(Baonghean) - Những người hành nghề tâm linh trong xã hội cũ cũng như xã hội ngày nay được gọi là Mo. Theo bài nghiên của của tác giả Thái Tâm (Quỳ Hợp) thì thầy mo là những người làm cầu nối giữa thế giới người với cõi bên kia. Chuyên trang Dân tộc&Miền núi, Báo Nghệ An xin giới thiệu với bạn đọc chùm bài viết khá công phu của tác giả Thái Tâm...

Người Thái cư trú ở 10 huyện thuộc miền núi và trung du tỉnh Nghệ An, chiếm khoảng 70% dân số các dân tộc ít người ở miền núi của tỉnh. Nghệ An là tỉnh có số lượng người Thái cư thứ hai, sau Sơn La.

Người Thái nói chung đều có nguồn gốc xa xưa ở Trung Quốc, chủ yếu là ở phía Nam sông Dương Tử. Theo sách “Các dân tộc ít người ở Việt Nam - các tỉnh phía Bắc” do Viện Dân tộc học biên soạn (NXB KHXH - HN,1978), thì được biết: “Người Thái có mặt ở Việt Nam cách ngày nay khoảng 1.000 năm. Đợt thiên di lớn nhất vào Việt Nam khoảng đầu thiên niên kỷ thứ 2 sau CN, bắt đầu là ngành Thái trắng, tiếp theo là Thái đen và các ngành khác. Vào Việt Nam, đầu tiên họ cư trú ở Tây Bắc. Sinh sống ở Tây Bắc một thời gian, với nhiều lý do, đa số ở lại, một nhóm qua Lào rồi vào Nghệ An; một nhóm qua Hoà Bình, Thanh Hoá rồi vào nghệ An”. Sách “Địa chí huyện Quỳ Hợp” do PGS Ninh Viết Giao chủ biên (NXB Nghệ An - 2003), cho biết cụ thể thêm: “Người Thái ở miền Tây Nghệ An có hai nhóm chính: Tày Mường và Tày Thanh. Nhóm Tày Mường vào miền Tây Nghệ An sớm nhất, ban đầu định cư ở Mường Tôn (huyện Quế Phong ngày nay), sau đó mới có mặt ở nơi khác. Thời gian cụ thể, theo nhiều tư liệu, đa số đều cho là vào khoảng thế kỷ XIII- XIV, cách ngày nay khoảng 600 năm”.

Bà mo Vi Thị Điện ở Chi Khê (Con Cuông). Ảnh: Hữu Vi
Bà mo Vi Thị Điện ở Chi Khê (Con Cuông). Ảnh: Hữu Vi

Những tư liệu vắn tắt trên đây cho ta biết sơ qua về các nhóm người Thái ở miền Tây Nghệ An ngày nay, thực chất là cuộc định cư của người Thái trên một vùng đất hoàn toàn mới sau một chặng thiên di dài dằng dặc, từ Bắc xuống Nam, rồi lại từ Tây sang Đông. Trong cuộc thiên di ấy, người Thái ở miền Tây Nghệ An ngày nay đã mang theo tất cả những nét văn hoá được hình thành từ rất xa xưa của họ, lại được hấp thụ, bổ sung những nét văn hoá mới lạ của các dân tộc khác, có thể là hay hơn hoặc tiến bộ hơn trên con đường đi tới định cư ở vùng miền Tây xứ Nghệ rộng lớn này. Một trong những nét văn hoá ấy có tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng tôn giáo. Xuất phát từ hai thứ tín ngưỡng ấy mà ra đời một lớp người làm nghề đặc biệt, gọi là nghề mo. Mo của người Thái ở miền Tây Nghệ An có thể là đàn ông hoặc đàn bà, có thể là người già hoặc người trẻ, bởi ai cũng có thể học để trở thành mo. Nghề mo bởi thế mà cũng giống như bao nghề khác trong đời sống tâm linh của xã hội người Thái ở đây.

Người Thái bắt đầu hình thành tín ngưỡng dân gian từ khi con người biết chôn đồng loại xuống đất sau khi đã chết. Họ quan niệm, con người ta sống trên mặt đất, còn có một “con người khác” nữa sống chung với con người thật, con người đó không bằng xương bằng thịt, nhưng bất tử, gọi chung là “phi” (linh hồn). Muốn đón rước các “phi” về nhà thờ phụng để phù hộ cho con người, cũng như muốn xua đuổi các loài “phi” đến gây tai hoạ, bản thân con người bình thường không thể làm được, mà phải thông qua một lớp người đặc biệt, được học hành, có chữ (lai), đã được ứng mệnh trời mới thực hiện được. Có như vậy, là mới có khả năng làm người trung gian cho mối quan hệ giữa con người bình thường và các loài “phi”. Lớp người đặc biệt ấy được gọi là “mo”.

