(Baonghean) -Ngày 16/6/2003, Bộ Chính trị ban hành NQ 28/NQ/T.Ư về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh. Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết đã và đang làm thay đổi cơ bản diện mạo của nông, lâm trường trên đất Nghệ An. Để đánh giá cái được, chưa được trong việc thực hiện Nghị quyết, Báo Nghệ An tổ chức chuyên đề: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/T.Ư.

Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 28 - NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, hệ thống lâm trường quốc doanh chuyển đổi thành Công ty TNHH-MTV lâm nghiệp phát triển ngày càng hiệu quả.

Đối với các công ty lâm nghiệp, từ 5 công ty lâm nghiệp chuyển thành 5 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp. Các công ty này trước khi sắp xếp có 74.691,25 ha thì nay giảm còn 59.829,55ha.

Ông Lê Đình Lợi - Giám đốc Công ty TNHH-MTV lâm nghiệp Đô Lương, cho biết: Sau chuyển đổi, đến năm 2006, Công ty TNHH-MTV lâm nghiệp Đô Lương mới có sự đổi thay rõ nét. Công ty đã giao lại đất cho địa phương quản lý là 1491,5 ha, đồng thời rà soát lại diện tích đất được giao 2436,0ha, để từ đó có những sắp xếp sản xuất hợp lý. Trước đây, đơn vị chủ yếu trồng bạch đàn vòng đời kéo dài từ 12-15 năm mới cho thu hoạch nên kém hiệu quả. Năm 2006, Công ty chuyển đổi trồng được trên 800 ha rừng nguyên liệu, chủ yếu là keo lai. Công ty còn thực hiện lại việc giao khoán ổn định lâu dài đến các hộ dân, tăng cường vai trò trách nhiệm quản lý điều hành, nâng cao tính năng động của người nhận khoán để sản xuất kinh doanh có hiệu quả; đồng thời còn dẩy mạnh khai thác ứng dụng khoa học công nghệ, lai tạo và sản xuất các giống cây đảm bảo chất lượng để phục vụ cho địa bàn Đô Lương và các huyện lân cận. Đến thời điểm này, Công ty có trên 1.400 ha rừng nguyên liệu, đã thu hoạch được trên 800 ha keo lai ở các xã Mỹ Sơn, Hoà Sơn, Bài Sơn, Giang Sơn…

Ngoài ra, Công ty còn quản lý hơn 600 ha thông, trong đó diện tích thông cho khai thác 300 ha. Công ty đã có hợp đồng với những hộ dân có năng lực, tập huấn và qua đợt “sát hạch” đạt yêu cầu người nhận khoán mới được cấp chứng chỉ  quy trình kỹ thuật cạo mủ cao su. Công ty tinh giảm các trạm lâm nghiệp, chỉ còn 34 cán bộ CNV, các cán bộ hầu hết “cắm” cơ sở để kiểm tra, giám sát việc trồng rừng, bảo vệ rừng, cạo mủ cao su. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 28, Công ty ngày càng có bước phát triển bền vững. Khai thác gỗ nguyên liệu đạt 1.500 tấn/ha, khai thác nhựa thông 200 tấn/năm, sản xuất cây lâm nghiệp 60 vạn cây/năm, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng. Mức lương của người lao động đạt từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

789183_small_90161.jpg

Trồng rừng ở Con Cuông Ảnh: V.T

Còn Công ty TNHH một thành viên LNN Sông Hiếu, sau khi trả đất cho địa phương quản lý hơn 12.243 ha, hiện đang quản lý bảo vệ  và kinh doanh 39.177 ha rừng, trong đó doanh nghiệp quy hoạch 27.000 ha để kinh doanh gỗ lớn, 8.000 ha kinh doanh gỗ nguyên liệu kết hợp sản xuất nông lâm và 5.000 ha vùng kinh doanh cây cao su. Doanh nghiệp đã bỏ vốn tự có 32,3 tỷ đồng và mạnh dạn vay ngân hàng 35,2 tỷ đồng, liên doanh liên kết với các hộ dân trên địa bàn   bỏ ra 16 tỷ đồng cùng đầu tư phát triển 8.324 ha rừng trồng nguyên liệu và kết quả là tại các địa phương trên tuyến đường Quốc lộ 48, xuất hiện những khu rừng nguyên liệu phát triển xanh tốt. Thành công này không những góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường, mà còn tạo ra vùng nguyên liệu rộng lớn và giúp cho các hộ dân có thu nhập cao từ rừng. Với diện tích rừng nguyên liệu phong phú đó, Công ty đã bảo đảm khai thác mỗi năm đạt hàng chục ngàn mét khối phục vụ Nhà máy sản xuất gỗ nhân tạo MĐF, chế biến gỗ ghép thanh nguyên liệu, gỗ bóc dán, băm dăm… 

Nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc trồng rừng nguyên liệu, Công ty TNHH một thành viên LNN Sông Hiếu còn quyết tâm thực hiện dự án phát triển cây cao su với diện tích quy hoạch là 5.000 và để con số đó trở thành hiện thực vào năm 2020, Công ty đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng lập vườn ươm giống và phát triển diện tích cây cao su. Ông Hồ Đình Thế - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên LNN Sông Hiếu cho biết: “Hiện nay Công ty có 6 doanh nghiệp trực thuộc và 1 liên doanh với Tập đoàn tài chính Liêu Ninh- Trung Quốc sản xuất gỗ nhân tạo MĐF. Mô hình và cơ chế quản lý của Công ty là phù hợp với loại hình Công ty lâm nghiệp theo hướng chuyên môn hóa, hợp tác lấy trồng rừng phục vụ chế biến và lấy chế biến để hỗ trợ công tác đầu tư trồng lại rừng… Với những cách làm hiệu quả đó, thời gian qua, Công ty luôn đạt mức tăng trường khá. Năm 2010, tổng doanh thu đạt 47,2 tỷ đồng, năm 2011 đạt 56,2 tỷ đồng và năm 2012 đạt 60,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 4 tỷ đồng”.

Đối với Công ty TNHH - MTV lâm nghiệp Con Cuông, diện tích đất được cấp giấy quyền sử dụng đất là 8.462 ha. Từ khi chuyển đổi sắp xếp lại doanh nghiệp, lợi nhuận sản xuất kinh doanh của Công ty ngày càng cao, bảo toàn và phát triển vốn được giao, hàng năm doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng, người lao động có việc làm ổn định, lương bình quân đạt 3 triệu đồng/người/tháng. Công ty đã có 1 xí nghiệp chế biến gỗ, 1 xí nghiệp chế biến bột giấy, 4 trạm quản lý bảo vệ rừng, 1 đội sản xuất nông lâm kết hợp, 1 tổ kinh doanh tổng hợp, 1 tổ vườn ươm, 122,5ha (mét, tre, măng) khoán cho người dân theo Nghị định 01/CP, 91 ha rừng sản xuất khoán theo Nghị định 135, khoán hàng năm cho tổ bảo vệ rừng gần 3000 ha. Công ty đã trồng được trên 250 ha cây nguyên liệu bằng vốn vay ngân hàng.

Nhờ từ việc chuyển đổi mà có hàng ngàn người dân có việc làm từ nhận khoán sản xuất và bảo vệ rừng theo Nghị định 01 /CP và Nghị định 135/NĐ-CP của Chính phủ. Người nhận khoán đã thực sự quan tâm, yên tâm sản xuất trên diện tích đã được giao. Người lao động nhận khoán đầu tư thâm canh để tăng năng suất, chất lượng cây trồng góp phần tăng sản lượng và thu nhập trên một đơn vị diện tích. Quá trình sắp xếp đổi mới một số Công ty TNHH –MTV lâm nghiệp đã hình thành được các vùng cây nguyên liệu tập trung phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho cán bộ CNV.

Bên cạnh đó, đang còn những khó khăn đang đặt ra như kinh phí phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng thấp, trong khi nguồn thu từ khai thác rừng tự nhiên hàng năm không đủ trang trải lương cho công nhân. Về vấn đề tín dụng, các Công ty trên cũng rất khó vay để trồng rừng do đặc thù của lâm nghiệp chu kỳ cây dài rủi ro lớn. Một số công ty lâm nghiệp có kiến nghị: Dù đã chuyển đổi sang kinh doanh nhưng vẫn còn đảm nhận một số phần chức năng xã hội; Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thích hợp như không thu tiền thuế đất đối với rừng trồng ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, cấp đủ vốn điều lệ theo phương án đã phê duyệt …


Văn Trường - Hoàng Vĩnh