L.T.S: Chuyện lập mường, lập bản, đi cưới vợ không thể thiếu một chiếc ô, đi đường không được ném đá,... đó là những điều thú vị về người Mông. Xin giới thiệu chuyên đề “Khám phá cộng đồng người Mông ở Nghệ An”, nhằm giới thiệu một số điều bổ ích, thú vị đến bạn đọc...
(Baonghean) - Chuyện kể, trước kia người Mông họ Lầu chưa biết dùng sợi dệt vải che thân. Hai anh em bàn nhau đi hỏi cha mẹ mình là Rồng Xanh và Rồng Trắng thì được bày vẽ rằng họ phải lên trời xin hạt cây lanh về trồng lấy vỏ, tước sợi dệt thành vải.
Tổ tiên người Mông
Người Mông cư trú trên địa bàn các huyện Quế Phong, Tương Dương và đông đảo nhất là huyện Kỳ Sơn. Tại địa bàn này, người Mông chủ yếu cư trú tại các xã Na Ngoi, Mường Ải, Mường Típ, Tà Cạ, Na Loi...; trong đó có những xã thuần người Mông như Mương Lống, Huồi Tụ, Tây Sơn, Đoọc Mạy, Nậm Càn... Người Mông cư trú ở vùng đồi núi cao khoảng 1000m, khí hậu khá đặc biệt vì thế mà văn hóa, lối sống của cộng đồng này cũng có những nét riêng khó trùng lặp với những cộng đồng thiểu số khác như người Thái, Khơ mú trên địa bàn.
Cũng như các cộng đồng thiểu số khác, lịch sử của người Mông gắn liền với những huyền thoại, với quá trình thiên di của họ từ phương Bắc xuống Việt Nam vào quãng thời gian từ 300 năm đến khoảng 100 năm về trước. Đó là những cuộc đấu tranh để gìn giữ địa bàn cư trú cũng như trên đường đi tìm địa bàn sinh tồn mới. Những cuộc tranh đấu này đã được huyền thoại hóa qua chuyện kể và huyền thoại về người Mông họ Lầu ở bản Nậm Khiên (Nậm Càn - Kỳ Sơn) là một điển hình mà chúng tôi đã được nghe trong một chuyến thâm nhập thực tế gần đây.
Đó là một buổi chiều tháng Tư đầy nắng, chúng tôi tìm gặp già bản Lầu Xái Phia. Biết chúng tôi sẽ chở nhau bằng xe máy vào bản, già Xái Phia đã nhắc nhở một cách hài hước về những con dốc cao vào bản rằng: Lên dốc muốn ngồi gần nhau đã khó, còn lúc xuống dốc muốn ngồi xa ra lại càng khó hơn. Đó quả là một cách nghiền ngẫm chỉ có ở người Mông mà phải đi trên chính con đường từ trung tâm xã Nậm Càn xuống bản Nậm Khiên mới thấu được. Cụ ông từng trải ngót ba chục năm làm bí thư đảng ủy xã biên giới này. Trong căn nhà truyền thống người Mông ở bản Nậm Khiên, già Xái Phia đã kể cho cúng tôi nghe truyền thuyết về cộng đồng dân tộc mình hệt như một diễn giả đầy đam mê...
Truyền thuyết kể: Xưa kia, người Mông ở đất của nước Trung Quốc bây giờ. Khi ấy người ta còn ăn lông ở lổ, trời mới sinh ra một cặp Rồng Xanh và Rồng Trắng. Rồng Xanh là con cái, phận em còn Rồng Trắng là con đực, phận anh. Lúc này mặt đất hãy còn mấp mô hỗn độn lắm. Trời mới sai Rồng Trắng và Rồng Xanh xuống san bằng làm chốn cho con người sinh cơ lập nghiệp. Rồng Xanh là phận nữ yếu ớt nên được giao san phần đất bằng phẳng và ít đá núi hơn, còn Rồng Trắng san chỗ đồi núi cao, lèn đá. Rồng Xanh chăm chỉ làm lụng lại sẵn tính cẩn thận nên đã san đất rất bằng phẳng, còn Rồng Trắng ham chơi lại làm ẩu cho xong chuyện nên mấp mô lồi lõm. Đấy là lý do bây giờ có vùng đồng bằng và đồi núi.
Khi kỳ công hoàn thành, hai người gặp nhau ở một ngọn núi có ghềnh thác cao giáp ranh giữa 2 nước Việt - Trung ngày nay. Lúc này, Rồng Trắng cưới Rồng Xanh làm vợ và trở về phương Bắc ở trong một hang động. Sau 7 năm chung sống, đôi rồng sinh một bào thai. Sau 7 tháng, cặp vợ chồng bàn nhau đem bỏ bào thai ngoài trời để cho hư hoại. Nhưng kỳ lạ thay, qua 7 tháng, bào thai vẫn tươi như khi mới sinh ra. Một đêm nàng Rồng Xanh thấy trời báo mộng rằng bào thai chính là cội nguồn của dân tộc Mông và sai cắt bào thai thành 15 phần bỏ vào mỗi cửa hang khác nhau bởi sau này sẽ trở thành 15 dòng họ người Mông.
