(Baonghean) - Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh ta đã có các giải pháp nhằm bảo tồn di tích với các hình thức khác nhau. Tuy nhiên, để kho tàng di sản văn hóa Nghệ An ngày càng phát huy hiệu quả rất cần sự liên kết giữa các vùng, miền trong tỉnh, trong khu vực.
 
Với tiềm năng di tích phong phú, đa dạng từ di tích khảo cổ học, di tích lịch sử (DTLS), kiến trúc nghệ thuật, di tích cách mạng, danh nhân, di tích danh thắng trải dài khắp 20 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiều di tích tiêu biểu như: Khu di tích Kim Liên, đền Cờn, đền Quả Sơn, đền Cuông, Rừng quốc gia Pù Mát, bãi Lữ… thì công tác bảo tồn di tích trên đất Nghệ An để giáo dục truyền thống cách mạng và phát triển du lịch  là những mục tiêu các địa phương trong tỉnh đang hướng tới...
 
Là một trong những địa phương có nhiều cách làm hay để bảo tồn di tích gắn với giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, thời gian qua, Yên Thành đã tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Luật Di sản văn hóa để nhân dân, các cấp chính quyền nhận thức sâu sắc giá trị to lớn của các di tích - danh thắng. Đặc biệt, các DTLS cách mạng ngày càng thu hút đông đảo các em học sinh tới tham quan, học tập như di tích Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu. Riêng Nhà lưu niệm Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành ngày 10/12/1961, nhân dân và cán bộ thường xuyên tổ chức dâng hương, dâng hoa báo công với Bác trong các ngày lễ, Tết độc lập, Tết cổ truyền, ngày sinh nhật Người… cứ 5 năm một lần, ngành VH - TT và DL huyện tổ chức đêm chung kết, công diễn những tiết mục văn nghệ xuất sắc nhất trong hội diễn nghệ thuật quần chúng "Liên hoan tiếng hát Làng Sen" tại địa điểm lịch sử này.

770708_small_68723.jpg

Lễ cầu ngư bên bờ biển Quỳnh Phương.

Rước linh vị Vua Quang Trung.                                      Ảnh:  Phan Văn Toàn

Theo ông Nguyễn Anh Mai, Trưởng phòng VHTT và DL huyện Nam Đàn thì từ năm 2006, UBND huyện đã có đề án phát triển du lịch - dịch vụ giai đoạn 2006 - 2010, trong đó chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch. Trong đó công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, xây dựng những tuyến du lịch nội vùng, đặc biệt là du lịch văn hoá tâm linh đã được ngành quan tâm. Đến nay, toàn huyện đã có 21 di tích cấp quốc gia và 9 di tích cấp tỉnh. Để khai thác, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, UBND huyện đã xây dựng quy chế quản lý, khai thác, phát huy các giá trị DTLS văn hóa, xây dựng đề án khôi phục hát ví phường vải, tổ chức các CLB hát dân ca… Nhiều địa phương thực hiện tốt công tác xã hội hoá, nhân dân tự nguyện đóng góp sức người, sức của để xây dựng, khôi phục các di tích đình, chùa, miếu, mạo. Các lễ hội truyền thống của huyện được tổ chức bài bản, nâng cấp về quy mô như Lễ hội đền Vua Mai, Lễ hội làng Sen, Lễ hội đền Nhạn Tháp … Đặc biệt, Dự án “Bảo tồn tôn tạo Khu DTLS văn hóa Kim Liên gắn với phát triển du lịch” đã dần hoàn thành và bước đầu đưa vào phục vụ. Nhờ vậy đã thu hút khách du lịch đến với Nam Đàn ngày càng đông hơn.
 