Về thế giới quan và vũ trụ quan sơ khai của người Thái, vốn xuất phát từ Trung Quốc cổ xưa. Từ xa xưa, người Thái đã mang trong mình một cách nhìn thế giới và vũ trụ, song hành cùng với sự hình thành nền văn hoá cung đình và nền văn minh “vương công - thành thị” tương đối đặc biệt vào loại sớm nhất ở một quốc gia cổ đại rộng lớn, dựa trên những nền tảng tư tưởng khá tiến bộ so với lịch sử tư tưởng phương Đông lúc bấy giờ, trong đó rất thịnh hành là thuyết “Thiên mệnh- Thiên trị”.

Thuyết này thực chất là một tư tưởng tôn giáo, đồng thời cũng là một chủ trương chính trị, rất có lợi cho giai cấp thống trị lúc bấy giờ để giữ vững ngôi báu của mình. Có thể nói tóm tắt: Người ta chia vũ trụ ra làm hai tầng, tầng trên là thế giới siêu hình, được gọi là “Thiên”, tầng dưới là thế giới hữu hình, được gọi là “Địa”. Ở giữa “Thiên” và “Địa” là con người và vạn vật sinh sống, trong đó con người là chủ đạo, nên được gọi chung là “Nhân”. Vũ trụ lúc này có 3 thế lực tương tác không cân bằng nhau, là Thiên - Địa - Nhân, trong đó thế lực quyết định là “Thiên”, chịu sự quyết định là “Địa”, và thụ động là “Nhân”. “Thiên” bởi thế mà cũng trực tiếp điều hành “Nhân”. Vua chính là cái gạch nối giữa ông Trời ở trên cao với Con người ở dưới mặt đất.

Phải chăng, người Thái đã trên cơ sở đó mà phát triển từ nhận thức của tín ngưỡng dân gian lên thành tín ngưỡng mang màu sắc tôn giáo của mình trong quá trình hình thành và phát triển nghề mo (?) Người Thái gọi Trời  là “Then” (chính là “Thiên”, bị đọc chệch đi). Mường trời cũng được gọi là “Mường Then”. Vì Trời là gốc, quyết định mọi chuyện, con người ta đều có nguồn gốc từ trên Trời. Nghe theo ý vua tức là đã phụng theo ý trời! Chống lại vua cũng có nghĩa là chống lại ý trời. Ông vua chính là “ông Trời con” ở dưới mặt đất vậy.

Trong cuộc thiên di dài dằng dặc từ Bắc xuống Nam, với bao gian lao, khổ cực… người Thái đã không có Tổ quốc, cũng có nghĩa là không có vua, họ chỉ biết có thủ lĩnh dẫn đường, với tâm trí luôn hướng tới một vùng đất yên bình để có thể định cư lâu dài, mà không còn thời gian cho sự giao lưu giữa trời và con người nữa, bởi thế mà có bao nhiêu tai hoạ do ý trời ban xuống mà con người không làm sao để biết trước được. Từ thực tiễn đó, trong cộng đồng thiên di bắt đầu hình thành một tầng lớp “trí thức” mới. Tầng lớp “trí thức” ấy, dần dần đã tự “thần hoá” chính mình, để có vị trí ngang với thủ lĩnh cộng đồng, và họ tự gọi mình là “chẩu hua” (tức là thủ lĩnh tinh thần hay là thủ lĩnh phần hồn). Mặc dầu chỉ là “chẩu hua”, họ đã từng bước tạo lập được vị trí tương đối vững chắc trong quá trình nhận thức về tín ngưỡng của cộng đồng, và cũng không biết từ bao giờ, những “trí thức” người Thái ấy được gọi là “mo”? Nghe theo lời của các mo là nghe theo mệnh trời, là nghe theo lời của các “phi”(thần linh). Bởi thế mà từ xưa, lợi dụng lòng tin mang tính chất tôn giáo này, mà các ông, bà mo đã tự đặt ra các “lễ”, giống như một cuộc tự phong chức tước cho mình, từ đó tự tách mình ra khỏi tầng lớp đông đảo nhất của cộng đồng, để trở thành tầng lớp trung gian, có đặc quyền riêng về mặt tâm linh, tín ngưỡng. Đó là chưa kể đến một số người hành nghề mo theo kiểu mê tín, dị đoan, bói toán, tướng số… để loè bịp, bóc lột, làm hại không biết bao nhiêu là con người chân chính, cả tin và luôn tự “phụng mệnh trời”một cách mù quáng, do trình độ dân trí thấp?!

Thái Tâm