, đặc biệt ở 3 xã: Châu Phong, Châu Bình, Châu Tiến phát huy vốn vay rất hiệu quả. Thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm kinh tế trang trại… Dư nợ quá hạn đến thời điểm hiện nay của tổ chức Đoàn thanh niên toàn huyện chỉ gần 15 triệu đồng. Nguyên nhân do rủi ro khách quan (trong đó có 1 đối tượng vay 10 triệu đồng đã mất, còn một đối tượng vay 4 triệu đồng nhưng kinh tế quá khó khăn chưa trả được nợ).
 
Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Văn Toàn - Phó Ban Thanh niên nông thôn công nhân và đô thị, Tỉnh đoàn Nghệ An cho biết: Toàn tỉnh hiện 30% cơ sở đoàn phường, xã chưa có tổ tiết kiệm và vay vốn, tập trung nhiều ở các huyện miền núi như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu… Do đặc thù của hệ thống cán bộ đoàn từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên biến động, luân chuyển nên chính quyền địa phương còn e ngại khi giao cho tổ chức đoàn đảm nhiệm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn. Một số địa bàn do nguồn vốn ủy thác thấp nên các tổ chức hội khác đảm nhiệm. Để tăng tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn thanh niên quản lý, trong thời gian tới cần sự vào cuộc của hệ thống chính quyền cơ sở, sự quan tâm của Ngân hàng CSXH. Bên cạnh đó, cán bộ đoàn các cấp phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý, năng động, sáng tạo để được tin tưởng giao quản lý vốn. 
 
(còn nữa)
Quỳnh Lan