(Baonghean) - Xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) là một chủ trương kịp thời nhằm tạo bước đột phá mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, bởi nó tạo ra những vùng sản xuất tập trung, khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng cao nhờ được áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, là một trong những địa phương triển khai sau, Nghệ An chỉ mới đi những bước đầu tiên và ở phía trước vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
Với quỹ đất nông nghiệp rộng lớn trên 19,5 vạn ha, Nghệ An có những điều kiện để xây dựng CĐML rất thuận lợi. Trên địa bàn tỉnh có những vùng đất đai đồng bằng rộng lớn, nhiều năm qua đã tạo nên những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với khối lượng hàng hóa lớn như vùng lúa ở Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, hay vùng sản xuất lạc ở Diễn Châu, Nam Đàn, Nghi Lộc… Đặc biệt, những năm qua, với chính sách dồn điền, đổi thửa, chúng ta đã tạo được những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng các cánh đồng mẫu lớn.
Bên cạnh đó là nguồn lao động dồi dào và đội ngũ cán bộ kỹ thuật đông đảo, nhiệt tình, có trình độ cao. Và quan trọng là tỉnh đã đưa vấn đề này thành một chủ trương trong phát triển kinh tế của tỉnh, với những cơ chế hỗ trợ được các sở, ban ngành liên quan và địa phương rất quan tâm trong chỉ đạo. Đặc biệt, từ các hình thức sản xuất cánh đồng thu nhập cao, cánh đồng mẫu, người nông dân đã có những chuyển biến quan trọng trong nhận thức, nhìn thấy được lợi ích và hiệu quả khi tham gia sản xuất theo các hình thức này. Với chính sách dồn điền đổi thửa, kèm theo đó là tu sửa, nâng cấp, xây dựng hệ thống kênh mương, giao thông đồng ruộng đã tạo những điều kiện rất thuận lợi để đưa cơ giới hóa vào sản xuất...
Cánh đồng mẫu sản xuất lạc hiệu quả cao o Diễn Thịnh (Diễn Châu)
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến đánh giá chung, bên cạnh những yếu tố thuận lợi đó, Nghệ An vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức để có thể xây dựng CĐML thành một phong trào rộng khắp, tạo được những bước chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp của chúng ta chủ yếu vẫn đang nhỏ lẻ, chưa phát triển sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Người nông dân vẫn còn giữ thói quen sản xuất nhỏ, tập quán sản xuất cũ, trình độ sản xuất thực sự chưa theo kịp với yêu cầu của mô hình sản xuất hàng hóa lớn như CĐML. Đặc biệt, sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người nông dân chưa thực sự bền vững và hiệu quả.
Những năm qua, từ mô hình cánh đồng thu nhập cao, đến các cánh đồng mẫu, chúng ta đã đạt được những thành quả quan trọng bước đầu, tạo tiền đề quan trọng để bắt tay vào xây dựng, hình thành các CĐML từ vụ xuân 2013. Thành quả rõ nhất là đã nhân rộng được rất nhiều các cánh đồng sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung, với năng suất và chất lượng ngày càng được cải thiện.
Từ chủ trương của Bộ NN&PTNT về xây dựng CĐML tại các tỉnh phía Bắc, Nghệ An đã tích cực triển khai chỉ đạo. Đáng chú ý là cuối năm 2011, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trong đó có phần hỗ trợ để xây dựng các cánh đồng mẫu. Từ vụ xuân 2012, đã bắt đầu có những mô hình cánh đồng mẫu hiệu quả được hình thành, từ sự phối hợp giữa các địa phương và doanh nghiệp mà trong đó, điển hình nhất là Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp với các mô hình lúa và ngô. Ngoài ra, thông qua sự liên kết, ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ giống, một số doanh nghiệp khác cũng đã cùng các địa phương và người nông dân tạo nên các cánh đồng mẫu hiệu quả, thu nhập cao, như Công ty TNHH Vĩnh Hòa (Yên Thành) với các mô hình sản xuất lúa gạo AC5, Công ty CP Giống cây trồng Nghệ An, Công ty CP giống cây trồng Thái Bình… với các giống lúa chất lượng cao...
Đặc biệt, từ chương trình "cạnh tranh nông nghiệp", với tổng nguồn vốn lên đến gần 8 triệu USD từ sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, những năm qua, Nghệ An đã xây dựng được nhiều vùng nguyên liệu tập trung, năng suất, hiệu quả rất cao và đặc biệt là có rất nhiều nét tương đồng với mô hình CĐML như lạc ở Diễn Thịnh (Diễn Châu), chè xanh chất lượng cao ở Thanh Mai (Thanh Chương)...
Đánh giá về những mô hình sản xuất tập trung này, ông Hồ Ngọc Sỹ (Giám đốc Sở NN&PTNT) cho rằng: Trong cùng một điều kiện về khí hậu, tại các cánh đồng mẫu, năng suất, chất lượng và hiệu quả đều đạt cao hơn so với những vùng sản xuất bình thường, đại trà khác, ít nhất trên 10%. Đây là điều rất đáng ghi nhận trong điều kiện sản xuất đại trà của chúng ta cũng đã đạt đến những "ngưỡng" khá cao về năng suất, sản lượng. Điều đặc biệt là nó đã tạo được những chuyển biến rất quan trọng trong nhận thức, tư tưởng của người dân, bà con đã thấy được hiệu quả, lợi ích để từ đó hào hứng tham gia vào chủ trương xây dựng các CĐML.
Dù vẫn còn những vướng mắc, bất cập, nhưng bước đầu đã thiết lập, hình thành những mối liên kết giữa các doanh nghiệp và người nông dân từ khâu đầu tiên là sản xuất cho đến khâu cuối cùng là tiêu thụ - một yếu tố cực kỳ quan trọng để có thể xây dựng thành công các CĐML trên địa bàn. Từ các tiền đề đó, bắt đầu từ vụ xuân 2013, trên cơ sở các địa phương căn cứ tiêu chí để lựa chọn mô hình, toàn tỉnh đã lựa chọn xây dựng 15 mô hình CĐML (10 mô hình lúa, 3 mô hình ngô và 2 mô hình lạc). Dù chưa thu hoạch, nhưng theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đến thời điểm hiện tại, cây trồng phát triển rất tốt, ít sâu bệnh nhờ được sản xuất theo quy trình sạch, theo dõi, chủ động phòng trừ một cách đồng bộ và dự kiến năng suất sẽ cao hơn sản xuất đại trà từ 10 - 15%. Theo kế hoạch, trong năm 2014, Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai xây dựng thêm 13 mô hình CĐML.