(Baonghean) - Lâu nay, các lò gạch thủ công vốn gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh và "ăn đất" nông nghiệp. Tác hại là vậy, nhưng quá trình xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh lại đang diễn ra một cách chậm chạp dù đã vượt thời điểm xóa bỏ hoàn toàn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngót 3 năm. Căn nguyên của những hiện tượng này ở đâu?
Ở Nghệ An, ngoài Nam Đàn đã xóa bỏ hoàn toàn 40/40 lò gạch trên địa bàn huyện từ giữa năm 2011, còn hầu như các địa phương khác quá trình xóa bỏ lò gạch vẫn đang ì ạch. Dọc theo cung đường 15A huyền thoại chạy qua địa phận xã Mỹ Sơn, Nhân Sơn, Minh Sơn (huyện Đô Lương) các lò gạch thủ công vẫn ung dung nhả khói cho ra sản phẩm. Khi trao đổi với lãnh đạo các địa phương trên, hầu hết họ đều tỏ ra không mấy mặn mà với quá trình xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn, bởi khoảng trống về ngân sách cũng như việc giải quyết việc làm cho lao động sau khi các lò gạch thủ công bị xóa bỏ để lại thực sự lớn. Nhiều câu hỏi đặt ra về nguồn thu, về giải quyết việc làm cho số lao động phải nghỉ việc thật không dễ tìm ra lời đáp ngay trong một sớm một chiều cho chính quyền địa phương.
Lò gạch thủ công vẫn hoạt động tại xã Minh Sơn, huyện Đô Lương.
Xã Minh Sơn (huyện Đô Lương) có 18 lò gạch thủ công (nhiều nhất huyện), giải quyết việc làm cho cho hơn 200 lao động trong xã, đồng thời đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng tại địa phương. Đến thời điểm đầu tháng 5 năm nay, xã mới xóa bỏ được 8/18 lò gạch, cũng nhiều nhất huyện. Số lò gạch còn lại đang hoạt động hết công suất nhằm tận dụng "quota" (hạn ngạch) thời gian từ nay đến cuối năm để sản xuất và nung hết số gạch phôi còn lại. Ông Nguyễn Đình Võ - Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã hoàn toàn chấp hành chủ trương xóa lò gạch của Nhà nước. Tuy nhiên, cũng cần có lộ trình cụ thể để các chủ lò là người tỉnh Hưng Yên giải quyết số gạch phơ chưa kịp đốt. Khó khăn bây giờ là ngân sách của xã giảm đi đáng kể, đồng thời giải quyết việc làm cho số lao động mất việc vì chưa có bất kỳ một chương trình đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho số lao động này".
Cạnh xã Minh Sơn là xã Nhân Sơn cũng đã xóa được 1 lò gạch, lò còn lại theo như cam kết của ông Chủ tịch xã Nguyễn Đăng Chu thì vào cuối năm nay cũng tiến hành xóa nốt. Nguyên nhân chậm trễ cũng tương tự như ở Minh Sơn, chủ lò gạch người tỉnh Hưng Yên xin gia hạn thời gian để giải quyết số gạch phơ còn lại và ổn định cuộc sống. Ông Chu cũng cho biết, lao động trong xã làm công nhân cho các lò gạch bên Minh Sơn và ở Nhân Sơn tương đối nhiều. Vào lúc cao điểm, chỉ tính riêng 2 lò gạch ở trên địa bàn xã giải quyết việc làm cho 40 lao động. Nguồn thu nhập từ lò gạch giúp cải thiện cuộc sống bà con. Vì vậy, khi xóa lò gạch nhiều hộ mất nguồn thu nhập chính, tất cả chỉ còn biết trông vào đồng ruộng.
