(Baonghean) - Nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm trong khi giá nhiên liệu không ngừng tăng cao; nguồn lao động khai thác thủy sản thiếu, trình độ thấp; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng và không đồng bộ… Đó là những nguyên do khiến nghề khai thác thủy sản tỉnh ta đứng trước áp lực buộc phải thay đổi. Và con đường  ngắn nhất chính là đánh bắt xa bờ…

Mồ côi cha từ khi còn 3 tháng trong bụng mẹ, học dở cấp hai lại buông bút theo các ngư dân trong làng ra biển kiếm ăn nên hơn ai hết Trương Công Tuấn (xóm 2, xã Quỳnh Nghĩa - Quỳnh Lưu) thấu hiểu nỗi vất vả của nghề "chim trời cá nước", nhất là với những con thuyền chỉ luôn quanh quẩn ven bờ. Bởi thế, Tuấn luôn nỗ lực lao động để có ngày được làm chủ một con tàu lớn mà dong buồm, thẳng lái ra khơi. "Năm 2000, em chung nghề làm tàu 90CV nhưng không ăn thua nên được 2 năm lại bán "lên đời" 120CV. Đến năm 2007, em mua riêng một chiếc hai sào 130CV nhưng mỗi khi ra khơi gặp phải gió cấp 5, cấp 6 đã phải lo chuyện vào bờ nên cũng cực. Phải đến giữa năm ngoái, cùng với 9 người khác chung nghề làm hẳn "con" 500CV 4 sào. Tàu em giờ đi xa cả trăm hải lý, trong vùng đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ nên chỉ lo không có sức mà đánh thôi", Tuấn phấn khởi nói.

Tàu công suất 500CV của anh Trương Công Tuấn (Quỳnh Nghĩa - Quỳnh Lưu)

Cũng theo chủ tàu NA 9012TS này, hồi xưa, nếu trời yên biển lặng thì mỗi chuyến biển dài những 20 ngày, về đến nơi cá, mực ươn hết. Nay, một trăng (từ khoảng 17 hay 18 âm lịch của tháng này đến mùng 7 hay mùng 8 âm lịch của tháng sau) đi được 3 chuyến, mỗi chuyến một tuần và có khi chỉ 1 đêm trúng là đã có vài chục tấn cá. Tuấn bảo: " Trung bình mỗi chuyến biển vào chính vụ, sau khi trừ chi phí khoảng trăm triệu (tiền 4.000 lít dầu, 15 ngàn cây đá, lương thực và thực phẩm cho 10 người) cũng lãi chừng trăm rưỡi triệu; tính ra, mỗi người đưa về cho vợ con khoảng 15 triệu đồng/tháng".

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản Nghệ An, thực hiện chủ trương chuyển nghề đổi vùng, từ năm 2009 lại nay, cùng với gia tăng về số lượng thì cơ cấu đội tàu xa bờ của tỉnh cũng không ngừng tăng lên. Tính đến hết tháng 6/2012, trong số 4.178 tàu khai thác thủy sản các loại đã có 1.027 tàu đánh bắt xa bờ (trên 90CV) với tổng công suất 236.640CV, trong đó: đóng mới 53 chiếc và cải hoán 67 chiếc. Đội tàu xa bờ phát triển mạnh góp phần quan trọng trong việc đưa sản lượng đánh bắt thủy sản 6 tháng đầu năm 2012 của tỉnh đạt 62.116 tấn (gần bằng sản lượng cả năm 2011 là 66.533 tấn và tăng hơn 2 lần so với năm 2001).

Anh Hoàng Sỹ Ngân - Trưởng phòng Quản lý nguồn lợi và Môi trường Thủy sản, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, cho biết: Chia sẻ khó khăn với ngư dân tỉnh nhà, từ năm 2009 đến nay, thực hiện các quyết định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp - nông thôn và thủy sản, Chi cục đã và đang triển khai 25 mô hình với kinh phí 1,785 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân các địa phương vùng biển chuyển đổi nghề. Đó là chuyển từ nghề te sang giã kéo xa bờ, từ nghề chụp gần bờ sang nghề lưới rê xù, từ nghề vó ánh sáng sang chụp mực lưới thưa 4 tăng - gông, từ nghề giã kéo sang nghề lưới vây, từ nghề chụp 2 sào gần bờ sang nghề vây rút chì xa bờ, từ nghề kéo gần bờ sang nghề lưới vây xa bờ, từ nghề xăm gần bờ sang nghề lưới vây xa bờ, từ nghề giã kéo ở tuyến lộng sang nghề giã kéo xa bờ, từ nghề te tuyến lộng sang nghề giã kéo xa bờ…

Ông Võ Trung Kiên, cán bộ phụ trách thủy sản thuộc Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho hay: Quỳnh Lưu không chỉ là huyện có số lượng tàu thuyền xa bờ lớn nhất tỉnh (809 tàu xa bờ/2.096 tàu các loại) mà cũng là địa phương tiên phong và dẫn đầu việc thực hiện chủ trương thành lập Tổ hợp tác trên biển theo Quyết định 21/2008/QĐ-UBND ngày 13/3/2008 của UBND tỉnh. Đến thời điểm này, toàn huyện đã có 136 tổ, đội các loại với số tàu tham gia là 612 và số hội viên trực thuộc 5.832 người.

Thống kê mới nhất của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản Nghệ An cho thấy, hiện trên địa bàn tỉnh, ngư dân đã thành lập 159 tổ hợp tác khai thác thủy sản trên biển với 1.113 tàu (trung bình 5-7 tàu/tổ) khai thác các nghề chính là: chụp cá, mực; vây rút chì; lưới rê; lưới kéo… Việc thành lập các tổ đội khai thác thủy sản đã giúp cho ngư dân gắn chặt nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả khai thác và hỗ trợ kịp thời lúc sóng to gió lớn hoặc gặp phải những tai nạn rủi ro trên biển. Các tổ, đội đoàn kết ở nhiều xã của huyện Quỳnh Lưu lập nên những đội tàu cá mạnh, hoạt động có hiệu quả, khai thác thủy sản bằng nghề lưới rê tại ngư trường Vịnh Bắc bộ và các tỉnh lân cận.                                               
                                                                                                    (Còn nữa)

Xuân Hải