3 tháng sau, vợ chồng nhà Rồng thấy tất cả 15 hang động đều có khói lửa bốc lên. Rồng Trắng mới bảo vợ: Nàng hãy đi xem tại sao lại có khói lửa khắp nơi thế này, ông trời đốt thứ gì đó chăng? Rồng Xanh liền bắc cầu vồng lên trời nhìn xuống thấy mỗi cái hang đều có một cặp trai gái. Đó là những người đầu tiên của 15 dòng họ người Mông, con của Rồng Xanh và Rồng Trắng. 15 dòng họ ấy bao gồm: Lầu, Xồng, Vang, Già, Mùa, Hạ, Lỳ, Vừ, Cử, Thò, Dềnh, Cha, Si, Lò, Khùa.
Họ Lầu, con của hổ
Truyền thuyết cũng kể, người Mông họ Lầu ở hang thứ bảy. Ở đó có 2 người là Lầu Tu Vàng (anh trai) và Lầu Gủa Pà (em gái). Hai người lúc này vẫn đang ăn lông ở lổ. Họ ở vậy suốt 17 năm trời. Lúc này Lầu Tu Vàng đã khôn lớn nên đi hỏi cha mẹ lấy gì để mặc che thân. Vợ chồng nhà Rồng liền bảo phải lên trời xin hạt cây lanh về trồng rồi tước sợi dệt vải may quần áo. Khi đã biết tước sợi, dệt vải, anh em nhà họ Lầu còn biết ghè đá mài thành dao, cuốc rồi biết rèn đồng, rèn sắt. Khi đã có cây lanh, Lầu Tu Vàng biết dùng sợi lanh đi đánh bẫy bắt thú rừng về làm thức ăn và thuần hóa thành vật nuôi. Người anh còn dùng sợi lanh làm dây nỏ đi săn. Hai anh em đi xin hạt kê về trồng để lấy cái ăn.
Một hôm, lúc đi đặt bẫy trong rừng, Lầu Tu Vàng bị hổ vồ rồi ăn thịt. Hổ lấy áo quần rồi cải trang thành người anh và trở về nhà chung sống bình thường cùng cô gái. Cô em sinh nghi liền hỏi. Lúc này, hổ thú thực đã ăn thịt người anh và muốn hỏi Gủa Pà làm vợ, nếu cự tuyệt cô sẽ phải chung số phận với anh trai. Cô gái sợ hãi đành chấp nhận làm vợ hổ. Sau 3 năm, cặp vợ chồng sinh được 2 con trai. Người anh là Lầu Pha, em là Lầu Dờ. Ba mẹ con chuyên việc phát nương làm rẫy. Những lúc lên nương rẫy, vì không phải là người nên hổ rất e ngại không dám đi cùng ba mẹ con mà chỉ đi theo hai bên đường để bảo vệ họ. Một ngày nọ, trên đường đi rẫy về cậu trai cả nghịch ngợm nhặt đá ném vào bụi rậm hai bên đường. Đang theo bảo vệ gia đình, chẳng may hổ bị ném trúng vào đầu liền ngã lăn ra chết. Ba mẹ con không thấy hổ về bèn đi tìm thì thấy hổ đã chết. Họ đem hổ đi chôn cất chu đáo.
Từ đó, người Mông họ Lầu đều căn dặn con cháu khi đi đường không được ném đá vì trước đó đã làm chết tổ tiên của mình. Cũng từ đó, hễ mổ bò để cúng là phải dành một chân cho hổ. Người ta chụm 3 que củi cháy dở lại với nhau, đặt lên trên một chiếc ghế làm giá để chân bò. Người họ Lầu nhớ về tổ tiên mình là con của hổ, nên hễ mổ bò cúng lễ là phải chia phần cho hổ. Họ cũng kiêng ăn thịt hổ như những họ người Thái là Lữ, Lộc, Lương, Quang.
Vào dịp lễ, Tết, người họ Lầu bỏ đồ cúng gồm lòng bò, lòng lợn trong 7 chiếc bát, treo 7 bộ quần áo lên vách gồm 3 bộ quần áo nữ và 4 bộ quần áo nam. Điều này, tượng trưng cho vị trí cái hang thứ bảy, nơi Rồng Xanh và Rồng Trắng sinh ra người Mông họ Lầu!
(Còn nữa)
Hữu Vi - Đào Thọ