Mỹ Sơn cũng có 2 lò gạch thủ công, thời điểm chúng tôi đến dù trưa nắng gắt, các lao động mà đa số là phụ nữ vẫn làm việc. Một năm các lao động làm việc tại lò gạch chừng 7 tháng, thu nhập 1 ngày khoảng 200 ngàn đồng/người. Một con số đáng mơ ước đối với lao động ở vùng quê "chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt" như Mỹ Sơn. Theo lời ông Chủ tịch xã Võ Thanh Lục, chủ của 2 lò gạch này đã xin gia hạn, và cam kết đến cuối năm 2012 sẽ dừng hoạt động hoàn toàn. Việc xóa bỏ số lò gạch để lại khoảng trống việc làm cho hơn 40 lao động làm việc tại đây. "Mặc dù đã có chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhưng số lao động phần đa là phụ nữ, lứa tuổi cũng không còn trẻ nên việc tham gia đào tạo nghề không được bà con hưởng ứng cho lắm! Hầu như không có ai tham gia học, chủ yếu họ quay về làm nông thôi", ông Lục cho biết.
Ở cấp độ huyện, vào thời điểm này, cả huyện Đô Lương cũng mới chỉ xóa bỏ được 9/46 lò gạch thủ công. Theo thống kê của phòng Công Thương huyện, vào lúc cao điểm, năng lực sản xuất của 46 lò gạch này lên đến hơn 14 triệu viên/năm, đáp ứng không chỉ nhu cầu vật liệu xây dựngtrong huyện mà còn bán cho các địa phương khác. Việc xóa bỏ các lò gạch sẽ để lại khoảng trống cho thị trường vật liệu xây dựng ở địa phương. Đây cũng là nguyên nhân chính để Đô Lương có cách làm "từ từ" trong suốt thời gian qua, như cách diễn đạt của ông Thư thì huyện đã có lộ trình cụ thể để xóa các lò gạch này, đảm bảo đầu năm 2013 sẽ về đích đúng hạn tỉnh giao.
Ông Thư cho biết: Thực hiện lộ trình xóa lò gạch cũ, huyện đã tiến hành xóa bỏ các lò gạch ô nhiễm trực tiếp tới cuộc sống nhân dân và sản xuất, ảnh hưởng đến các công trình, hành lang giao thông. Các lò gạch còn lại sẽ xóa bỏ đúng lộ trình là đến đầu năm 2013 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, huyện gặp những khó khăn nhất định như việc chuyển sang công nghệ sản xuất gạch mới vẫn chưa tìm đâu ra nguồn vốn, hướng dẫn cụ thể vẫn chưa có. Kế đến là việc đào tạo nghề cho số lao động trong các lò gạch gặp "bí", hệ quả là người lao động thất nghiệp. Trong khi đó, việc sản xuất gạch không nung lại mới chỉ ở dạng tự phát trong dân, sản xuất còn nhỏ lẻ chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường ngay tức thì và tất yếu gây nên tình trạng khủng hoảng thiếu.
Thực trạng xóa bỏ lò gạch thủ công vẫn ì ạch không chỉ xảy ra ở Đô Lương, các huyện Anh Sơn, Tân Kỳ... cũng đang trong tình trạng này. Chỉ còn chưa đầy 7 tháng nữa là năm 2012 khép lại, giờ "G" cho lời "cáo biệt" các lò gạch thủ công trên địa bàn Nghệ An đang rất gần. Nhưng dường như sức ép của thời gian cũng chẳng mấy đè nặng lên các địa phương. Bởi theo ông Nguyễn Trọng Do - Trưởng phòng Quản lý hoạt động vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng cho biết, cả tỉnh vẫn còn trên dưới 100 lò gạch thủ công vẫn chưa được xóa.
Tất cả các địa phương vẫn đang trong tình trạng chờ nước đến chân mới nhảy. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu lần này, tất thảy đều "lên bờ" đúng hạn không? Bởi, theo kế hoạch, Tp Vinh và các vùng phụ cận phải hoàn thành kế hoạch xóa bỏ lò gạch thủ công cuối năm 2006, các huyện đồng bằng hoàn thành vào năm 2007, các huyện trung du miền núi hoàn thành năm 2010. Thời điểm này trôi qua, không một huyện, thành, thị nào cán được đích. UBND tỉnh đã gia hạn đến năm 2013 để chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công theo Quyết định 2743/QĐ-UBND, ngày 24/6/2010.