Thị xã Cửa Lò với những di sản văn hoá tiêu biểu như: đảo Song Ngư, đảo Lan Châu, đền Vạn Lộc, chùa Lô Sơn, chùa Đảo Ngư... là những điểm nhấn quan trọng để khai thác khách du lịch đến với Cửa Lò năm sau cao hơn năm trước. Ông Nguyễn Văn Mười – Trưởng phòng VHTT và DL thị xã cho biết: Cửa Lò có 18 DTLS văn hóa được quy hoạch bảo tồn, trong đó 9 di tích đã được xếp hạng (2 di tích cấp quốc gia và 7 di tích cấp tỉnh). Là một thị xã du lịch biển, nên việc bảo tồn, phát huy các giá trị DTLS văn hóa phục vụ cho du khách được chính quyền thị xã rất quan tâm. Hiện thị xã đang xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2011 – 2015. Tuy nhiên, thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu du lịch văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách trong nước khi tới Cửa Lò, ngoài duy trì các lễ hội truyền thống như: Lễ hội đền Vạn Lộc, lễ hội sông nước Cửa Lò, các tour du lịch nội thị như đền Vạn Lộc – đền Thu Lũng – chùa Lô Sơn – chùa Đảo Ngư… Thị xã cũng liên kết với các vùng phụ cận hình thành những tour du lịch mang đậm bản sắc văn hoá vùng sông nước như:  Cửa Lò - Kim Liên; Cửa Lò - sông Lam - đền Củi;  Cửa Lò - Vinh - Khu di tích Kim Liên - Rừng nguyên sinh Pù Mát; Du thuyền vãn cảnh đảo Lan Châu - Động Rùa - đảo Tiên; Cửa Lò - đảo Ngư - đảo Mắt - sông Lam …
 
Bảo tồn di tích để phát triển du lịch văn hóa tâm linh đang là định hướng của rất nhiều địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là những địa phương có nhiều DTLS văn hóa như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Yên Thành, Hưng Nguyên, Thanh Chương… và một số huyện miền núi như Qùy Châu, Quế Phong, Tương Dương. Hằng năm, trên địa bàn tỉnh có 24 lễ hội truyền thống, đa số các lễ hội ở Nghệ An đều gắn với các DTLS như: Lễ hội đền Cuông gắn với tích Thục An Dương Vương, lễ hội đền Quả Sơn là dịp tưởng nhớ công đức của Vua Lý Nhật Quang, Lễ hội đền Nguyễn Xí gắn với danh nhân Nguyễn Xí, Lễ hội Làng Sen là dịp để nhân dân nhớ tới công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Mặc dù ngành Du lịch cũng đã hình thành những tuyến du lịch nội tỉnh, nhằm liên kết chặt chẽ hơn di sản văn hóa giữa các các vùng, miền trong tỉnh như: Vinh – Diễn Châu – Quỳnh Lưu – Nghĩa Đàn; Vinh – Nam Đàn – Thanh Chương; Vinh – Anh Sơn – Con Cuông – Tương Dương; Vinh – Quỳ Châu – Quế Phong; Vinh – Đô Lương – Tân Kỳ - Nghĩa Đàn… hay các tour nội tỉnh như Vinh – Cửa Lò; Vinh – Bãi Lữ…Tuy nhiên, do chưa đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá nên những tuyến du lịch liên kết vùng này vẫn chưa đến được với người dân trong tỉnh. Bên cạnh đó, người dân Nghệ An lâu nay vẫn có xu hướng “đã đi du lịch là phải đi ra các tỉnh” còn du lịch tỉnh mình chủ yếu vẫn “xuống Cửa Lò, về quê Bác”. Hầu như các điểm du lịch nội tỉnh khác vẫn chưa “hút” được “khán giả nhà”, trừ các điểm du lịch văn hóa tâm linh.
 
