(Baonghean) - Thời gian qua, vấn đề ATVSTP trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm của cơ quan chức năng và người dân. nhưng hàng năm, số ca, số người và mức độ ngộ độc thực phẩm vẫn không ngừng gia tăng. Vì sao?
Theo số liệu thống kê của Chi cục ATVSTP, năm 2010, trên địa bàn tỉnh ta xẩy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm, gây ngộ độc cho 149 người, trong đó có 2 người tử vong. Năm 2011 đã xẩy ra 11 vụ, gây ngộ độc cho 251 người, đặc biệt, vụ ngộ độc tập thể nghiêm trọng tại Công ty HaiVina có trụ sở tại Nam Đàn khiến hơn 100 người nhập viện. Cũng trong năm 2011, đội Quản lý thị trường Nghệ An đã phát hiện và xử lý 7 vụ về ATVSTP. Đáng chú ý là vụ việc Đội Cảnh sát Môi trường- Công an T.P Vinh bắt giữ, tiêu hủy 600 kg đuôi, gân bò không rõ nguồn gốc được để trong ngăn đá tủ lạnh của một gia đình kinh doanh quán nhậu trên đường Lê Hồng Phong... Những con số thống kê trên một lần nữa cho thấy vấn đề ATVSTP tại Nghệ An đang nóng dần lên và công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thực phẩm nếu không được quan tâm đúng mức sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho người tiêu dùng.
Thực phẩm được công bố, bày bán trên thị trường hiện nay được chia làm 19 nhóm hàng. Về nguyên tắc, tất cả các mặt hàng khi đưa ra thị trường đều phải được công bố chất lượng sản phẩm, gắn nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ... Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, số sản phẩm được công bố chất lượng chỉ khoảng vài trăm, một tỉ lệ hết sức khiêm tốn. Đa phần, người dân vẫn lựa chọn kênh phân phối thông qua các chợ truyền thống. Về lý thuyết, đây là kênh không đảm bảo an toàn bằng các sản phẩm bày bán trong siêu thị bởi sản phẩm thường không có nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn, khâu bảo quản trước lúc đến tay người tiêu dùng cũng không được coi trọng.
Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Nam Đàn trong vụ ngộ độc thực phẩm ngày 8/12/2011 ở Công ty HaiVina.
Hiện nay ở tỉnh ta, các máy móc, thiết bị phục vụ công tác chẩn đoán - xét nghiệm thực phẩm trước khi đưa ra thị trường chưa đáp ứng được nhu cầu. Ông Dương Tất Thắng, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng III - đơn vị quản lý về công tác thú y trên địa bàn 6 tỉnh Bắc trung bộ cho biết: Nếu đầu tư một hệ thống chẩn đoán - xét nghiệm đạt yêu cầu tiêu chuẩn để giúp công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi tung ra thị trường giống như Cơ quan Thú y vùng III và TPHCM đã làm thì số tiền đầu tư phải lên đến hàng trăm tỉ đồng. Đó là chưa kể công tác đào tạo nhân lực phục vụ công tác kiểm tra, chẩn đoán xét nghiệm cũng hết sức tốn kém. Điều này đang gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý các sản phẩm không đạt chất lượng khi tung ra thị trường. Vì những lý do khách quan, chủ quan đó nên việc phát hiện thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh gặp rất nhiều khó khăn, chỉ khi nào, các vụ ngộ độc xẩy ra, các cơ quan chức năng mới tiến hành lấy mẫu gửi Cơ quan Thú y vùng III hoặc các đơn vị ngoài tỉnh xét nghiệm, chẩn đoán.
Rõ ràng, để có một sản phẩm sạch thì phải "sạch từ trang trại đến bàn ăn" theo một chu trình khép kín. Điều này yêu cầu trong mỗi khâu cần có sự liên kết chặt chẽ đảm bảo mỗi khâu đều được thực hiện một cách an toàn. Tuy nhiên, trong một nền sản xuất được coi là còn lạc hậu của nước ta việc có được một chu trình khép kín trong chuỗi đường đi của thực phẩm theo đúng tiêu chí, yêu cầu là điều hết sức khó khăn nếu không muốn nói là còn nằm ngoài khả năng. Tình trạng sản xuất, chế biến và sử dụng chưa đảm bảo cộng với sự quản lý lỏng lẻo, chồng chéo bấy lâu nay là những nguyên nhân dẫn đến các ca ngộ độc thực phẩm ngày càng gia tăng, mức độ nguy hiểm ngày càng cao. Tỉnh quan tâm triển khai nhiều mô hình sản xuất đảm bảo tiêu chí trong sản xuất nông nghiệp nhằm đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch, chất lượng cao nhưng đến nay, sau nhiều năm triển khai, các mô hình sản xuất theo hướng VietGap vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
(Còn nữa)
Ông Đào Trọng Dũng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Nghệ An cho biết: Nguồn gốc gây nên ngộ độc thực phẩm có thể xuất phát từ tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng sản phẩm như khâu sản xuất, vận chuyển, chế biến và kể cả cách sử dụng thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm do sử dụng thực phẩm không an toàn thường có các triệu chứng, biểu hiện: các bệnh liên quan đến tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, ỉa chảy, mất nước, trụy mạch...; ngộ độc thần kinh như đau đầu, nôn mửa, hôn mê, thậm chí dẫn đến tử vong. Có 3 nhóm tác nhân chính gây ngộ độc thực phẩm bao gồm: ngộ độc do vi sinh (chiếm 90% các vụ ngộ độc), thực phẩm thường có biểu hiện như ôi thiu, mốc, gây nên các bệnh thương hàn, lỵ, ỉa chảy; ngộ độc do hóa chất và do lý học (chỉ chiếm khoảng 10%). Ngộ độc do hóa chất dù chỉ chiếm 8-9% nhưng mức độ gây tổn thương, gây nguy hiểm lại cao hơn hẳn các nguyên nhân khác, có thể gây tổn thương thần kinh và rất dễ dẫn đến tử vong. |