>>Bài 3: Quy mô và ý nghĩa
(Baonghean) - Các di tích lịch sử về Mai Thúc Loan và khởi nghĩa Hoan Châu trên quê hương Nghệ An là một quần thể kiến trúc hài hòa trong một khuôn viên rộng, thoáng đãng. Không gian Lễ hội Đền Vua Mai gắn với các di tích lịch sử - văn hóa: đền thờ Mai Hắc Đế, khu miếu mộ Mai Hắc Đế, khu mộ thân mẫu Vua Mai, miếu thờ Mai Thiếu Đế, đền Nậm Sơn thượng tướng, đình Khả Lãm. Quần thể các công trình kiến trúc đó có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật. Các công trình được xây dựng tại địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu. Không gian linh thiêng ấy không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, tôn giáo mà còn thể hiện sự kính trọng và tôn vinh của nhân dân, đất nước đối với sự nghiệp chống giặc cứu nước của Vua Mai.
Hiện nay, đền thờ Mai Hắc Đế thuộc khối Mai Hắc Đế, Thị trấn Nam Đàn, còn mộ nằm trong thung lũng dưới chân núi Hùng Sơn (còn có tên gọi là núi Đụn Sơn), thuộc xã Vân Diên, (Nam Đàn).
Thuở mới xây dựng, đền và mộ Vua Mai chỉ là một ngôi đền và một cái miếu nhỏ. Đến năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), đền thờ và mộ Vua Mai mới được xây dựng lớn. Lúc đó, vườn đền là một khu đất rộng hơn 1 mẫu, quanh vườn cây cối rậm rạp, tỏa bóng râm mát. Trước đền, cổng tam quan uy nghi đẹp đẽ. Qua sân rộng là đến 3 tòa: hạ điện, trung điện, thượng điện, kiến trúc theo kiểu chữ Tam.
Năm 1968, trong một trận bom ác liệt của đế quốc Mỹ, đền thờ Vua Mai đã bị sụp đổ hoàn toàn. Ở khu vực mộ chỉ còn lại nhà hậu cung. Hiện nay, đền và mộ Vua Mai đã được tu bổ lại, tuy không to đẹp, uy nghi được như xưa, nhưng vị trí của đền và mộ Vua Mai không hề thay đổi, đặc biệt vẫn còn lưu giữ được một số kiến trúc cơ bản, một số đồ tế khí ban đầu và các sắc phong qua các vương triều.
Chính quyền địa phương các cấp ở Nam Đàn và tỉnh rất quan tâm tới vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị ở di tích này. Đến năm 2002, Nhà nước và nhân dân đã đầu tư kinh phí làm đường nhựa từ đền thờ Vua Mai đến khu mộ Vua Mai, thuận tiện cho du khách đến viếng thăm.
Khu miếu mộ Vua Mai nằm ở một thung lũng, về phía Nam của chân núi Hùng Sơn. Đó là một ngọn núi cao, hùng vĩ “từ xưa đã được gọi là một danh sơn”, nằm ở tả ngạn sông Lam. Dưới chân núi này là Vệ Sơn – đại bản doanh của Vua Mai trong khởi nghĩa Hoan Châu. Khu mộ của Vua Mai nằm ở một địa thế đẹp, cao ráo, kín đáo, hiểm trở, ba bề là sự bao bọc của núi non và trước mặt là dòng Lam nên thơ, hiền hòa.
Khu miếu mộ Mai Hắc Đế ban đầu chỉ được kê bằng đá, đến năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) khu mộ được xây dựng theo kiểu “tiền miếu, hậu mộ” (trên miếu, dưới mộ). Khu miếu mộ gồm các công trình kiến trúc chính, phụ như sau: Cổng vào sân vườn, bái đường, sân lộ thiên và tả hữu vu, hậu cung. Khu miếu mộ là địa chỉ tâm linh để nhân dân thành kính tôn thờ Mai Hắc Đế.
Bài 1: Đền thờ và mộ Vua Mai
Khoa Lịch sử - Đại học Vinh