Anh Lê Văn Thành – Giám đốc Trung tâm lữ hành Hữu Nghị cho biết: Để bảo tồn di tích gắn với khai thác tiềm năng du lịch, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trung tâm lữ hành trong tỉnh, chính quyền các địa phương có điểm, tuyến du lịch cần liên kết phối hợp chặt chẽ với nhau để cùng xây dựng lên một “thương hiệu” du lịch nội tỉnh, nội vùng. Thời gian qua, một số điểm du lịch như Vườn quốc gia Pù Mát, biển Cửa Lò, quê Bác, Nghĩa trang liệt sỹ Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), các bảo tàng… bước đầu thu hút du khách nhưng chủ yếu vẫn là học sinh, sinh viên các trường học, hội, đoàn thể với số lượng không đáng kể đăng ký tham quan theo tuyến, hoặc theo nhu cầu tại trung tâm. Để phục vụ khách du lịch ngày càng tốt hơn, tạo ra các điểm du lịch phong phú, hấp dẫn, trung tâm cũng đã liên kết với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, xây dựng một số tour du lịch mua sắm như Vinh – Phong Nha – Khu thương mại quốc tế Lao Bảo; Vinh – Hạ Long – Đảo Cát Bà – Đồ Sơn; du lịch văn hóa lễ hội như Vinh – chùa Hương Tích – đền ông Hoàng Mười – đền bà Chúa Kho; du lịch về cội nguồn Vinh – Thái Nguyên – Tuyên Quang, Vinh – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên - Sa Pa – Lào Cai – Phú Thọ; tham quan con đường di sản miền Trung, khám phá đất Việt mến yêu…
 
Cùng với các tỉnh trong khu vực Bắc miền Trung, Nghệ An xác định du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế có vị trí quan trọng. Vì thế, nhằm bảo tồn, phát huy tối đa các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, các giá trị văn hóa, lịch sử, lễ hội và các trò chơi dân gian thành sản phẩm du lịch, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao, Nghệ An đã và đang quy hoạch các cụm di tích – danh thắng và những vùng du lịch – văn hóa để phát triển và nâng cao các lễ hội lên quy mô vùng và toàn quốc theo định hướng; xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội (từ lễ hội vùng, tiểu vùng, đến các lễ hội dân tộc, tôn giáo, dòng họ ...) để phân cấp cho mọi địa phương có trách nhiệm chăm lo, gìn giữ và phát huy di tích và lễ hội, theo xu hướng ngày càng được xã hội hóa cao. Xây dựng và phát triển một số di tích – lễ hội gắn với vùng du lịch văn hóa như: di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lễ hội Làng Sen gắn với vùng du lịch văn hóa Kim Liên; Thành Phượng Hoàng Trung Đô; cụm di tích Bến Thủy với vùng văn hóa Lâm viên núi Quyết; Di tích và Lễ hội đền Cuông gắn với văn hóa du lịch núi Mộ Dạ, bãi tắm Cửa Hiền, hồ Xuân Dương; lễ hội sông nước gắn với cụm di tích – danh thắng và vùng du lịch nghỉ mát tắm biển Cửa Lò; Di tích và Lễ hội Hang Bua gắn với vùng văn hóa hang động đường 48... Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết, quảng bá, xúc tiến điểm đến du lịch chung trong vùng thông qua các ấn phẩm du lịch; phối hợp luân phiên tổ chức các sự kiện du lịch, văn hóa trong vùng để quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch chung cũng như của từng địa phương... Tuy nhiên, theo ông Cao Đăng Vĩnh - Giám  đốc Sở VHTT và DL Nghệ An thì để bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch nhanh, bền vững, ngoài nội lực của mỗi tỉnh, mỗi địa phương, rất cần sự liên kết giữa các vùng, miền trong tỉnh, trong khu vực để tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng xứ Nghệ nói riêng và vùng Bắc miền Trung nói chung. Trước mắt, Nghệ An sẽ liên kết với các tỉnh, thành xây dựng tour du lịch gắn với “Con đường di sản miền Trung”, “Hành trình các kinh đô Việt cổ”, “Hành trình theo chân Bác” và nhiều chương trình du lịch chuyên đề khác...


Thanh Thủy